Không thành “cú huých” cho doanh nghiệp
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại thời điểm 20/9/2016 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Nếu xảy ra, điều này góp phần tạo ra một “cú huých” cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, nhu cầu hạ lãi suất cho vay của nền kinh tế là có bởi doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn khi phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Nhưng khả năng thực tế để các ngân hàng thực hiện hạ lãi suất là rất khó. Bởi theo ông Tuyển, nợ xấu trong xây dựng cơ bản, trong BOT vẫn là những ẩn số rất lớn đang cản trở đến vốn hữu dụng cho nền kinh tế.
“Nợ xấu chúng ta đã giải quyết bao nhiêu năm vẫn không được, thậm chí vẫn tăng lên nên tôi cho rằng rất khó để giảm lãi suất trong thời điểm này. Nhưng nếu có giảm lãi suất thì cũng sẽ có nguy cơ đẩy lạm phát lên, khi mà áp lực lạm phát trong giai đoạn cuối năm là rất lớn. Tôi cho rằng khả năng giảm lãi suất là rất thấp, giữ được mức như hiện này đã là quá tốt rồi”, chuyên gia Tuyển nhận định.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng chỉ ra, nợ xấu duy trì trong các ngân hàng mà không giải quyết được nó sẽ làm cho lãi suất cho vay ra tăng hoặc không giảm được. Bởi các ngân hàng phải duy trì một thu nhập từ lãi suất cao để bù lại phần đã mất về nợ xấu.
“Tức là họ có bao nhiêu lợi nhuận phải ném vào quỹ dự phòng rủi ro để bù lại nợ xấu đang mắc phải. Các ngân hàng tăng thu nhập của mình bằng cách huy động vào thấp nhưng tăng lãi suất cho vay ra đối với doanh nghiệp để họ thu được chênh lệch lãi suất bù vào nợ xấu của mình. Đó là nguyên nhân của nợ xấu, tác động xấu của nợ xấu”, TS. Nguyên Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.
Được biết, đến thời điểm cuối tháng 8/2016, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho Cty Quản lý tài sản- VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%.
Phải có “tiền tươi thóc thật”
Để giải quyết nợ xấu, theo ông Tuyển, vấn đề là phải có “tiền tươi, thóc thật”. Còn tiền lấy từ đâu là một chuyện khác. Theo chuyên gia này, Việt Nam có thể học hỏi giải pháp xử lý nợ xấu của một số nước ở châu Á.
Ông Tuyển dẫn chứng, ở Nhật Bản, ban đầu nước này cũng cương quyết không sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu, nhưng kết quả sau 2 năm nền kinh tế vẫn hết sức trì trệ và Nhật Bản quyết định sử dụng ngân sách để xử lý. Sau 10 năm, nước này đã hoàn thu lại, thậm chí dư ra số tiền đã bỏ ra để giải quyết nợ xấu.
Chuyên gia Tuyển dẫn chứng tiếp, Indonesia cũng phải vay 40 tỷ USD để giải quyết nợ xấu. Vì nước này xác định nếu không vay tiền thì không thể nào giải quyết được nợ xấu. “Chỉ có điều thế này, dùng cái tiền nào đấy, nhất là ngân sách không có nghĩa là anh gây ra cái nợ xấu không bị xử lý. Ở nước bạn họ xử lý cực kì nghiêm khắc, bắt bỏ tù hàng loạt anh gây ra cái khoản nợ xấu này. Cần phải khẳng định ở đây không phải là xí xóa cho các anh tạo ra nợ xấu mà đây chẳng qua là giải quyết đòn bẩy cho nền kinh tế tăng trưởng”, ông Tuyển nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, TS. Thành cho biết VEPR cũng hiến một giải pháp để giải quyết nợ xấu, rằng Nhà nước tìm nguồn lực ở đâu thì tìm nhưng điều cần phải làm được là có tiền “ném” vào hệ thống ngân hàng để mua đứt, rút khoản nợ xấu đó ra khỏi hệ thống.
Chuyên gia Thành nói rằng, khi lãi suất cho vay hạ được xuống sẽ làm cho doanh nghiệp có được đòn bẩy về tài chính tốt hơn. Nhờ đó các doanh nghiệp sẽ sống tốt hơn và nền kinh sẽ từ từ khởi sắc. Lúc đó, Nhà nước mới có nguồn thu để trả lại khoản tiền đã sử dụng để xử nợ xấu. Theo VERP tính toán hạ 1% lãi suất cho vay ra nhờ việc xử lý nợ được khoản nợ xấu trong ngân hàng nó sẽ mang lại 2% GDP nhờ tăng trưởng.
“Vì vậy sau 5 năm chúng ta sẽ được 10% GDP từ điểm đó. Và như vậy nếu có một khoản tiền bằng 10% GDP để xử lý nợ xấu trong các ngân hàng như tính toán này thì chúng tôi nghĩ là nên làm. Và đây không phải lấy tiền của công để xử lý vấn đề của tư nhân mà đây là của chung hết và cách chúng tôi lập luận là như vậy”, TS. Thành nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu Nhà nước không sớm có giải pháp rõ ràng trong vấn để giải quyết nợ xấu thì các ngân hàng chỉ còn cách là tự sống sót, tự “chích máu” ra để tồn tại. Kết quả là tăng trưởng kinh tế sẽ chậm và nguy hại hơn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ suy yếu vì không có khả năng tăng vốn. Và điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hội nhập của cả nền kinh tế về mặt tài chính trong tương lai.
“Tiền đi vay ở nước ngoài của các tổ chức lớn hay là sử dụng ngân sách đều được để làm sao cắt hẳn khoản nợ xấu này ra. Vấn đề nó nằm ở chỗ khi chúng ta dùng bất cứ một nguồn lực nào đó, nguồn lực công hay nguồn lực vay nợ để giải quyết nợ xấu thì các anh ngân hàng, kể cả ngân hàng tư nhân thì họ mới có động lực, có cơ sở để họ giảm lãi suất cho vay. Tức là họ không còn phải cắt phần của họ hàng ngày, hàng giờ ra để xử lý nợ xấu nữa. Tạm thời họ không phải lo chuyện đó nữa thì họ mới hạ lãi suất cho vay”, Viện trưởng Thành phân tích.