Con số buồn ở nghĩa địa thai nhi Đồi Cốc
Đến thăm nghĩa trang Đồi Cốc tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nhiều câu chuyện về những thai nhi xấu số an táng tại đây đã khiến nhiều người không nén được sự xúc động.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội 30km, nghĩa trang Đồi Cốc mỗi cuối tuần được nhiều người tới thăm và thắp nhang cho các hài nhi. Nghĩa trang chôn cất thai nhi tồn tại gần 15 năm nay và đang trên đà mở rộng dần ra phía sau nơi có những cánh đồng mênh mông. Bên những tán cây hoa ngọc lan nở rộ những đoá hoa thơm ngát, các thai nhi xấu số được chôn cất tập thể an yên trong các ngôi mộ.
Tính đến nay, đã có tổng cộng gần 200.000 hài nhi được an táng, đỉnh điểm là những năm 2017 – 2018 có tới 30.000 thai nhi được chôn cất tại đây. Các thai nhi được đem về chủ yếu từ các phòng khám tư nhân, cơ sở y tế có dịch vụ nạo phá thai. Khi về đây, các em được đem cất trong tủ đông, khoảng 3 – 4 ngày các tình nguyện viên tới khâm liệm và tắm rửa cho các bé. Hai tuần một lần, nghĩa trang tổ chức chôn cất các em vào huyệt yên nghỉ.
Cô Nguyễn Thị Nhiệm, người mở nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc chia sẻ, một tiểu chôn trong huyệt có khoảng 20 em, các em lớn 6 – 7 tháng thì nằm một mình một tiểu. Một lần chôn có thể lên tới 7 – 800 em. Sau những ngày lễ tết tình trạng nạo phá thai nhiều hơn bình thường, mỗi một lần chôn phải có tới khoảng 1.000 em.
Cô Nhiệm chỉ vào các tiểu, cảm động nói rằng đây là các nhà hảo tâm đóng góp cho nghĩa trang. Một tiểu bé là 50.000 đồng, tiểu to hơn thì 100.000 đồng. “Mình giúp công, giúp tâm để làm, cùng với sự đóng góp hảo tâm của mọi người từ các đợt kêu gọi quyên góp”, người phụ nữ nói.
Còn nhớ, tần tảo làm việc thiện từ năm 2007, ban đầu cô Nhiệm từng phải chịu những lời dị nghị từ làng xóm, họ lo sợ mang thai nhi về chôn thì hết đất của làng, đem đến điềm xấu. Hiện tại, mọi người đã hiểu được công việc của cô Nhiệm, thông cảm cho những thai nhi bất hạnh.
Trách nhiệm không của riêng ai
Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế mới đây, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên trong cả nước đang ở mức báo động với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Theo các chuyên gia y tế, việc có thai ở lứa tuổi vị thành niên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản bởi cơ thể mẹ phát triển chưa hoàn thiện; cấu tạo bộ phận sinh sản chưa hoàn thiện về chức năng. Vì vậy, mang thai ở tuổi này thường dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị chết lưu hoặc sinh con thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao, dễ gặp biến chứng sản khoa trong lúc sinh.
Nạo phá thai ở trẻ vị thành niên cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản và tâm lý. Lứa tuổi này, khi có thai, trẻ thường hoang mang, không biết giải quyết ra sao. Thậm chí, nhiều trẻ giấu gia đình tự tìm đến những cơ sở dịch vụ nạo phá thai “chui” nên điều kiện vô khuẩn, trình độ người thực hiện không đảm bảo... dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gặp như: nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, rong kinh, thủng tử cung, chửa ngoài dạ con... Đây chính là hệ lụy dẫn đến vô sinh sau khi lập gia đình.
Thậm chí, nếu người thực hiện nạo, hút thai không có kỹ thuật tốt thì có thể gây sót thai nhi, vỡ tử cung, đe dọa nghiêm trọng tính mạng thai phụ. Kể cả khi phá thai an toàn thì sau đó cũng có thể gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục, tử cung.
Mặc dù hậu quả rất nghiêm trọng như vậy nhưng hoạt động giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính ở khối trung học phổ thông hiện nay vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, thực tế cho thấy việc định hướng cho trẻ vị thành niên hiểu biết về giới tính cần có sự vào cuộc của cả xã hội, trong đó, quan trọng nhất là gia đình và nhà trường.
Gia đình cần cởi mở hơn trong giáo dục giới tính cho trẻ. Về phía nhà trường cần tổ chức nhiều buổi ngoại khóa giúp các em có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên.
Công bằng mà nói, khi còn học tại trường trung học phổ thông, tất cả học sinh đều đã được học về vấn đề này trong chương trình sinh học lớp 8. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở đó mà chưa có sự đồng bộ ở các chương trình giáo dục phổ thông về sau, thế nên kiến thức được học từ năm lớp 8 khó theo nổi các em cho đến độ tuổi trưởng thành.
Có rất nhiều bạn trẻ hiện nay, khi được hỏi đến vấn đề này hầu hết đều trả lời rằng nếu muốn tìm hiểu thì chủ yếu là lên mạng tìm kiếm và rất ngại hỏi trực tiếp người lớn để giải đáp thắc mắc, thậm chí có rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi trên 20 còn hoang mang về vấn đề này.
Ở góc độ gia đình, rất nhiều phụ huynh đều chung suy nghĩ nói với con về chuyện giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng thực tế cho thấy, nếu như các em được hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe một cách khoa học từ gia đình đến nhà trường thì chắc chắn sẽ không có những trường hợp trẻ vị thành viên mang thai ngoài ý muốn và cái chết thương tâm của rất nhiều đứa trẻ vô tội từ trong bụng mẹ.
Tất cả chúng ta đều không có quyền được lựa chọn chính mình có được sinh ra hay không. Nhưng chúng ta lại là người quyết định sự ra đời của những sinh linh bé bỏng và sự quyết định đó đúng đắn hay không, an toàn hay không thuộc về trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.