​Mỹ: Tranh cãi quanh dự luật chăm sóc sức khỏe mới

Hai ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ đã chấp thuận dự thảo Luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA)
Hai ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ đã chấp thuận dự thảo Luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA)
(PLO) - Ngày 9/3, hai ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ đã chấp thuận dự thảo Luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) - dự luật của đảng Cộng hòa - nhằm mở đường cho việc thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay còn gọi là “Obamacare”.

Dự thảo AHCA đã được Ủy ban Thương mại và năng lượng và Ủy ban Thuế và an sinh xã hội thuộc Hạ viện Mỹ thông qua sau hàng chục giờ tranh luận căng thẳng. Văn kiện này vốn được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ, song lại bị các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa phản đối. 

“Bước tiến quyết định”

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và năng lượng Greg Walden nêu rõ: “Ngày hôm nay, Hạ viện đã đưa ra bước tiến quyết định nhằm hoàn thành lời hứa đối với người dân Mỹ trong nhiều năm qua, đó là bãi bỏ và thay thế Obamacare bằng một chương trình cải cách có mức giá phải chăng hơn và lấy người bệnh làm trung tâm”.

Theo kế hoạch, AHCA sẽ được chuyển tới Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ để xem xét. Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đã và đang tích cực đẩy mạnh việc thông qua kế hoạch, bất chấp nhiều sự phản đối ngay trong nội bộ. Ngay sau khi quyết định trên được công bố, Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một trong những người phản đối AHCA, cảnh báo văn kiện này sẽ không được thông qua tại Thượng viện nếu không có những thay đổi rõ rệt. 

Dự luật AHCA, được các Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa công bố trước đó một ngày, loại bỏ các nội dung liên quan tới thuế và trợ cấp trong Obamacare, cũng như vấn đề nghĩa vụ bảo hiểm của các chủ thuê lao động và các nhân viên. Dự luật AHCA bao gồm 3 nội dung chính, theo đó cho phép những người dưới 26 tuổi tiếp tục được hưởng các chế độ trong chương trình bảo hiểm y tế của bố mẹ; cho phép các tiểu bang cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe Medicaid nhằm hỗ trợ những người trưởng thành được xác định là thu nhập thấp; đồng thời cho phép thiết lập các quỹ trao đổi bảo hiểm và cung cấp các khoản tín dụng thuế nhằm hỗ trợ những người thu nhập thấp và trung bình có thể chi trả các chương trình bảo hiểm y tế cá nhân được bán trên thị trường bảo hiểm y tế tại Mỹ. 

Tranh cãi gay gắt

Trước đó, ngày 8/3, hai ủy ban Hạ viện Mỹ bắt đầu xem xét dự thảo AHCA - dự luật của đảng Cộng hòa nhằm mở đường cho việc thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay còn gọi là “Obamacare”, trong bối cảnh xuất hiện nhiều ý kiến phản đối.

Tranh luận căng thẳng diễn ra tại Ủy ban Thương mại và năng lượng Hạ viện. Sau khi thất bại trong nỗ lực trì hoãn việc mang dự luật này ra thảo luận, các nghị sỹ đảng Dân chủ đang đề xuất đưa 100 điều khoản sửa đổi vào AHCA. Trong khi đó, tại Ủy ban Thuế và an sinh xã hội Hạ viện, các nghị sĩ cũng trao đổi sôi nổi và Chủ tịch ủy ban Kevin Brady cho biết trong trường hợp cần thiết, ủy ban sẽ làm việc cả đêm. Dự luật được chờ đợi lâu nay của đảng Cộng hòa đang đối mặt với sự phản đối từ cả 2 đảng.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer cho rằng bản kế hoạch mới sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm và gây tổn hại lớn cho ngân sách liên bang. Trả lời hãng tin MSNBC, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Jordan bày tỏ quan ngại AHCA sẽ không giúp giảm chi phí y tế cho tầng lớp lao động và các gia đình trung lưu. Phe Dân chủ kêu gọi phe Cộng hòa rút AHCA và hợp tác với họ để cải thiện Obamacare. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tuyên bố ông hoàn toàn tin tưởng ACA sẽ được thông qua tại Hạ viện.

Dưới áp lực tăng cao, Tổng thống Donald Trump cùng ngày đã tiếp xúc với nhiều nhân vật thuộc phe bảo thủ chủ trương phản đối AHCA, trong số đó có ông Adam Brandon, Chủ tịch của nhóm vận động FreedomWorks. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Brandon hoan nghênh thiện chí trao đổi ý tưởng để tìm tiếng nói chung của Nhà Trắng.

Tổng thống Trump cũng gặp Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người trước đó từng cảnh báo dự luật ACA sẽ khó có thể được thông qua tại Thượng viện. Hiện đảng Cộng hòa đang kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội lưỡng viện. Giới quan sát nhận định trong trường hợp có đủ số thành viên đảng Cộng hòa phản đối AHCA thì kế hoạch bãi bỏ và thay thế “Obamacare” của chính quyền Tổng thống Trump có nguy cơ sụp đổ.

Phản đối từ trong đảng

Một điều lạ là dự luật được chờ đợi lâu nay của đảng Cộng hòa nhằm mở đường cho việc thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền “Obamacare” lại đối mặt với sự phản đối từ chính các thành viên trong đảng. 

Nhiều nghị sĩ bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa đã lên tiếng cảnh báo dự luật mới, được gọi là Luật Chăm sóc 

Sức khỏe Mỹ (ACA), quá giống với đạo luật y tế gây tranh cãi hiện nay là “Obamacare”. Họ cho rằng dự luật ACA đã loại bỏ những nguyên tắc tài chính mang tính bảo thủ bằng cách duy trì các trợ cấp chính phủ trong chương trình “Obamacare” dưới vỏ bọc “tín dụng thuế hoàn lại” cho người mua bảo hiểm y tế cá nhân. Trong khi đó, các thành viên khác của đảng Cộng hòa lại mô tả dự luật ACA - kết quả của 7 năm nỗ lực - là một cơ hội bị bỏ lỡ, thậm chí là một bước đi sai lầm.

Trao đổi với kênh Fox News, Thượng nghị sĩ Rand Paul nhận định dự luật ACA là một phiên bản “Obamacare rút gọn”, đồng thời cảnh báo văn kiện này sẽ không được thông qua bởi các thành viên bảo thủ không chấp nhận nó. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mike Lee lại bày tỏ quan ngại về khả năng dự luật mới này có thể giúp người dân Mỹ tiếp cận chương trình chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng hơn hay không. 

Áp lực bên ngoài Quốc hội cũng có xu hướng tăng mạnh khi một số chuyên gia cố vấn bảo thủ và các nhóm vận động hành lang lên tiếng phản đối dự luật y tế mới. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối, Tổng thống Trump đã chủ trì một cuộc họp quy tụ hơn 20 hạ nghị sĩ Cộng hòa tại Nhà Trắng mà tại đó, nhà lãnh đạo này tuyên bố “tự hào ủng hộ kế hoạch thay thế này”, đồng thời bày tỏ hy vọng Quốc hội sẽ sớm bỏ phiếu để bãi bỏ Obamacare “một cách nhanh chóng”... 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.