Thời khắc lịch sử được người dân Myanmar chờ đợi từ lâu đã trở thành hiện thực vào ngày 15/10/2015, tại thủ đô Naypyidaw. Trước sự chứng kiến của các quan sát viên trong và ngoài nước, Chính phủ Myanmar và 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đã ký NCA nhằm hướng tới sự kết thúc của hơn 60 năm xung đột dân sự tại quốc gia này.
Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc
Lễ ký NCA có sự tham dự của đại diện Chính phủ, gồm: Tổng thống U Thein Sein, các Phó Tổng thống, lãnh đạo quân đội, Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện cùng các thủ lĩnh của 8 nhóm vũ trang. 8 nhóm vũ trang tham gia ký kết Thỏa thuận bao gồm: Hội đồng Hòa bình Quân đội Giải phóng Quốc gia Kayin (KNLA-PC), Tổ chức Giải phóng Dân tộc Pa-O (PNLO), Mặt trận Quốc gia Chin (CNF), Đảng Giải phóng Arakan (ALP), Đội quân Dân chủ Phật giáo Kayin (DKBA), Liên minh Sắc tộc quốc gia Kayin (KNU), Mặt trận Dân chủ sinh viên toàn Myanmar (ABSDF) và Hội đồng Khôi phục nhà nước bang Shan (RCSS).
Tất cả 8 nhóm trên đã được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách “Các tổ chức bất hợp pháp”. Chứng kiến lễ ký là các đại diện từ Liên Hợp quốc (UN), Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, sau khi NCA được ký chính thức, các bên sẽ đưa ra một khung chính trị trong vòng 60 ngày và tiến hành đối thoại chính trị trong vòng 90 ngày. Trong trường hợp các bên tiếp tục đạt được tiến triển trong đối thoại thì các nhóm vũ trang ký NCA nhiều khả năng sẽ trở thành một lực lượng chính trị có thể tham gia cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tới.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc ký NCA đã giúp khép lại tiến trình đàm phán phức tạp, kéo dài liên tục hơn hai năm qua, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân Myanmar nhằm tiến tới xây dựng một nền hòa bình lâu dài cho đất nước.
Tổng thống Thein Sein coi thỏa thuận ngừng bắn nói trên là nền tảng then chốt cho chương trình cải cách của ông, đồng thời gọi đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử. Phát biểu tại Lễ ký Thỏa thuận, Tổng thống Thein Sien nêu rõ: “Thỏa thuận ngừng bắn này là một món quà lịch sử mà chúng tôi muốn gửi tới các thế hệ tương lai. Đây là di sản của chúng tôi. Con đường đi tới một tương lai hòa bình ở Myanmar bắt đầu mở ra từ đây”.
Tổng thống Thein Sein cho biết ông sẽ tiếp tục nỗ lực thuyết phục các nhóm vũ trang khác tham gia thỏa thuận ngừng bắn này trong thời gian tới.
Về phần mình, các nhóm vũ trang tham gia ký NCA cũng hy vọng bản thỏa thuận vừa đạt được sẽ mở đường cho một thỏa thuận chính trị lâu bền tại nước này. Chủ tịch Liên minh Sắc tộc quốc gia Kayin (KNU) - nhóm vũ trang lâu đời nhất ở Myanmar - Saw Mutu Say Poe cho rằng: “Thỏa thuận ngừng bắn này là một trang mới trong lịch sử và là sản phẩm của các cuộc đàm phán nghiêm túc”.
Cuộc đàm phán giữa Ủy ban Kiến tạo hòa bình liên bang của Chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang sắc tộc ở Yangon, Myanmar |
Myanmar là một quốc gia đa sắc tộc, trong hơn 57 triệu người có 135 dân tộc. Vấn đề sắc tộc tại quốc gia Đông Nam Á này rất phức tạp. Mâu thuẫn giữa các dân tộc đã có từ lâu. Kể từ năm 1948 sau khi Myanmar chính thức tuyên bố độc lập, Chính phủ và các nhóm sắc tộc đã có những bất đồng nghiêm trọng về vấn đề quyền tự trị của các nhóm sắc tộc.
Trong nước Myanmar lần lượt xuất hiện mấy chục nhóm sắc tộc vũ trang lớn nhỏ, tiến hành đấu tranh vũ trang với Chính phủ tại vùng biên giới. Sau đó, quân Chính phủ Myanmar luôn nỗ lực thúc đẩy hòa giải với các nhóm vũ trang địa phương.
Tính đến cuối thế kỷ XX, có tất cả 17 nhóm sắc tộc vũ trang đã ký thỏa thuận hòa bình với Chính phủ quân sự Myanmar. Thỏa thuận ngừng bắn và mô hình đặc khu đã mang lại sự tương đối hòa bình cho Myanmar trong 20 năm qua. Song, các nhóm sắc tộc vũ trang Myanmar cho rằng mâu thuẫn sắc tộc trong nước vẫn chưa thực sự được giải quyết.
Nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này, tháng 11/2003 Ủy ban Công tác kiến tạo hòa bình liên bang (UPWC) và Nhóm Điều phối ngừng bắn quốc gia (NCCT) của các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang đã bắt đầu khởi động tiến trình đi tới ký kết Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) tại Myitgyina, thủ phủ bang Kachin, cực bắc Myanmar. Đây là lần đầu tiên một thoả thuận ngừng bắn trên toàn quốc được thảo luận.
Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm và giao tranh nên tiến trình này nhiều lần bị gián đoạn, thậm chí có thời kỳ bị “đóng băng”. Sau hơn một năm đàm phán, ngày 31/3/2015 đã chứng kiến một sự kiện mang tính đột phá khi lần đầu tiên UPWC và NCCT thảo luận và ký Dự thảo sơ bộ về một thoả thuận ngừng bắn trên toàn quốc. Tiếp đó, đến tháng 8/2015, hai bên đã tiến hành vòng đàm phán thứ 9 và cũng là cuối cùng tại Yangon, đặt nền móng để các bên đi đến ký NCA.
Người nông dân Myanmar trên đồng ruộng của mình |
Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, Liên Hợp quốc (LHQ), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều nước trên thế giới đã hoan nghênh việc Chính phủ Myanmar và 8 nhóm vũ trang tại nước này ký NCA.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy hòa giải dân tộc và củng cố tiến trình cải cách của Myanmar. Tổng Thư ký LHQ cũng chúc mừng Tổng thống Myanmar U Thein Sein trên cương vị của một nhà lãnh đạo, đồng thời nhấn mạnh sự kiện này cho thấy Chính phủ của Tổng thống Thein Sein hiểu rõ được khát khao hòa bình của nhân dân Myanmar.
Theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon, việc củng cố các lệnh ngừng bắn trên toàn quốc và khởi động đối thoại chính trị sẽ mở ra con đường mới cho Myanmar sau hàng thập kỷ xung đột.
Ông Ban Ki-moon cũng hối thúc tất cả các bên tại Myanmar, kể các các nhóm vũ trang không tham gia ký kết NCA, hợp tác vì một tương lai hòa bình trên tinh thần xây dựng và nhìn về phía trước. Bên cạnh đó, quan chức hàng đầu của LHQ cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ mới ở Myanmar được thành lập sau cuộc bầu cử ngày 8/11 tới sẽ tiếp tục con đường hiện nay và LHQ sẵn sàng đóng góp cho tiến trình hòa bình phù hợp với nguyện vọng của tất cả các bên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố Mỹ rất ủng hộ các cuộc cải cách của Myanmar và coi đó là một thành tựu của chính sách đối ngoại, đồng thời hối thúc Tổng thống Thein Sein hoàn tất thỏa thuận nói trên, coi đây như một phần trong những thay đổi lớn nhằm bảo vệ cộng đồng thiểu số.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố Bắc Kinh “hoan nghênh và ủng hộ” tiến trình chính trị ở Myanmar.
Trong một động thái mới nhất, ngày 16/10 Bộ trưởng Phụ trách Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung Min cho biết, những ưu tiên phát triển hàng đầu sẽ dành cho các khu vực thực thi thỏa thuận ngừng bắn mới, bao gồm: cung cấp thực phẩm và nơi ở, tạo việc làm và hỗ trợ cho những ai muốn trở về quê hương sau khi chạy trốn khỏi các cuộc xung đột trước đó.
Theo ông Aung Min, Chính phủ, các nhóm sắc tộc và nhà tài trợ sẽ hợp tác thực hiện các dự án phát triển ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Giới quan sát nhận định, mặc dù tiến trình hòa bình tại Myanmar vẫn còn nhiều khó khăn và trở ngại bởi vẫn còn tới bảy nhóm phiến quân đứng ngoài thỏa thuận NCA, song việc Chính phủ và 8 nhóm vũ trang ở nước này ký NCA là một bước ngoặt quan trọng giúp chấm dứt xung đột, mở rộng hơn cánh cửa đi tới hòa bình lâu dài tại quốc gia Đông Nam Á này.
Đây còn là bước chuẩn bị quan trọng để Myanmar hướng tới cuộc tổng tuyển cử cho nhiệm kỳ năm năm tới.
Myanmar, tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar, là một quốc gia ở Đông Nam Á, tây bắc bán đảo Trung-Ấn, có 5.876km đường biên giới ,với Trung Quốc 2.185km, Thái Lan 1.800km, Ấn Độ 1.463km, Lào 235km và Bangladesh 193km. Đường bờ biển dài 1.930km. Diện tích 676.577km².
Sự đa dạng chủng tộc dân cư ở Myanmar đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chính trị, lịch sử và nhân khẩu học của quốc gia này thời hiện đại. Hệ thống chính trị nằm dưới quyền kiểm soát của Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang. Từng là một nước thuộc địa bên trong đế quốc Anh cho tới tận năm 1948, Myanmar tiếp tục đấu tranh cải thiện những căng thẳng sắc tộc. Nền văn hóa nước này bị ảnh hưởng nhiều từ các nước xung quanh, dựa trên một hình thức Phật giáo duy nhất có hòa trộn các yếu tố địa phương. Ngày 22/10/2010, Myanmar tuyên bố đổi quốc hiệu thành Cộng hòa Liên bang Myanmar, thay đổi Quốc kỳ và Quốc ca.