Có biểu hiện chạy theo lợi nhuận
Hoạt động TPL đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm công cụ pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…
Nhưng Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết, hoạt động TPL thời gian qua còn có những hạn chế, yếu kém nhất định do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì một trong các nguyên nhân chủ quan là đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp.
“Một số TPL, văn phòng TPL còn có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ việc nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, thanh danh nghề nghiệp” - bà Yến chia sẻ. Chẳng hạn, qua phản ánh của báo chí, một số văn phòng TPL còn những sai sót, ảnh hưởng tới niềm tin và sự lựa chọn dịch vụ của người dân cũng như các cơ quan nhà nước. Sai sót phổ biến là việc tống đạt văn bản nhiều trường hợp không đúng quy trình, thủ tục, yêu cầu theo quy định dẫn đến một số trường hợp phải hoãn phiên tòa; xác minh điều kiện thi hành không chính xác, niêm yết thông báo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định; chất lượng vi bằng chưa cao, một số trường hợp lập vi bằng của TPL chồng chéo với hoạt động công chứng...
Việc này cũng có nguyên nhân là do trong giai đoạn thực hiện thí điểm, chưa có đủ điều kiện để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề TPL một cách bài bài và chưa ban hành được Bộ quy tắc đạo đức hành nghề TPL. Còn hiện nay, chế định TPL đã được thực hiện chính thức trên phạm vi toàn quốc. Theo thống kê, ngoài 13 tỉnh, thành thực hiện thí điểm, đã có thêm 12 tỉnh, thành khác đăng ký thực hiện chế định TPL và gửi Đề án thực hiện chế định TPL về Bộ Tư pháp.
Nghiêm cấm TPL sách nhiễu người yêu cầu
Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề TPL, nhiều quy tắc đạo đức hành nghề TPL với mục tiêu nâng cao nhận thức về nghề, phẩm chất đạo đức, uy tín, thanh danh… nghề TPL đang được đưa ra. Cụ thể, với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, TPL phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống với người yêu cầu, các bên liên quan; thực hiện công việc một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật và các quy định trong Quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Không những thế, TPL có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong quá trình hành nghề, kể cả khi không còn là TPL, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu hoặc pháp luật có quy định khác. TPL còn phải sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời các yêu cầu công việc, không ngại khó, ngại khổ…
Đặc biệt, Dự thảo Thông tư đề cao các quy tắc trong quan hệ với người yêu cầu, với đồng nghiệp, văn phòng TPL, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của TPL, với chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, VKSND, TAND, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Riêng trong quan hệ với người yêu cầu thì nghiêm cấm TPL sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí, thù lao đã được xác định, thỏa thuận; tư vấn, xúi giục, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các hành vi gian dối khác…
Tại tọa đàm về “tổ chức và hoạt động TPL – kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và thực tiễn của Việt Nam” do Bộ Tư pháp vừa tổ chức với sự phối hợp của Hội đồng TPL quốc gia Pháp, các chuyên gia Pháp cho biết: ở Pháp, khi TPL vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật thì Hội đồng TPL cấp vùng có thể đưa ra chế tài kỷ luật và Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng cũng có thể đưa ra chế tài. Với những lỗi nặng như biển thủ tiền thì TPL sẽ đồng thời chịu chế tài kỷ luật, nặng nhất là truất quyền hành nghề và chịu chế tài hình sự, có thể phạt tiền hoặc xử tù.
Nhiều TPL của Việt Nam thì đánh giá cao Dự thảo Thông tư, coi đây là một bước tiến rất đáng kể trong tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn cho hoạt động TPL. Tuy nhiên, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng đề nghị cần mở rộng thêm một số quy định. “Nên chăng cụ thể hơn từng nhiệm vụ mà TPL làm, chẳng hạn như quy định trách nhiệm của TPL trong quá trình lập vi bằng, quan hệ với chấp hành viên trong tổ chức thi hành án” – ông Lạng gợi ý.