Không có ràng buộc: dễ tái phạm
BLHS hiện hành quy định một số trường hợp miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng chưa chấp hành hình phạt. Hai điều kiện chủ yếu để được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt trong những trường hợp này là lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu hoàn thiện quy định của BLHS về hệ thống chế tài do một nhóm chuyên gia thực hiện thì “quy định này chỉ thích hợp đối với trường hợp người bị kết án bị mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Trong trường hợp lập công, mặc dù rất đáng khuyến khích và cũng thể hiện được phần nào quyết tâm, thiện chí và mong muốn của người bị kết án trong việc sửa chữa lỗi lầm và phục thiện, nhưng vấn đề mấu chốt là các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân gây nên hành vi phạm tội thì chưa giải quyết được. Nếu lập tức miễn ngay toàn bộ hình phạt cho người bị kết án thì mục đích của hình phạt chưa đạt được.
Bên cạnh đó, quy định về miễn chấp hành hình phạt tù còn lại, hiện nay đều được tiến hành trên cơ sở không có ràng buộc gì đối với người bị kết án được trả tự do, quy định này có thể dẫn đến người phạm tội lại tiếp tục tái phạm.
Tương tự, quy định về miễn giảm hình phạt đối với người chưa thành niên cũng bộc lộ một số hạn chế. Đáng chú ý, người chưa thành niên lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không thỏa mãn hai điều kiện trên thì cũng không được xét giảm hoặc chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp. Điều này chưa thực sự hợp lý, đặc biệt trong trường hợp người chưa thành niên bị mắc bệnh hiểm nghèo, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và việc giáo dục đối với họ không còn thực sự có ý nghĩa.
Mắc bệnh hiểm nghèo: đề xuất miễn chấp hành toàn bộ hình phạt
Nhóm chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới những “khiếm khuyết” nêu trên cần phải được khắc phục, sao cho việc miễn, giảm chế tài đối với người bị kết án, đặc biệt là đối với người chưa thành niên phải một mặt thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng kết thúc việc chấp hành chế tài để có thể làm lại từ đầu, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm hiệu quả phục hồi, ngăn ngừa tái phạm một cách có hiệu quả.
Do đó, nhóm chuyên gia đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 57, Điều 58 BLHS (về miễn chấp hành hình phạt và giảm mức hình phạt đã tuyên) theo hướng đối với trường hợp người bị kết án bị mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Còn đối với người bị kết án đã lập công thì được ưu tiên xét giảm ngay và với mức giảm cao hơn.
Đáng chú ý, nhóm chuyên gia đề xuất nghiên cứu bổ sung chế định tha tù trước hạn có điều kiện. Theo đó, người đang chấp hành hình phạt tù, nếu thỏa mãn một số yêu cầu như về thời hạn chấp hành án, cải tạo tốt và có nhiều tiến bộ thì được miễn chấp hành hình phạt tù còn lại với điều kiện là sau khi trả tự do, họ phải tuân thủ một số điều kiện như tuân thủ pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ công dân, trình diện cơ quan có thẩm quyền, không được đi khỏi nơi cư trú và phải tham gia một số chương trình dịch vụ xã hội … và bị giám sát trong một thời gian nhất định.
TS Nguyễn Mai Bộ - Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương - cho rằng, quy định chỉ miễn chấp hành hình phạt với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo (quy định tại Khoản 1 Điều 57) là không công bằng với người đang tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Người này cũng phải được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt (Khoản 1 Điều 62).
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Quốc Việt ủng hộ đề xuất bổ sung chế định tha tù trước thời hạn nhưng ông cho rằng “không phải tội phạm nào cũng được tha tù trước thời hạn, ví dụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay người có nhân thân xấu thì không nên tha trước thời hạn”.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu thêm để đưa ra những cơ sở khoa học của vấn đề này, bởi lẽ các điều kiện ràng buộc sau khi trả tự do như Nhóm nghiên cứu đưa ra dường như khó thực hiện, khó kiểm soát và quan trọng là phải có chế tài xử lý nếu vi phạm.