Những tín hiệu vui từ thành phố mang tên Bác
TP HCM là một trong những địa phương có sự chuẩn bị kĩ càng cho sự bứt phá khi chiến lược phục hồi du lịch đã được đẩy mạnh triển khai từ hơn 5 tháng nay mà trọng tâm chính là chương trình kích cầu du lịch nội địa TP HCM. Chương trình được chia làm 4 đợt, do Sở Du lịch TP HCM, Hiệp hội Du lịch TP và gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP triển khai.
Đã có gần 200 chương trình du lịch giảm giá từ 10% đến 50% với các sản phẩm du lịch tại chỗ với giá cả hợp lý, ưu đãi và nhiều dịch vụ hấp dẫn. Đồng thời, sau 5 tháng triển khai, chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực. Hiện du lịch TP HCM đang được đánh giá khá hấp dẫn với nhiều điểm đến được yêu thích.
Cũng mới đây, ngày hội Du lịch TP HCM lần thứ 17 đã khai mạc, thu hút gần 120 đơn vị đăng ký tham gia trong đó có gần 40 tỉnh, thành và 80 doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi, giải trí… với hàng trăm sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn. Chương trình kích cầu du lịch TP HCM năm 2021 có một số sản phẩm đặc biệt về các chương trình tour, chương trình giảm giá hấp dẫn tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng… Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên chương trình được tổ chức trực tuyến cùng lúc trên nhiều kênh và sàn thương mại điện tử Shopee, Traveloka, ứng dụng số hóa để dễ dàng tiếp cận đến du khách hơn trong thời điểm dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Về phần mình, bản thân các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn TP HCM cũng có nhiều nỗ lực để vượt khó trong năm qua, đồng thời “kéo” khách hàng đến với mình trong giai đoạn bình thường mới.
Như Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách thuộc các phân khúc thị trường khác nhau, từ các du khách đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè đến các du khách của loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện, hội thảo). Các sản phẩm được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, coi trọng không gian mở, đảm bảo an toàn phòng dịch.
Ngay trong tháng 12/2021, hơn 1.200 lượt du khách thuộc 14 đoàn du khách đăng ký dịch vụ du lịch MICE đã đăng ký theo tour của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist khám phá các điểm đến an toàn, tham gia nhiều hoạt động, sự kiện phù hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tại Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Bến Tre, Phú Quốc (Kiên Giang), TP HCM…
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM chia sẻ, ngành du lịch TP HCM đã xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch để năm 2022 tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch của thành phố theo hướng mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp cần khẩn trương chủ động chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể tham gia đón khách quốc tế trở lại TP HCM ngay khi được Chính phủ cho phép.
Đổi thay để bứt phá
Từ cuối tháng 11/2021, ngành du lịch nước ta đã chào đón những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên quay trở lại Việt Nam sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Liên tục, những hình ảnh du khách được đón chào tại các điểm du lịch, thích thú khám phá, chia sẻ trải nghiệm tại các danh thắng làm ấm lòng những người làm du lịch trong nước.
Theo lộ trình, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được triển khai theo 3 giai đoạn. Từ tháng 11/2021, thí điểm đón khách theo các chương trình du lịch trọn gói đến các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại 5 điểm đến gồm có thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 1/2022, sẽ mở rộng phạm vi đón khách. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày và có thể bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế. Giai đoạn 3 sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế, thời gian cụ thể căn cứ trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Hiện các nhà quản lý du lịch lẫn những doanh nghiệp du lịch thời gian qua đã bắt đầu ứng dụng số hóa vào trong tiếp cận khách hàng. Thực tế, sự phát triển của công nghệ đã và đang làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số.
Đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Hội An vào tháng 11 vừa qua sau một thời gian dài vắng bóng. |
Chính vì thế, ngành du lịch Việt Nam đã xác định ận dụng những ưu thế của công nghệ, nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới, điểm nổi bật của các hoạt động quảng bá du lịch ở hầu hết các địa phương trong giai đoạn này là liền với chuyển đổi số, thông qua các hội chợ trực tuyến, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng du lịch thông minh, góp phần đạt được hiệu quả kép là vừa đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, vừa mang lại nhiều tiện ích cho du khách và doanh nghiệp.
Mới đây, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cũng đã chính thức ra mắt chuyên trang “Live Fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) trên website quảng bá du lịch dành cho khách quốc tế tại địa chỉ https://vietnam.travel. Đây là nền tảng triển khai chiến dịch truyền thông mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ hình ảnh 360 độ có thể giúp du khách lựa chọn và bắt đầu chuyến khám phá tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Mỹ Sơn (Hội An)…
Với những tín hiệu vui của ngành du lịch trong thời gian qua, cộng với những nỗ lực đầu tư, cập nhật công nghệ và chuẩn bị kĩ càng, tin rằng, năm 2022 sẽ là một năm “trở mình” của du lịch Việt, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách quốc tế thời kì bình thường mới.