Tương quan
Theo báo cáo mới nhất về việc thực thi Hiệp ước START mới giữa Nga và Mỹ, trong kho vũ khí của Mỹ có 1.538 đầu đạn hạt nhân. Trong đó, 1.012 đầu đạn hạt nhân được gắn trên loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trứ danh của Mỹ là Trident II (chiếm khoảng 66%).
Tên lửa liên lục địa Minuteman III mang khoảng 441 đầu đạn hạt nhân (khoảng 28,5), số đầu đạn hạt nhân còn lại được mang bởi các loại bom chiến lược khác. Như vậy, tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân là thành tố cực kỳ quan trọng trong lực lượng hạt nhân của Mỹ.
Về phía Nga, trong số 1.735 đầu đạn hạt nhân, khoảng 900 đầu đạn được gắn trên 299 hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (xấp xỉ 52%), và khoảng 700 đầu đạn gắn trên các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm với nhiều loại khác nhau (khoảng 40%), số còn lại gắn trên khoảng 50 bom chiến đấu chiến lược. Những con số này cho thấy, Nga có sự cân bằng hơn giữa hai lực lượng mang đầu đạn hạt nhân là tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa liên lục địa.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II của Mỹ cũng có những đặc tính khác biệt so với các loại tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn. Dù loại tên lửa này không mới (được đưa vào phục vụ từ năm 1990) so với đối thủ của Nga là R-30 Bulava, nhưng có tầm bắn lớn hơn cũng như độ chính xác cao hơn: bán kính sai số chỉ là 90-120 m, trong khi của Bulava là 250-350 m.
Trident II có thể mang theo 14 đầu đạn hạt nhân hạng nhẹ W-76, mỗi đầu đạn có sức công phá tương đương 100 nghìn tấn TNT, sự chính xác này đảm bảo quét sạch các hệ thống tên lửa liên lục địa được bảo vệ tốt nhất của đối phương. Bên cạnh đó, loại tên lửa này còn lập một kỷ lục khác: 134 lần phóng thử thành công, chỉ có 4 lần phóng thử không thành công. Các thông số của Bulava kém ấn tượng hơn so với Trident II: chỉ có 8 trong số 24 lần phóng thử là thành công.
Dù vậy, sau những lần phóng thử thành công liên tiếp, Bulava đã được đưa vào hoạt động từ năm 2013. Bulava cũng chỉ mang được 10 đầu đạn hạt nhân hạng nhẹ so với con số 14 của Trident II. Tuy nhiên Nga đang có những kế hoạch rất tham vọng để nâng cấp Bulava, đưa loại tên lửa này thành một đối thủ đáng gờm của Trident II của Mỹ.
Mỹ vượt trội
Hải quân Mỹ sử dụng duy nhất một loại phương tiện chiến lược để phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân dưới mặt nước là tàu ngầm lớp Ohio. Hiện tại, Mỹ có 18 tàu ngầm Ohio trong biên chế, tuy nhiên 4 chiếc trong số này đã được thiết kế lại để mang tên lửa hành trình Tomahawk.
Bởi vậy, Mỹ chỉ còn 14 chiếc để so sánh với lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Nga. Một chiếc tàu ngầm lớp Ohio có thể mang theo tới 24 tên lửa đạn đạo Trident II và đây là con số kỷ lục. Để so sánh, tàu ngầm hạt nhân Project 941 Typhoon của Nga và Project 955 Borei chỉ có thể mang theo lần lượt là 20 và 16 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân R-30 Bulava, mặc dù trọng lượng rẽ nước của các loại tàu ngầm này lớn hơn nhiều so với các loại của Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân Ohio – lực lượng chiến lược của Hải quân Mỹ |
Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ được sản xuất từ lâu, trong khoảng từ năm 1976 đến năm 1997, thế nhưng năng lực của nó đến nay vẫn được đánh giá cao với độ tin cậy đáng nể: đến nay mới chỉ có duy nhất 1 thủy thủ thiệt mạng trong quá trình vận hành tàu ngầm và đó là do không tuân thủ các quy trình an toàn.
Lực lượng tàu Ohio sẽ giảm dần từ nay đến năm 2027, và đến năm 2040, chiếc cuối cùng trong thế hệ tàu ngầm này sẽ hết hạn sử dụng. Hiện Mỹ đã có chương trình thay thế tàu ngầm Ohio mang tên SSBN.
Dự kiến, Mỹ sẽ chế tạo tổng cộng 12 chiếc tàu ngầm SSBN với tổng kinh phí 95,8 tỷ USD, và chiếc đầu tiên sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2030. Thiết kế của tàu ngầm hạt nhân SSBN gợi nhớ tới tàu ngầm lớp Ohio trên nhiều phương diện, bao gồm kích thước của nó và hầm phóng tên lửa giữ nguyên để mang tên lửa Trident II.
Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt quan trọng: tàu ngầm mới sẽ chỉ mang theo 16 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thay vì 24 chiếc. Hơn nữa, lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm mới sẽ không cần tiếp nhiên liệu trong suốt vòng đời (với tàu ngầm Ohio, quá trình này đòi hỏi 4 năm một lần), đồng thời bổ sung một số hệ thống kỹ thuật để giảm tiếng ồn khi tàu di chuyển.
Nhưng...Nga đi trước
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Nga thua Mỹ về sự đồng bộ. Hiện tại, Nga có 3 tàu ngầm lớp 667DBR Kalmar (Delta-III) trang bị tên lửa liên lục địa loại nhiên liệu lỏng R-29R (NATO gọi là SS-N-18); 6 tàu ngầm 667BDRM Dolphin (Delta IV) trang bị loại tên lửa tân tiến nhất là R-29RMU2.1 Liner và 29RMU2 Sineva (NATO gọi là SS-N-23 Skiff), 3 tàu ngầm thế hệ mới Project 955 Borei. Project 941 Typhoon là chiếc tàu ngầm duy nhất trang bị tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn R-30 Bulava.
Các tàu ngầm Project 667 của Nga đều sắp hết hạn sử dụng và sẽ phải thay thế toàn bộ vào khoảng đầu những năm 2020. Mỗi chiếc tên lửa trang bị cho tàu ngầm này là R-29R có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân với sai số trượt mục tiêu (9CEP) là 900 m.
Trong khi đó, tàu ngầm thế hệ ba Dolphin có thời gian phục vụ dài hơn và sẽ là đối thủ chính của tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ. Tuy nhiên, hạn chế của tàu ngầm Dolphin là được trang bị tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng. Việc bảo dưỡng tên lửa nhiên liệu lỏng sẽ khó khăn hơn, chi phí cao hơn, độc hại hơn so với tên lửa Trident II sử dụng nhiên liệu rắn của Mỹ trên tàu Ohio của Mỹ.
Tuy nhiên, năng lực chiến đấu của các loại tên lửa này vẫn rất tốt. Loại mới nhất trong dòng tên lửa này là R-29RMU2.1 Linercos khả năng mang theo 4 đầu đạn hạt nhân hạng trung có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường, hoặc mang theo 12 đầu đạn hạt nhân hạng nhẹ với tầm bắn khoảng 11.000 km.
Tuy nhiên, tàu ngầm Dolphin có ưu thế vượt trội mà chưa một loại tàu ngầm nào của Mỹ có được: có thể phóng cùng lúc 16 tên lửa đạn đạo mà nó mang theo. Điều này đã diễn ra vào năm 1991 trong một chương trình thử nghiệm mang tên Behemoth-2.
Loại tàu ngầm chiến lược hiện đại nhất của Nga hiện nay là Project955 Borei - chiếc tàu ngầm thế hệ 4 đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, Nga có 3 chiếc tàu ngầm Borei trong biên chế, và con số này sẽ tăng lên 8 chiếc vào năm 2021, trong đó 5 chiếc đang đóng sẽ có một số biến thể hiện đại hơn và có khả năng hoạt động êm hơn.
Nga là nước đầu tiên có tàu ngầm hạt nhân thế hệ 4 Borei |
Sau thời gian này, Nga có thể sẽ đóng thêm từ 2 đến 4 chiếc nữa. Nhìn chung, tàu ngầm hạt nhân Borei mới của Nga khá giống với tàu ngầm mà Mỹ sẽ triển khai trong tương lai là SSBN. Chúng đều có kích thước và trọng lượng rẽ nước tương đương, đều có thể mang theo 16 tê lửa đạn đạo nhiên liệu rắn và hoạt động êm hơn so với tàu ngầm thế hệ 3.
Tuy nhiên, trong khi kế hoạch về tàu ngầm SSBN của Mỹ vẫn đang “nằm trên giấy” thì Borei đã có những chiếc đầu tiên đưa vào hoạt động. Các chuyên gia cho rằng, khi Mỹ phát triển được loại tàu ngầm mới là SSBN vào những năm 2030, Nga đã có thể triển khai thêm những cải thiến kỹ thuật vượt trội cho Borei và đây là một ưu thế rõ ràng của đội tàu ngầm hạt nhân Nga so với của Mỹ.
Sau tất cả những so sánh về đội tàu ngầm, loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm, điều nhận thấy rõ nhất là lực lượng hạt nhân của cả Nga và Mỹ đều có uy lực khủng khiếp, đủ sức phá hủy bất cứ mục tiêu nào được nhắm đến.
Đến nay, vẫn chưa có bất cứ kịch bản giả định nào về khả năng Mỹ và Nga triển khai lực lượng hạt nhân, nhưng chắc chắn sẽ không ai chịu lùi bước trong cuộc đua này nhằm duy trì khả năng răn đe chiến lược lẫn nhau cũng như với các đối thủ có ý định gia nhập đường đua.../.