Một đêm “đẻ” 5-7 bài hát
Chục năm gần đây, hàng loạt người gắn mác nhạc sĩ “đẻ” ra những “đứa con âm nhạc đầy dị hợm”. Có thể kể tới các “tác phẩm”: “Da nâu”, “Vọng cổ teen”, “Đừng yêu em”, “Nói dối” , “Hôm qua khác, hôm nay khác”, “Yêu trong mù lòa”, “Nói dối”, “Người gian dối sẽ gặp người dối gian”…
Những ca từ và giai điệu ngô nghê, méo mó, thô thiển, vô vị, nửa tây nửa ta, nghe như mắng mỏ, đá xéo nhau nhưng lạ thay lại được các trang âm nhạc trực tuyến tung hô “lay động hàng triệu giới trẻ”. Thậm chí, để cổ súy, ăn theo nên đài truyền hình, truyền thanh cũng đua nhau phát sóng.
Với sự a dua, “hiệu ứng đám đông” của một bộ phận giới trẻ thích xem, ngắm hơn là nghe nhạc , bỗng chốc những bài hát “lãng xẹt” trở thành “hit”, “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc. “Nhạc nhẽo” ấy phủ sóng khắp nơi, từ sân khấu biểu diễn cho tới quán hàng ngõ phố, nhạc chuông, nhạc chờ… Tiền bản quyền, sự nổi tiếng đến tới tấp quá dễ dàng khiến ai cũng ngỡ mình là tài năng âm nhạc rồi chong đèn để “đẻ” thêm những “đứa con” kỳ dị.
Một “nhạc sĩ trẻ” đang có một bài hát “hit” vỗ ngực: “Gớm, các cụ nhạc sĩ khi xưa cứ kêu phải có cảm xúc, phải thế này, thế nọ khi viết một bản nhạc, chứ tôi thấy viết nhạc nhẹ như lông hồng. Có đêm, tôi viết 5-7 bài hát là chuyện thường! Chẳng cần cảm xúc mà bài của tôi vẫn “hit”. Tưởng làm nhạc sĩ khó, hóa ra dễ hều”.
Một thực tế là, khi bắt đầu nổi tiếng, người tự coi là nhạc sĩ ấy quay ra coi thường khán giả, mặc kệ dư luận, nghĩ mình đã là siêu sao, mình có tài năng và sức tỏa sáng. “Con sâu làm rầu nồi canh”, hai chữ “nhạc sĩ” tự dưng bị “đại hạ giá”.
Nghe các “tác phẩm âm nhạc què quặt” của giới trẻ, rất nhiều vị nhạc sĩ chân chính xót xa. Và dường như những người tự xưng là nhạc sĩ không hề biết tới chuẩn mực của người nhạc sĩ. Nhạc sĩ người Nga Prokophiev từng nói: “Người nhạc sĩ không được chiều theo khán giả, hạ thấp thẩm mỹ như phong cách quần chúng dân dã, khẩu vị thấp kém. Sứ mệnh của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp là phải hướng dẫn, nâng cao thẩm mỹ và trình độ của công chúng.
“Đứa con” âm nhạc dần bị què quặt?
Sở dĩ những bài hát cách mạng, tiền chiến hay trữ tình của các bậc nhạc sĩ tiền bối luôn sống mãi trong lòng người yêu nhạc bởi họ có những mạch cảm xúc phi thường, luôn nghĩ đến sự hoàn hảo của tác phẩm, không nghĩ đến tiền bao giờ.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập chia sẻ: “Thời của chúng tôi làm nghệ thuật trước tiên là vì lý tưởng, vì mơ ước về một thế giới tốt đẹp. Chúng tôi học sáng tác, học về âm nhạc là để tạo ra tác phẩm hay. Chẳng hạn, chúng tôi sáng tác về tình yêu là để thỏa mãn mơ ước của chính mình. Chúng tôi viết về khát vọng hòa bình là để thỏa mãn sự dấn thân của tuổi trẻ. Chúng tôi, những nhạc sĩ nói riêng và nghệ sĩ nói chung chủ yếu sống cho lý tưởng, không mảy may nghĩ đến kinh tế gì cả. Hồi đó, nhiều anh em tự tìm cách học nhạc lý, rồi về sau mới học theo kiểu hàn lâm trong nhạc viện, trường đại học chuyên ngành”...
Nhạc sĩ sáng tác ca khúc thường sẽ viết giai điệu, lời nhạc cho một ca khúc. Họ có thể là những người có tâm hồn bay bổng, thích “phiêu” với âm thanh, giọng hát để tạo ra những giai điệu mượt mà, mới lạ. Họ cũng có thể biết chơi một nhạc cụ nào đó như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (piano) cùng nhiều nhạc sĩ thế hệ trước, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường (guitar) và nhiều nhạc sĩ trẻ sau này… Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc còn có vốn sống, vốn từ phong phú khiến cho lời ca của mình sâu sắc, hàm nghĩa và uyên thâm, ví như của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Sáng tác khí nhạc, soạn nhạc đòi hỏi nhiều hơn trình độ, tài năng và sự chuẩn mực của người nghệ sĩ để viết ra âm nhạc cho nhiều loại nhạc cụ và cả giọng hát. Họ có thể sáng tác những bản giao hưởng, hợp xướng, ballet và nhạc kịch...
Họ phải viết từng giai điệu, từng bè một cho mỗi một nhạc cụ xuất hiện trong bài nhạc. Do đó, họ phải hiểu được đặc tính âm thanh, cảm xúc, màu sắc từng nhạc cụ cụ thể. Một tác phẩm như thế đôi khi lên đến cả trăm nhạc cụ cùng chơi với nhiều bè phối đan xen được chơi bởi một dàn nhạc lớn. Điều này đòi hỏi sự uyên thâm, uyên bác về âm nhạc. Những nhạc sĩ viết khí nhạc nổi tiếng là các nghệ sĩ Trọng Đài, Hoàng Lương, Đặng Văn Bông, Đỗ Hồng Quân, Doãn Nho, Trần Mạnh Hùng…
Thị trường âm nhạc đang trở nên hỗn mang, các nhạc sĩ tên tuổi cảm thấy phiền lòng. Nhạc sĩ Bảo Chấn cho hay: “Lứa già như chúng tôi, các nhạc sĩ như Dương Thụ, Phó Đức Phương, Phú Quang… hầu hết bây giờ họ lui hết rồi, bởi người ta không thể tìm ra được, không lý giải được cái gu bây giờ của quần chúng số đông, thành ra họ hoãn hết, không viết nữa, bởi vì người ta biết rằng viết kiểu đó cũng không còn số khán giả như ngày xưa nữa”.
Tại sao những ca khúc “què quặt” ấy được cấp phép và có mặt trên ca khúc. Một cán bộ thẩm định ca khúc mới Phòng Quản lý Nghệ thuật giãi bày: “Dẫu biết bài hát có ca từ thô thiển, không đạt chất lượng văn học, nghệ thuật nhưng nội dung không vi phạm những điều quy định trong Quyết định 55 của Bộ VHTT thì chúng tôi không thể cấm lưu hành. Chúng tôi yêu cầu họ thay ca từ văn học hơn nhưng họ bảo không thay vì không có thời gian và đó mới là ca từ thời @. Chúng tôi cũng đành chịu. Đây là kẽ hở của luật”.
Cấm không được, xử không xong, vì vậy, các ca khúc âm nhạc “dị dạng” vẫn mọc ào ào trên thị trường như “nấm mọc sau mưa”. Những ca khúc ấy đã kéo theo gu âm nhạc của công chúng đi xuống và nền âm nhạc Việt Nam càng thêm tụt hạng trên bản đồ thế giới. Chẳng lẽ các nhà quản lý, các nghệ sĩ chân chính bó tay?