Khẳng định tính nguyên tắc trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Hùng cho rằng, trước khi ban hành văn bản, cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến của đối tượng bị điều chỉnh. Tuy nhiên, Thông tư 22 khi được báo chí công bố đã nhận được rất nhiều sự phản ứng, thậm chí bức xúc của người tiêu dùng (NTD), trong đó có các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
“Câu hỏi đặt ra là cơ quan ban hành đã lấy ý kiến của đối tượng bị điều chỉnh hay chưa? Hội chúng tôi là đại diện bảo vệ quyền lợi cho NTD cũng chưa được lấy ý kiến.
Liệu cơ quan soạn thảo đã tính đến bài toán lợi ích của xã hội khi mà rất nhiều ấn phẩm (bao bì, hóa đơn, bìa quảng cáo, danh thiếp…) đã được in ra. Nhưng đến đầu tháng 3 này thì những thông tin về điện thoại giao dịch được in trên các ấn phẩm đó sẽ trở nên vô tác dụng.
Nếu cho rằng quy định về mã vùng trước đây có những vấn đề bất cập thì chính những bất cập này cũng do cơ quan chức năng ban hành chứ không phải NTD tạo ra. Vậy trách nhiệm của những người đã ban hành các quy định trên bây giờ ra sao? Liệu lần thay đổi này đã ổn chưa? nếu nay mai lại sửa lần nữa thì ai chịu trách nhiệm?
Ngoài ra, khi giải thích lý do ban hành Thông tư 22 trên VTC New ngày 7/1/2015, Bộ TT&TT cho biết: “Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định”. Chúng tôi muốn biết, “về lâu dài” là bao lâu mà những quy định tại Thông tư 22 phải áp dụng ngay từ 1/3/2015”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: "Theo tôi nên lùi thời hạn áp dụng quy định về thay đổi mã vùng". Ảnh: V.A |
Còn về lý do là số mã vùng hiện tại dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ, chúng tôi cũng chưa hề nhận được ý kiến của NTD phản ánh về vấn đề này. Trong khi các số thay đổi lại khó nhớ hơn những số mà người dân đã thuộc nằm lòng bấy lâu nay. Tôi cho rằng chính sự thay đổi này dễ gây phiền hà cho NTD.” - ông Hùng thẳng thắn.
Nhấn mạnh đến tính thuận tiện trong mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan cung cấp dịch vụ, vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cũng đề cao sự hài hoà giữa lợi ích chung và riêng:
“Theo suy nghĩ của tôi, bản chất của bưu chính viễn thông là hoạt động dịch vụ, vậy phải lấy tiêu chí thuận tiện cho NTD là hàng đầu. Do đó trước khi ban hành một quy định mới, cần lấy ý kiến của đối tượng được điều chỉnh để đảm bảo sự hài hòa của yêu cầu kỹ thuật và giảm thiểu thiệt hại cho xã hội.
Để giảm thiệt hại cho xã hội, theo tôi trước mắt nên lùi thời hạn áp dụng quy định về thay đổi mã vùng. Bởi nếu áp dụng ngay thì không chỉ ảnh hưởng đến 7 triệu thuê bao cố định mà số bị ảnh hưởng sẽ lớn hơn, vì sẽ còn nhiều người giao dịch với các số cố định này”- ông Hùng đề xuất./.