Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, việc sửa đổi học thuyết biển được Tổng thống phê chuẩn do NATO mở rộng sang phía đông. Ông Rogozin nói: “NATO đang theo đuổi những kế hoạch không thể chấp nhận nhằm chuyển dịch cơ sở hạ tầng quân sự tới biên giới của Nga”.
Chú trọng phía Tây, Bắc cực
Học thuyết biển mới bao trùm 4 chức năng và 6 khu vực. Bốn chức năng bao gồm hoạt động hải quân, giao thông hàng hải, khoa học biển và phát triển các nguồn tài nguyên. Sáu khu vực bao gồm Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương, Biển Caspi, Ấn Độ Dương và Nam Cực.
Theo AFP, học thuyết hải quân mới của Nga bao gồm chiến lược trải dài từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương đến Bắc cực và Nam cực. Trong đó, các nhà quan sát đặc biệt chú ý tới mục tiêu của Nga tại Đại Tây Dương vì lãnh thổ nước này không tiếp xúc với vùng biển giáp ranh với các nước phương Tây quanh đại dương này.
Một chiến hạm Nga. |
Bên cạnh đó, học thuyết mới còn nhấn mạnh phải phát triển Hạm đội Phương Bắc để tăng cường vai trò của Nga tại Bắc cực, khu vực giàu tài nguyên chưa được khai phá và đang là đối tượng tranh chấp giữa nước này với Mỹ lẫn một số nước châu Âu.
Trước mắt, Phó thủ tướng Rogozin thông báo Nga đã bắt đầu đóng thêm tàu phá băng hạt nhân hoạt động ở Bắc cực và 3 tàu mới sẽ đi vào hoạt động lần lượt vào các năm 2017, 2019 và 2020. Ông cũng cho rằng 2 mục tiêu nói trên quan hệ mật thiết với nhau vì “Bắc cực mang lại sự tiếp cận dễ dàng và không giới hạn đối với cả Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương”.
“Những thay đổi trong học thuyết mới cho thấy Nga đặc biệt chú trọng đến tăng cường khả năng hải quân ở Đại Tây Dương và Bắc cực nhằm đối phó NATO”, chuyên gia Alexander Golts nhận định với AFP.
Dấu mốc lịch sử
Tham dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga tại vùng lãnh thổ Kaliningrad, Tổng thống Putin gọi sự sửa đổi này là một “sự kiện mang dấu mốc lịch sử đối với tương lai hải quân”.
Ông Putin nói mục đích chính của học thuyết là bảo đảm sự hiểu biết, chính sách hải quân hiệu quả và liên tục nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia Nga.
Ngày 26/7, các chiến hạm, tàu ngầm, chiến đấu cơ, binh lính và phương tiện đổ bộ được triển khai khắp nước Nga, trình diễn các kỹ năng chiến đấu và sức mạnh nhằm kỷ niệm Ngày Hải quân Nga. Buổi lễ được khởi động theo truyền thống tại vùng Viễn Đông với lễ diễu binh của hạm đội Thái Bình Dương với 20 tàu chiến, tàu ngầm do tuần dương hạm mang tên lửa Varyag dẫn đầu.
Tổng thống Putin gọi sự sửa đổi này là một “sự kiện mang dấu mốc lịch sử đối với tương lai hải quân” nước Nga. |
Hơn 30 chiến hạm, tàu ngầm, nhiều phương tiện quân sự tác chiến ven bờ, hơn 2.000 quân thuộc hạm đội Baltic cũng duyệt đội ngũ kỷ niệm Ngày Hải quân. Tại Crimea, 20 chiến hạm, 35 máy bay, 10 tàu hỗ trợ và 21 phương tiện tác chiến bờ biển phô trương sức mạnh ở cảng Sevastopol…
Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov, tiết lộ sẽ nhận thêm 10 chiến hạm và hơn 40 tàu hỗ trợ vào cuối năm 2015. “Sau 2015, chúng tôi có kế hoạch xây dựng các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, Yasen và Lada”, kênh Rossiya 24 đưa tin.
Theo ông Chirkov, Nga đang đóng các tàu đổ bộ mới cỡ lớn, có thể mang theo ít nhất 10 máy bay trực thăng, cùng với 450-500 lính thủy đánh bộ. Đầu năm 2015, chính quyền Tổng thống Putin duyệt chi 325 tỷ USD cho việc hiện đại hóa 70% các lực lượng vũ trang vào năm 2020.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng không quân của Hải quân Nga sẽ được biên chế hơn 20 máy bay MiG-29K mới. Tư lệnh hạm đội Phương Bắc, Đô đốc Vladimir Korolev, cho biết, hạm đội đã bắt đầu thành lập bộ phận không quân và phòng không./.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu