Lịch nghỉ hè hai tuần, nghe có vẻ ít ỏi nhưng đối với nhiều trẻ thành thị, lịch ấy là còn dài. Chị Trần Thanh Thảo, phụ huynh có con học Trường Lý Tự Trọng, Nha Trang chia sẻ, con chị học lớp 10, vừa thi học kì xong chị đã đăng kí ngay cho con học thêm các môn Toán, Văn, Anh Văn vào 1 tuần sau kì nghỉ hè.
Lý do là con chị xác định theo khối D, chị đã tìm cho con những cô giáo nổi tiếng dạy hay của khối, vì thế phải đăng kí thật sớm, không thì hết lớp. Mùa hè với các em không có những chuyến du lịch hè, những chuyến về quê, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè, mà là lịch học quần quật, nghĩa là học vắt từ học kì chính sang học kì hè, rồi lại sang học kì chính.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ nhiệm khối 11 một trường trung học ở Hóc Môn, TPHCM chia sẻ, ngay từ thời điểm họp phụ huynh cuối năm học, cô đã khuyên các bậc cha mẹ đừng nên quá nôn nóng và chạy đua cho con học hè, nên dành ra ít nhất vài ba tuần cho các em có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc. Nếu không đi du lịch thì cũng tham gia các hoạt động thể thao, hội trại, vui chơi.
Tuy nhiên, không có mấy phụ huynh nghe lời khuyên của cô. Hầu hết phụ huynh đều sợ con không theo kịp bạn bè, sợ hổng kiến thức, sợ con trượt đại học… Vì thế đã tạo áp lực lớn cho trẻ. Cô Oanh kể, có học sinh trong lớp cô chủ nhiệm, để tránh phải học hè đã bỏ nhà, tự bắt xe về quê nội ở, ba mẹ phải xuống năn nỉ mới chịu về lại nhà.
Không biết từ khi nào, mùa hè của học sinh đã rút ngắn dần lại, đến mức nhiều em hầu như không còn có mùa hè như thế. Hậu quả là, thiếu sự cân bằng trong giải trí và giáo dục, trẻ đã trở thành cái “máy học”, bị dồn ép kiến thức, nhưng thiếu niềm vui và các kĩ năng sống mà mùa hè có thể đem lại.