Mua chung hay còn gọi mua theo nhóm là một dạng thức kinh doanh trên nền thương mại điện tử đang rất “hot” hiện nay. Tiêu chí đầu tiên để khách hàng tìm tới các trang web mua theo nhóm là rẻ. Tuy nhiên với phương thức hoạt động còn tương đối “lộ cộ”, không phải trang web mua theo nhóm nào cũng đem lại cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ rẻ thực sự. Khách hàng không “biết mua” cũng gặp phải nhiều cảnh hài hước, “dở khóc dở cười”…
Các thẩm mỹ viện đua nhau giảm giá trên các nhóm mua |
Tự sự của “tín đồ” “nghiện” shoping “làm chuột bạch” cho các “nhóm mua”
“Q…Spa giảm giá tới 80% kìa Phương, mua ngay chục đôi tất Hàn Quốc đi, rẻ quá, “cúp pông” ăn hải sản 5 món ở nhà hàng NX ngon tuyệt. Hấp dẫn không thể chối từ…”, màn hình của Phương- một tín đồ nghiện shoping cứ nháy vàng liên tục bởi nhóm bạn cũng “cuồng” mua đồ trên mạng-. Thế nhưng thay vì hào hứng nhập thông tin rồi mua rồi chọn, Phương tắt màn hình chát cái “rụp”.
“ Tôi đã “quá ngán”, không thể “tiêu hóa” được cái món gọi là “mua theo nhóm” nữa. Nhất là các deal chăm sóc da và dáng”, Phương nói.
Thế mà mới tháng trước thôi, trên chát Phương còn trương lên khẩu hiệu: không thể trì hoãn sự sung sướng, khi click chuột một phát mua tới chục Voucher (thẻ) mát xa giảm béo tại một spa trên con phố Tạm Thương ( Hà Nội). Rồi hôm sau, Phương lại bị cơn lốc trên Muachung.vn mời gọi để mua liền lúc 3 thẻ mát xa mặt tại một spa khác trên phố Hàng Bún. Cùng ngày hôm đó Phương lại nhấp chuột ở Hotdeal để mua thêm 2 coupon mát xa mặt tại một spa ở Trung Hòa Nhân Chính. Rồi cũng chính Phương lại mua liền tù tì thẻ mát xa toàn thân tại một spa trên phố Kim Liên và một spa khác trên phố Chùa Bộc.
Điện thoại của Phương trữ đầy up các mã số của Mua Chung, ví của Phương dày cộp các Coupon,Voucher của nhommua.com và Hotdeal. Phương phải phân lịch để tuần này mát xa theo đơn hàng mua của Mua chung, tuần sau của nhóm mua và sau nữa của Hotdeal rồi sau đó lại đảo một vòng.
“Đúng là tiền nào của nấy. Rẻ thì có rẻ thật nhưng mà chất lượng không như quảng cáo”. Đó là tổng kết của Phương sau mấy tháng trời làm “chuột bạch” cho các đơn hàng mua theo nhóm.
Ảnh minh họa. |
“Mình mua 5 cái voucher mát xa mặt chạy vitamin của spa trên Hàng Bún, 185 ngàn/ lần cho dịch vụ gốc là 600 ngàn, thế là rẻ tới 70-80%. Hí hửng tới làm, chả thấy sản phẩm của Pháp phiếc gì, kem mát xa bôi lên mặt cứ ngứa râm ran, hỏi thì nhân viên bảo đó là do “da chị khô”. Lần sau dẫn theo bà chị từng làm thẩm mỹ, bà này nhắm mắt vào cũng biết họ bôi sản phẩm hãng nào lên mặt mình. Làm xong, bà chị “phán”: nếu em không muốn mất tiền đi chữa mặt bị thâm( do sản phẩm) thì đừng đến đấy làm nữa, họ dùng kem tàu, loại rẻ tiền, bán can bán lít đầy Quảng Châu”.
Theo bà chị Phương phân tích thì không có spa nào có thể làm gói dịch vụ chạy vitamin ( bổ sung vitamin cho da) với sản phẩm tốt mà dưới 400 ngàn đồng được vì một lọ kem dùng cho dịch vụ này giá hàng triệu đồng, chia ra cũng không thể nào có cái giả “rẻ như cho” được.
Bỏ gói chạy Vitamin, Phương tới spa trên đường Hoàng Hoa Thám để làm gói được quảng cáo là đắp mặt nạ bằng colagen tươi dát vàng. Chỉ riêng cái mặt nạ thôi giá gốc đã là 400 ngàn nhưng spa này bán trên Mua Chung chỉ 200 ngàn cho cả mặt nạ và chăm sóc da cơ bản. Phương cẩn thận xem mặt nạ rồi hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ. Yên tâm về quả không phải hàng tàu nhưng sau 3 lần đắp cô cũng chả thấy da mặt mình mềm mại hay sáng sủa gì hơn mà mụn lại xuất hiện…dày đặc. “ Mà tay nghề của nhân viên quá chán. Làm xong mặt mình cứ nổi mụn ầm ầm như mới dậy thì”.
Qua tới 5 spa với các kiểu gói dịch vụ Phương đều thất vọng nhưng cũng chưa thất vọng bằng những gói dịch vụ mát xa giảm béo.” Chẳng giảm 1 cm nào lại đau ê ẩm, mất thêm tiền mua tinh dầu rồi tiền tip cho nhân viên, cộng lại đắt hơn cả dịch vụ ở các spa có tiếng tăm, chỉ tổ mất thời gian”, Phương ngán ngẩm thuật lại.
Kênh bán hàng mới hay nơi “xả” hàng tồn, hàng ế?
Mua theo nhóm mới xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 06/2010 tới nay, khởi nguồn là trang web phagia.com. Sau đó là sự xuất hiện của cungmua.com, muachung.vn, nhommua.com cùng nhiều website mua theo nhóm khác. Theo thống kê không đầy đủ hiện nay đã có tới 97 trang web cung cấp dịch vụ mua theo nhóm đang hoạt động trong đó dẫn đầu là các trang: nhommua.com, hotdeal.vn, muachung.vn và cungmua.com. Chỉ riêng 4 trang web này đã nắm tổng cộng 90% thị phần.
Ban đầu các trang này chủ yếu bán các sản phẩm là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, ăn uống, vui chơi giải trí, du lịch…nhưng càng về sau các trang web kiểu nhóm mua càng giống cái…chợ bán đủ các loại hàng thập cẩm từ bao cao su tới tăm xỉa răng.
Các nhóm mua đang bán từ thảm chùi chân đến... thớt gỗ |
Cùng với sự tạp nham về chủng loại hàng hóa, các trang web này cũng không giữ được “đẳng cấp” của mình và nhận được sự tẩy chay hoặc chê bai ngày một nhiều hơn. Nhommua.com từng bị khách hàng kiện tụng, Hotdeal cũng bị khách hàng tố"ém" thông tin xấu của nhà kinh doanh, gây thiệt hại cho người mua hàng. Khách hàng của Mua chung mới đây cũng phàn nàn bị ăn ‘quả lừa” khi mua dịch vụ mát xa giảm béo tại spa Sức sống mới.
Theo phàn nàn của hàng chục khách hàng đã mua dịch vụ mát xa giảm béo bằng phi thuyền ánh sáng của spa này thì dịch vụ rất kém, ép khách phải mua sản phẩm tinh dầu, nhân viên phục vụ kém, thái độ không tốt, thậm chí spa không bảo đảm an toàn cho tài sản của khách.
“Một chị khách bị mất ví (hơn 30 triệu), phải báo công an phường đến giải quyết thì sau đó tím thấy ví vứt lại nhưng đã bị móc mất hơn 20 triệu và đến nay cũng chưa tìm ra (dù đã báo công an), chủ Spa cũng phủi tay không có trách nhiệm gì. Tôi thấy vô cùng thất vọng khi sử dụng sản phẩm ở đây và cảm thấy như mình bị lừa vậy”, một khách hàng có nick hant chia sẻ như vậy ngay trên mục bình luận của Mua chung.
Nhưng ngay cả khi có quá nhiều lời phàn nàn về dịch vụ của spa Sức sống mới nhưng vì lợi nhuận mà Mua chung vẫn tiếp tục để spa này quảng cáo bán hàng lần thứ 2 trên Mua chung với gói dịch vụ đang bị khách hàng phàn nàn, tẩy chay.
Không chỉ có vậy, chị Nguyệt Anh- một “Fan” cuồng nhiệt của Mua chung cho biết gần đây chị bắt đầu thất vọng về trang web này sau khi mua phải một loạt những sản phẩm không như quảng cáo. “Mua Chung quảng cáo quần áo mặc nhà của nhãn hàng IBasic của Mỹ với hình ảnh quảng cáo bắt mắt và những lời có cánh về sản phẩm. Mình mua 2 bộ ( giá gần 500 ngàn đồng). Khi tới lấy hàng nhân viên của Mua chung ở 27B Mai Hắc Đế đem ra cho mình 3 bộ đồ xấu oắc, rộng thùng thình, mình nhìn nhãn mác thấy hàng gia công ở Trung Quốc, gắn chữ Made in China to tướng. Nhân viên bảo hết hàng rồi chỉ còn có ngần ấy bộ thôi. Mình buộc phải chọn 2 bộ mà biết về để đó chứ không thể mặc”, chị Nguyệt bức xúc kể lại.
Cũng “sốc” khi tới văn phòng của Mua chung nhận hàng, chị Thanh ở Từ Liêm cho biết gần tới giáng sinh nên khi thấy Mua chung bán 5 sản phẩm cây thông thơm ngộ nghĩnh chị đã đặt mua thế nhưng khi lên nhận hàng nhân viên đưa ra có 2 sản phẩm, 2 mùi là vania Mỹ và vani thường rất khó ngửi. Nhân viên cho biết vì đông người đến lấy hết các mùi khác rồi nên giờ khách hàng phải chịu khó mà lấy 2 mùi duy nhất đó. “ Cách bán hàng này khiến tôi cảm thấy mình đang bị mua đồ quá đát hoặc kém giá trị, hàng tồn, hàng ế, lần sau xin cạch mua kiểu này”, chị Thanh khẳng định.
Anh Nguyễn Lâm- một khách hàng nam khá hy hữu rất chịu khó săn hàng trên mạng cho biết cũng từng ăn phải “quả lừa” khi mua mấy voucher ăn đồ Nhật nướng không khói tại nhà hàng Cỏ may mắn trên đường Văn Cao ( Hà Nội). Voucher đến gần 400 ngàn cho 2 người ăn thế nhưng thực tế đồ ăn vừa không ngon vừa quá ít phải gọi thêm mới đủ ăn. “Hình như quán làm 2 cuốn menu, một cho khách mua voucher giảm giá, một cho khách thường. Menu cho khách được giảm giá món nào cũng cao tới rơi..đũa, chẳng hạn 180 ngàn cho 4 miếng thịt bò”, anh Lâm hài hước cho hay mang tiếng mua rẻ nhưng ăn xong vẫn phải thanh toán thêm nửa triệu bạc, cộng với tiền đã mua voucher thành ra “quá đắt”.
Người tiêu dùng chỉ được lợi khi thận trọng
Dù bị một bộ phận khách hàng tẩy chay song các trang web bán hàng kiểu nhóm mua vẫn đang không ngừng sinh sôi nảy nở. Nhiều khách hàng dù ‘cảnh giác cao độ” nhưng vẫn bị hấp dẫn bởi những sản phẩm giảm giá quá sốc hoặc quá hấp dẫn.
Số lượng các đơn vị tham gia bán hàng trên các nhóm mua cũng không ngừng tăng bởi thực chất đây là kênh khá hiệu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay những cửa hàng, dịch vụ mới khai trương chưa có lượng khách hàng đông đảo, thân thiết.
Kinh nghiệm “bỏ túi” cho các “tín đồ” nghiện mua hàng theo nhóm được tổng kết như sau: đừng nhấp chuột mua vội, hãy xem sản phẩm đó có đúng với quảng cáo hay không qua các cách như: xem số lượng người mua phiếu nhiều hay ít, cập nhật qua “comment” của những người đã từng sử dụng. Chỉ mua các deal xuất phát từ những đơn vị có tên tuổi hoặc thực hiện chuyên nghiệp. Không nhìn vào mức giá được giảm mà tính kỹ xem cuối cùng mình được hưởng những gì.
Mua theo nhóm đang trrở thành một xu hướng mới nhưng nếu không “khéo” mua và tỉnh táo, bạn rất dễ trở thành ‘nạn nhân”, tưởngmua được rẻ nhưng hóa thành đắt.
Quế Hà