Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn pháp y

Ông Ngô Hường Dũng (ngoài cùng bên phải) tham gia Đoàn Chính phủ kiểm tra tuyến pháp y Thái Bình
Ông Ngô Hường Dũng (ngoài cùng bên phải) tham gia Đoàn Chính phủ kiểm tra tuyến pháp y Thái Bình
(PLO) -  Sau gần 15 năm biết và làm việc cùng, người viết bài này chắc chắn tin rằng khi nói như vậy, Giám định viên Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Pháp y Quốc gia không hề có chút “lên gân” hay “làm hàng” nào. 
Bởi ông đã có 33 năm gắn bó thủy chung với nghề giám định pháp y phục vụ công lý, dù rằng cái nghề đó nghe thấy nhiều người đã rùng mình lảng xa và ngay chính bản thân ông cũng đã nhiều lần khốn khổ lao đao vì nó. 
Người “có duyên” với những vụ án li kì
Không sai khi nói rằng Giám định viên (GĐV) Ngô Hường Dũng là một người có cơ duyên với nghề giám định pháp y (GĐPY), bởi ngay từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Y, ông đã là một trong số 11 sinh viên được nhà trường phân công học chuyên ngành Giải phẫu bệnh – Pháp y (cũng cần phải nói thêm rằng, 11 sinh viên ngày đó nay chỉ còn mỗi ông Dũng theo nghề). 
Ra trường, ông đã gắn bó với nghề GĐPY từ năm 1982 đến nay và cơ duyên ấy tiếp tục theo ông để ông trở thành người “có duyên” với nhiều vụ án li kì. Có một vụ án dù xảy ra đã ngót nghét ba chục năm nhưng GĐV Ngô Hường Dũng vẫn không thể nào quên. 
Đó là vụ án chồng giết vợ xảy ra ở Nam Sách – Hải Dương vào khoảng năm 1986-1987. Vụ án này li kì ở chỗ, tuy con gái mình bị giết nhưng cả họ nhà vợ đã nhất trí bảo vệ cho... thủ phạm giết con gái mình. Những người đàn bà trong họ nhà vợ đã đồng loạt lấy thân mình nằm úp sấp phủ kín ngôi mộ nạn nhân để ngăn việc khai quật tìm chứng cứ. 
Đôi vợ chồng nạn nhân – thủ phạm đó vốn là một đôi vợ chồng hạnh phúc. Chồng là bộ đội công tác trên Hà Nội, tuần về một lần, vợ là nông dân chăm chỉ chất phác, ngoài việc đồng áng còn tích cực tham gia công tác xã hội ở Hội phụ nữ địa phương. Thế rồi người chồng có nhân tình ở chỗ làm và sau một thời gian đi lại họ quyết định sẽ cưới nhau, nhưng muốn vậy thì phải loại bỏ được người vợ hiện tại – cái “barie” lớn nhất ngăn trở cuộc hôn nhân vụng trộm này. 
Người chồng nung nấu nghĩ cách, sau khi cân đi, tính lại anh ta thấy rằng chỉ có cách tốt nhất là giết vợ thì mới có thể toàn tâm, toàn ý đến được với nhân tình. Vừa hay lúc đó anh ta nhận được tin vợ ốm ở nhà. Anh ta vội vã về quê thăm vợ không quên cầm theo mấy vỉ thuốc ngủ. 15 viên thuốc ngủ Gardinan nghiền nhỏ đã được trộn vào bát cháo mà người chồng tận tay xúc từng thìa bón cho vợ. 
Sau khi lo xong tang ma cho vợ, người chồng lên thành phố và ở lỳ trên đó với nhân tình không về nhà với lý do quá đau buồn, không muốn nhìn thấy những khung cảnh kỷ niệm. Thế nhưng, anh ta không hề biết rằng, những người phụ nữ sinh hoạt cùng người xấu số trong Hội Phụ nữ đã thấy nghi ngờ về cái chết của bạn mình. Họ làm đơn tố cáo và công an vào cuộc. 
Thấy tội lỗi của mình có nguy cơ bị bại lộ, người chồng giở một chiêu bài khác. Anh tới gặp gia đình vợ và thú nhận do vô tình thiếu hiểu biết nên đã hại chết vợ khi cho vợ uống hơi nhiều thuốc ngủ vì thấy vợ kêu đau đầu. Anh ta nói với người nhà vợ rằng dù sao đây cũng là tội ngộ sát và phải đi tù, sẽ không ai nuôi con. Trúng kế, cả họ ngoại hứa sẽ bảo vệ anh con rể trước pháp luật. 
“Trong ngày khai quật ngôi mộ người vợ, cả đoàn công tác chúng tôi không thể nào tiến hành công việc bởi tất cả những người đàn bà trong họ nhà vợ cùng đồng loạt nằm phủ kín lên ngôi mộ kêu khóc rinh trời. Giải thích thế nào cũng không được, đoàn công tác đành phải rút. Nhưng nếu kéo dài thời gian hơn nữa thì xác người vợ dưới mộ sẽ phân hủy, khó tìm ra chứng cứ nên chúng tôi quyết tâm kiểu gì cũng phải đối phó bằng được. 
Lần sau xuống hiện trường, đoàn công tác đã huy động rất nhiều người đi cùng và cứ hai người xốc một người phụ nữ kéo ra xa để tiến hành khai quật mộ. Kết quả xét nghiệm não người vợ cho thấy,  thành phần thuốc ngủ vượt liều lượng cho phép rất nhiều. Biết không thể chối cãi được nữa, người chồng đành cúi đầu nhận tội” – ông Ngô Hường Dũng kể. 
Vụ án này cho đến giờ vẫn ám ảnh những người tham gia, để mỗi khi có dịp ngồi hàn huyên, họ lại nhắc lại và khẳng định với nhau rằng: “Tìm ra sự thật, phụng sự công lý là động lực quan trọng nhất để những GĐV pháp y vượt qua khó khăn, thử thách của nghề nghiệp”.
Về phần mình, trong 33 năm làm nghề, ông Ngô Hường Dũng đã tham gia giám định hàng nghìn vụ án với chất lượng giám định đạt kết quả cao. Ông nhiều lần nhận được Bằng khen của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp vì những thành tích trong công việc của mình. Đặc biệt, là một bác sĩ nhưng ông đã sớm có thêm bằng Cử nhân Luật. 
Lý do đi học luật của ông cũng thật đơn giản, vì “pháp y là y học của pháp luật, nên nếu người giám định hiểu luật thì sẽ giúp ích được rất nhiều”. Cũng nhờ sự yêu thích luật học này mà ông là người đầu tiên của Viện Pháp y Quốc gia có tên trong danh sách báo cáo viên pháp luật của Bộ Y tế.
Những giọt nước mắt đổ xuống vì nghề
GĐV pháp y cũng bình thường như rất nhiều người khác trong xã hội với những thang bậc xúc cảm yêu thương, trân trọng, đau buồn… Có khác chăng, vì theo đuổi một thứ nghề bị người đời ghê sợ, nên trong cuộc đời của không ít GĐV, những giọt nước mắt đã đổ xuống vì nghề. Cuộc đời GĐV Ngô Hường Dũng cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy.  
“Tôi và vợ tôi cùng nghề y. Ngày lấy nhau, nhìn gia cảnh nhà cô ấy khá giả hơn nhà mình, tôi đã chạnh lòng lo lắng cho cô ấy không chịu được khổ. Nhưng rồi tôi tin vào tình yêu và năng lực làm việc của mình. Nhưng, phải những ai trong nghề mới biết, công việc GĐPY luôn nghèo và những năm 80-90 của thế kỷ trước lại càng thê thảm hơn. GĐV pháp y đi công tác xa nhà mà quên mang theo tem gạo là coi như nhịn luôn. 
Đến địa phương nào được người ta biết ơn biếu cho cân đường vàng sắp chảy nước, hộp sữa đặc quá hạn đã phồng lên mang về làm quà cho con là quý lắm. Điều kiện sống như thế khiến thằng đàn ông trong tôi luôn đè nặng nỗi mặc cảm, còn vợ tôi thì dằn vặt, khổ sở. Thế là chúng tôi xa nhau. Ngày ra tòa, tôi nhận nuôi đứa con trai thứ hai vừa bốn tuổi để vợ đỡ khổ. Sau đó là một thời gian dài hai bố con tôi quấn quýt nuôi nhau. 
Một năm có 365 đêm thì chỉ trừ những đêm đi công tác xa nhà, còn không, lúc nào ngực áo tôi cũng ướt sũng nước do con trai thích ngủ trên ngực bố tè dầm. Nhưng cuộc đời vẫn còn ưu ái lắm với tôi khi gửi đến cho tôi người vợ thứ hai. Cô ấy đã là người mẹ đúng nghĩa của con tôi và người vợ biết thông cảm với nghề nghiệp của chồng…” – ông Dũng tâm sự.
Trong cuộc đời làm nghề của mình, ông Ngô Hường Dũng không bao giờ quên tri ân những người thầy đã dìu dắt và truyền động lực để ông vững chí bền gan theo nghề đến tận hôm nay. Năm 1984, khi là lính mới tò te vừa ra trường được hai năm, ông Dũng được phân công đi giám định một vụ án mạng ở Lương Sơn – Hòa Bình cùng với người thầy là PGS-TS Trần Văn Liễu, nguyên Viện trưởng Viện Y học tư pháp Trung ương (tiền thân của Viện Pháp y Quốc gia ngày nay). 
Trời hôm đó nắng khủng khiếp, xung quanh lại toàn đồi trọc nên cái nóng càng dữ dội hơn. Giám định xong, trời đã gần trưa, vừa đói vừa khát, ông Dũng uống một hơi cạn cốc nước chè tươi và ngay sau đó đã bị say chè, người cứ xỉu đi, chân tay mềm nhũn không sao đứng lên nổi. Lúc đó, PGS-TS Trần Văn Liễu cũng đã rất mệt, vóc người lại nhỏ bé nhưng vẫn quyết tâm dìu học trò về vì khung cảnh xung quanh không một bóng cây, bóng người. Hai thầy trò một cao, một thấp, một to, một nhỏ đã dìu nhau đi bộ suốt chặng đường hơn một cây số đường đồi. 
“Về đến nơi, nhìn mặt thầy đỏ bừng, thở dốc, cả chiếc áo đẫm mồ hôi mà trong lòng tôi trào lên sự biết ơn vô hạn. Đến nay tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ và làm việc cùng thầy. Tuổi già, thầy chắc đã quên cái trưa nắng Hòa Bình đó nhưng với tôi, đó là kỷ niệm để đời không bao giờ quên” – ông Dũng bồi hồi nhớ lại. 
… Nghề GĐPY được nhiều người biết, nhưng số người thông cảm lại không nhiều. Người viết bài này, trong các chuyến công tác cùng các GĐV đã chứng kiến không ít lần cảnh tại các hiện trường xảy ra vụ án, chính quyền không dám bắt tay các GĐV, thậm chí mời ăn họ cũng cho GĐV ngồi một mâm riêng. Nhưng ông Ngô Hường Dũng cũng như những đồng nghiệp của mình không bao giờ lấy đó làm buồn, bởi họ luôn hiểu cái đích lớn nhất mà mình phục vụ. Đó là sự thật, là công lý! 

Đọc thêm

Nắm bắt cơ hội để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nắm bắt cơ hội để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
(PLVN) - Để triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, đường lối được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được tăng cường tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi dự hội nghị triển khai công tác của Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh

Thứ trưởng Mai Lương Khôi dự hội nghị triển khai công tác của Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh
(PLVN) - Ngày 12/12, Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ theo dõi THADS, theo dõi thi hành àn hành chính năm 2025 và ký kết quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS tại TP. HCM. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi dự, chỉ đạo hội nghị và chứng kiến lễ ký kết.

Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp: Triển khai công tác năm 2025

Toàn cảnh Hội nghị.
(PLVN) -Chiều 10/12, Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự và theo dõi thi hành án hành chính năm 2025. Ông Trần Phương Hồng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hình thành thiết chế Luật sư công sẽ tăng cường nguồn lực cho tổ chức Trợ giúp pháp lý

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự.
(PLVN) -Thiết chế Luật sư công ở Việt Nam đang được hiểu như thế nào và sự cần thiết của Luật sư công trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt xuất phát từ thực tế, tại Việt Nam không phải đối tượng nào cũng có điều kiện nhờ luật sư khi gặp các vấn đề pháp lý. Xung quanh vấn đề này Báo PLVN phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự.

“Cẩm nang pháp luật” giúp giảm tải công việc cho cán bộ tư pháp địa phương của chị Phạm Thị Trang Đài

Chị Phạm Thị Trang Đài, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng
(PLVN) - Thấu hiểu nỗi vất vả của cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã nói chung và cán bộ ngành tư pháp nói riêng, chị Phạm Thị Trang Đài (SN 1972, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng) không ngừng nghiên cứu, cải tiến liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật giúp “giảm tải” cho cán bộ cũng như dễ dàng phổ biến đến người dân.

184 luật cần sửa đổi, bổ sung khi tinh gọn bộ máy

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
(PLVN) -  Chiều 11/12, tại TPHCM, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18- NQ/TW

TP.Hồ Chí Minh: Tập trung hơn nữa nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

Lễ kí kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác Tư pháp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND TP. HCM
(PLVN) - Chiều 11/12, Đoàn Công tác Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố.

Hết sức cần thiết hình thành thiết chế luật sư công

Thạc sĩ Đỗ Thu Hương. (Ảnh PV)
(PLVN) -  Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc hình thành thiết chế luật sư công là hết sức cần thiết và nên được sớm thông qua trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư sắp tới.

Phú Yên: Sáng kiến cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đạt giải ba cuộc thi về cải cách hành chính

Bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp (thứ ba từ phải qua) đại diện Sở nhận giải.
(PLVN) - Sáng kiến giải pháp “Tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp thông qua ứng dụng VNeID khi thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp” của Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên mới đây đã được trao giải ba tại cuộc thi Tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh.

Công tác Thi hành án dân sự 2024: Giải pháp đột phá từ những địa bàn trọng điểm

Cưỡng chế THADS tại TP.Hồ Chí Minh, ảnh Cẩm Tú
(PLVN) -Số lượng biên chế giảm, trong khi lượng án tăng cả về việc, về tiền và tính chất phức tạp tăng cao ở nhiều thành phố lớn. Tuy nhiên, khắc phục khó khăn, năm 2024, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) ở những địa bàn trọng điểm đã thực hiện nhiều giải pháp, góp phần quan trọng đưa công tác THADS toàn quốc vượt chỉ tiêu đề ra.

Đề xuất thời gian tham gia bồi dưỡng chuyên môn của đấu giá viên ít nhất 8 giờ/năm

Đề xuất thời gian tham gia bồi dưỡng chuyên môn của đấu giá viên ít nhất 8 giờ/năm
(PLVN) -Đây là vấn đề đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá; tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá; chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên; hướng dẫn lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp xây dựng.