Doanh nghiệp lo ngại thương hiệu bị “nhái”
Tại cuộc làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) mới đây, ông Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, LEGO là thương hiệu lớn của Đan Mạch, mới xây dựng Nhà máy sản xuất có trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương. Đây là nhà máy trung hòa cacbon đầu tiên tại Việt Nam. Theo dự kiến, các sản phẩm của LEGO đầu tiên sẽ được sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2024 và sẽ cung cấp cho toàn bộ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện LEGO đang phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) khi các sản phẩm vi phạm SHTT tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Tập đoàn đang chủ động làm việc với các lực lượng chức năng để ngăn chặn tình trạng này. Tập đoàn LEGO cũng rất mong chờ Luật về bản quyền cũng như luật pháp liên quan trong việc thực thi quyền về SHTT. Ví dụ như bản quyền về đóng gói, lắp ghép hình mẫu, hình nhân nhỏ trong các bộ đồ chơi.
“Hiện nay LEGO đang gặp phải những thách thức trong thực thi liên quan đến chủ sở hữu quyền. Chính vì vậy, Tập đoàn mong muốn được phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở pháp lý trong thực thi quyền tác giả” - ông Troels Jakobsen nói.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định, phần lớn các sản phẩm vi phạm nhãn hiệu LEGO trên thị trường Việt Nam hiện nay được đưa vào bằng con đường nhập lậu. Bởi, sản phẩm của LEGO tương đối phức tạp. Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT chưa phát hiện các cơ sở trong nước sản xuất mặt hàng này. Do đó, ông Linh đề xuất, Đại sứ quán Đan Mạch tiếp tục làm việc với các lực lượng chức năng, đặc biệt ở biên giới để có thể ngăn chặn triệt để từ khâu này.
Đại diện rất nhiều thương hiệu kính mắt nổi tiếng của Italia cũng đặt vấn đề về bảo vệ quyền SHTT cho các sản phẩm tại Việt Nam. Theo đại diện Tập đoàn Luxottica (Italia), hiện Luxottica có tất cả 33 thương hiệu về kính mắt, trong đó có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của Italia được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như Ray-Ban, Costa, Persol, Oliver Peoples, Oakley… Tuy nhiên, khảo sát thị trường, Tập đoàn nhận thấy có rất nhiều cơ sở, địa chỉ bán hàng giả mạo nhãn hiệu của Luxottica trong thời gian qua.
Quản lý thị trường cần sự hợp tác của doanh nghiệp
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), SHTT được đánh giá là một trong những vấn đề đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi nhiều nhất khi Hiệp định có hiệu lực thực thi. Lý do bởi châu Âu (EU) là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền SHTT.
EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền SHTT. Đây dường như là lý do khiến cho các tập đoàn lớn ở châu Âu, sở hữu những thương hiệu hàng đầu thế giới đặt vấn đề hợp tác với Tổng cục QLTT để thực thi và bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm phân phối tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn LVMH - đơn vị sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Louis Vuitton, Dior, Céline, Givenchy, Fendi, Marc Jacobs đã ký biên bản hợp tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT với Tổng cục QLTT.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định, kiểm tra kiểm soát các mặt hàng liên quan đến xâm phạm quyền SHTT là khó khăn nhất vì luôn đòi hỏi phải có chủ thể quyền của sản phẩm xác nhận hàng chính hãng - hàng giả mạo thì lực lượng QLTT mới có căn cứ xử phạt theo luật định.
Đáng chú ý, đối với lĩnh vực này, mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT tương đối nặng và đủ sức răn đe, thậm chí có thể xử lý hình sự. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý vi phạm, ông Linh cho rằng, trước hết, về phía doanh nghiệp cần có đầy đủ cơ sở pháp lý được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
“Đơn cử, Ray-Ban là một thương hiệu được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi thu giữ, chúng tôi không thể liên lạc được với chủ thể quyền của Ray-Ban tại Việt Nam để tiến hành xác minh yếu tố vi phạm. Điều đó làm cho công tác xử lý của lực lượng QLTT khó khăn hơn rất nhiều” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói và cho biết thêm, nếu như không có đại diện chủ thể quyền hãng xác nhận thì không thể xử lý theo hành vi hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT mà chỉ có thể xử lý hành chính. “Do đó, các tập đoàn sở hữu các thương hiệu lớn cần tăng cường giám sát thị trường cùng với lực lượng chức năng trong kiểm tra xử phạt các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu” - Lãnh đạo Tổng cục QLTT đề nghị.