Thông tin trên được đưa ra tại Lễ công bố “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” do Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc phối hợp tổ chức ngày 14/7, tại Hà Nội.
Mua bán cả bào thai, nội tạng…
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Bộ Công an), tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, đặc biệt trên các tuyến biên giới.
Bọn tội phạm luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động như thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đưa người lao động ra nước ngoài, đi du lịch, tham quan, đẻ thuê, mua bán trẻ sơ sinh.
Tính từ năm 2011 đến hết tháng 6/2015, qua thống kê, toàn quốc phát hiện hơn 2.200 vụ, với hơn 3.300 đối tượng, tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Trong đó có 55% là phụ nữ, trẻ em. So với cùng kỳ thời gian trước, tăng 11,6% tổng số vụ, đưa qua Trung Quốc chiếm tới 70% số vụ mua bán người.
Riêng đối với nạn bán người sang Trung Quốc, thủ đoạn chung là các đối tượng người Việt Nam sang Trung Quốc lao động, làm thuê, buôn bán trước đó đã móc nối với đối tượng người Trung Quốc rồi quay về nước lừa nhiều phụ nữ với mục đích tìm việc làm, buôn bán, sau đó lừa bán cho các nhà hàng, ổ mại dâm để ép bán dâm hoặc môi giới lấy chồng bất hợp pháp.
Trẻ em bị buôn bán thường là những trẻ em lang thang, thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý của gia đình hoặc bị bỏ rơi, bị bắt cóc, dụ dỗ lừa đảo đem đi bán. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thủ đoạn chiếm đoạt trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh đưa ra nước ngoài có những dấu hiệu phức tạp, nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lai Châu, Quảng Ninh.
Đại tá Trần Mười, Trưởng Phòng 6, C45 (Bộ Công an) cho biết: “Tội phạm mua bán người trong đó có tội xâm phạm trẻ em và trẻ chưa thành niên đang diễn biến phức tạp. Số nạn nhân, đối tượng bị mua bán và đối tượng thực hiện hành vi phạm tội gia tăng. Số vụ việc hàng năm tổng hợp là hàng nghìn vụ. Gần dây xuất hiện nhiều ổ nhóm, đường dây mua bán người”.
Đặc biệt, xuất hiện tội phạm mua bán người mới theo dạng cướp, bắt cóc, mua bán trẻ em. Không chỉ mua trẻ lớn mà mua cả trẻ sơ sinh và trẻ còn đang trong bào thai. Một loại tội phạm mua bán người khác là mua bán nội tạng người, đặc biệt là mua bán thận. Nhiều vụ mua bán người liên quan đến việc lừa đảo hôn nhân, đưa phụ nữ sang Trung Quốc sau đó bán làm vợ cho những đối tượng có nhu cầu.
Nam giới cũng bị mua bán
Ngày 14/7 vừa qua, thông tin tại cuộc họp báo công bố quyết định của Thủ tướng về việc lấy ngày 30/7 là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho hay, ngay cả nam giới cũng trở thành nạn nhân của mua bán người, chủ yếu bị lừa ép ra nước ngoài để cưỡng bức lao động và buôn bán nội tạng...
Điểm lại tội phạm mua bán nội tạng và đàn ông, Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, năm 2011, tại Cần Thơ, lực lượng công an đã bắt 7 đối tượng do Võ Văn Tần cầm đầu lừa 75 thanh niên đưa sang Trung Quốc bán thận.
Trong số những người bán thận đã có một trường hợp tử vong. Do chưa có điều luật xử lý về hành vi mua bán nội tạng nên các đối tượng chỉ bị xử lý về tội tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép, nên hình phạt nhẹ.
“Với trường hợp mua bán đàn ông, chủ yếu các đối tượng lừa bán cho các chủ lò gạch, ở các khu vực hầm mỏ để lao động hoặc bán để lấy một bộ phận cơ thể. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn bán đàn ông sang Trung Quốc hoặc bán vào các vùng khai thác khoáng sản”, Đại tá Chương cho biết.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp báo, Ông Paul Priest, Quyền điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, mua bán người là một tội ác chống lại loài người vì nó vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và đang diễn ra ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Hiện có trên 17,5 triệu người là nạn nhân của tội phạm mua bán người, gần 21 triệu người đang bị cưỡng bức lao động, ước tính lợi nhuận của tội phạm mua bán người lên hơn 32 tỉ USD mỗi năm. Đáng chú ý, một phần ba số nạn nhân bị buôn bán trên thế giới xảy ra trong phạm vi Đông Nam Á hoặc xuất phát từ khu vực này.
Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng như Bộ Công an đều có đánh giá chung là các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam, là khu vực có tình hình tội phạm buôn bán người rất phức tạp với số nạn nhân bị mua nhiều nhất, khoảng 11,7 triệu người, chiếm tới 70% số nạn nhân được thống kê trên toàn thế giới.
“Con số những nạn nhân của buôn bán người mà chúng ta biết là những nạn nhân đã được xác định và công bố. Con số thực tế còn cao hơn nhiều vì hoạt động buôn bán người đang diễn ra dưới nhiều hình thức như cưỡng bức hôn nhân, cưỡng ép lao động...”, ông Paul Priest lưu ý.
Tăng cường công tác tuần tra biên giới
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng chưa phát hiện vụ án mua bán người nào mà đối tượng và nạn nhân có địa chỉ tại Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn mua bán người của các đối tượng chủ yếu vẫn là dụ dỗ các cô gái ở vùng nông thôn, ít hiểu biết, bị lừa đưa ra Hà Nội bán quần áo, hay ra vùng biên giới để kiếm thu nhập.
Nạn nhân và đối tượng có trường hợp quen biết nhau, có trường hợp chỉ biết nhau thông qua mạng xã hội Zalo và Facebook. Bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi,... những yếu tố trên là một trong các điều kiện để các loại tội phạm hình sự nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người nói riêng hoạt động phạm tội.
Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP Hà Nội cho biết: “Hầu hết các nạn nhân của mua bán người đều bị rủ rê lôi kéo qua các mạng xã hội hoặc những mối quan hệ bắc cầu. Nhiều trường hợp nạn nhân sau khi trở về được địa phương đã làm đơn tố giác, nhưng có nhiều trường hợp vì mặc cảm mà không dám làm đơn tố giác”.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, thông thoáng trong các thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công nhân, giấy lưu hành qua lại biên giới thuận lợi, một số quốc gia miễn thị thực…, tội phạm buôn người đã cấu kết, hình thành đường dây đưa người ra nước ngoài. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, cần phải có sự phối hợp của các nước trong khu vực, nhằm kiềm chế loại tội phạm ngày càng có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Đối tượng mua bán người thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan công an, do vậy đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khác nhau để làm quen và lừa gạt.
Do đó, khi nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân cung cấp thông tin đã gây khó khăn cho việc xác minh, điều tra của cơ quan công an.
Vì vậy, để giảm thiểu tối đa nạn buôn bán người, cần phải tăng cường công tác quản lý, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng ở các khu vực biên giới, các nhà ga, bến xe, để phát hiện những đối tượng mua bán người. Những trường hợp có nghi vấn cần được ngăn chặn kịp thời, giải cứu nạn nhân ngay từ trong nội địa, trên lãnh thổ Việt Nam.