Cha con và một niềm đam mê
Nếu nhìn KTS Đoàn Bắc qua dáng vẻ thường ngày và khuôn mặt khá thư sinh, ít người nghĩ anh đã ngoài 45 tuổi với một vợ và ba cô con gái. Trong một gia đình gần chục đời sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tình yêu Hà Nội của KTS Đoàn Bắc là cái gì đó vừa thiêng liêng nhưng lại rất đỗi gần gũi, tự nhiên như đã ăn sâu vào máu thịt và tâm tính.
Vào đầu năm 2010 để hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Đoàn Bắc đã bất ngờ công bố từ bộ sưu tập hàng nghìn tư liệu hình ảnh về Hà Nội xưa từ 1870-1954 mà anh đã âm thầm tìm kiếm, biên tập và phục chế suốt từ gần 3 năm trước. Bạn bè thân quen có thể không quá ngạc nhiên về điều này nếu biết Đoàn Bắc có luôn một đam mê lớn về nhiếp ảnh từ khi còn học phổ thông. Nhưng mức độ đồ sộ về số lượng và các chủ đề, cũng như sự công phu, trau truốt nâng niu cho chất lượng của từng bức ảnh của Đoàn Bắc đã khiến tất cả mọi người phải ngỡ ngàng và khâm phục.
Còn một điều hết sức đặc biệt của bộ sưu tập ảnh này mà Đoàn Bắc đã gọi là “Ký ức Hà Nội xưa”. Đó chính là mục đích của anh - Sưu tầm để Chia sẻ và Gắn kết vì một tình yêu Hà Nội.
Người đầu tiên anh nghĩ đến để chia sẻ chính là cha anh - Nhà giáo lịch sử Đoàn Thịnh. Với kinh nghiệm hơn 20 năm quản lý giảng dạy môn Lịch sử ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khi về nghỉ hưu (từ năm 1999) đã trở thành cố vấn quan trọng và đồng chủ biên bộ sưu tập ảnh với con trai mình. Ý nghĩa, sức lan tỏa và truyền cảm hứng của những bức ảnh xưa này do hai cha con chia sẻ cho báo chí từ đầu năm 2010 đã khiến rất nhiều người tha thiết muốn chiêm ngưỡng toàn bộ bộ sưu tập đồ sộ này.
Cách đây đúng 10 năm, với sự giúp đỡ của gia đình cùng với bạn bè và đồng nghiệp ở Công ty CP Xây dựng Sông Hồng, hai cha con KTS Đoàn Bắc đã tổ chức thành công triển lãm ảnh “Ký ức Hà Nội xưa” tại Trung tâm thương mại Chợ Hàng Da (công trình hiện đại vừa được khánh thành chào mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long) nằm ngay trái tim của Khu phố cổ Hà Nội.
Kể từ ngày đấy và trong suốt 10 năm qua bộ ảnh này đã tiếp tục hành trình đến với nhiều trường phổ thông, các lễ hội dân gian truyền thống ở cả nội và ngoại thành Hà Nội. Hàng trăm bài báo, phóng sự truyền hình vẫn đều đặn dõi theo hành trình đầy ý nghĩa và thú vị này của bộ ảnh đúng như tiêu chí ban đầu của KTS Đoàn Bắc.
Nhưng rồi đến đúng một buổi chiều 10/10/202 Hà Nội rực rỡ nắng vàng, KTS Đoàn Bắc bất ngờ tổ chức một buổi liên hoan ngay trên hè phố Hàng Chuối để công bố hai cha con đã trao tặng toàn bộ kho tư liệu của mình cho Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Câu nói cuối cùng trong chia sẻ của anh là “Cái gì cũng phải đến hồi kết. Hơn 10 năm trước dù rất khó khăn nhưng tôi cũng đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Bây giờ công nghệ đã khác xưa rất nhiều nên bộ sưu tập này cần phải được đặt đúng nơi xứng đáng nhất là Bảo tàng Lịch sử Hà Nội để có thể đến với công chúng nhiều hơn nữa.”
Nhiều thế hệ người Hà Nội đã đến tham dự sự kiện kỷ niệm ngày 10-10-2020 do KTS.NAG Đoàn Bắc tổ chức (Ảnh - Nguyễn Hồng Vân). |
Và nhiếp ảnh gia của biển đảo
Sau ngày 10/10/2010 lịch sử ấy, Đoàn Bắc đã thu trọn niềm tin không chỉ của công chúng yêu Hà Nội mà còn cả của nhiều nhà sưu tầm ảnh khác từ khắp nơi trên thế giới. Tư liệu lịch sử quý giá cứ thế đổ về máy tính của KTS Đoàn Bắc không chỉ về Hà Nội mà về khắp các vùng miền của Việt Nam giai đoạn 1860-1954.
Với kinh nghiệm từ việc biên tập và phục chế ảnh cổ đã có, để đáp ứng sự mong mỏi của công chúng, Đoàn Bắc đã tiếp tục lần lượt công bố các bộ ảnh xưa về Vịnh Hạ Long, Sài Gòn và Việt Nam thế kỷ XIX. Những bộ ảnh này đã được triển lãm tại Hà Nội, Quảng Ninh và đặc biệt vào 5/2012 đã được KTS Đoàn Bắc triển lãm tại huyện đảo Trường Sa (trên các đảo Song Tử Tây và Thị trấn Trường Sa) với sự giúp đỡ của Quân chủng Hải Quân và Thông tấn xã Việt Nam.
Năm 2012 cũng đánh dấu một ngã rẽ bất ngờ khiến Đoàn Bắc không chỉ là một kiến trúc mà còn là một phóng viên, một nhiếp ảnh gia chuyên về chủ đề Chủ quyền biển và hải đảo Việt Nam. Có lẽ mọi người sẽ không quá bất ngờ về điều này khi biết ngay trong gia đình lớn của Đoàn Bắc còn có các nhà báo nổi tiếng Việt Nam mà anh gọi bằng chú. Đó là Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (TTXVN, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), nhà báo Đinh Gia Thoại và Vũ Xuân Thu (Đài truyền hình Việt Nam). Đều là những “cây đại thụ” về nhiếp ảnh, quay phim của Việt Nam.
KTS.NAG Đoàn Bắc (năm 2010) với bức ảnh Thiếu nữ Hà Thành được phục chế từ nguyên bản. |
Bản thân Đoàn Bắc cũng đã được làm quen với máy ảnh và phòng tối từ năm 1987, máy ảnh kỹ thuật số từ năm 2000. Ngay từ thời sinh viên, Đoàn Bắc đã có ảnh đăng trên nhật báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) và báo Hà Nội Mới. Với vai trò thành viên của dự án “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế” của Thông tấn xã Việt Nam, KTS.NAG Đoàn Bắc đã lần lượt làm chủ biên kiêm tác giả chính, thiết kế hình ảnh cho hai cuốn sách ảnh nổi tiếng về chủ quyền biển đảo Việt Nam là “Tổ quốc nơi đầu sóng” (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2013), “Đến với Trường Sa - All for Truong Sa” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, năm 2015). Hai cuốn sách này có tổng lượng phát hành hàng chục vạn bản và đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt cuốn “Tổ quốc nơi đầu sóng” đang có mặt trong tủ sách của hầu hết các trường phổ thông trên toàn quốc.
Sau 5 lần đi chụp ảnh tại quần đảo Trường Sa (2012-2015), NAG Đoàn Bắc đã có thêm một tình yêu mới cũng sâu sắc không kém với tình yêu Hà Nội. Đó là Tình yêu Biển đảo Việt Nam (đặc biệt là với Trường Sa). Anh đã trở thành chuyên gia về ảnh Trường Sa mà nhiều phóng viên phải tìm đến gặp trước mỗi chuyến công tác Trường Sa của mình.
Trong một talkshow Đoàn Bắc cùng PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương đã từng gửi gắm thông điệp về tình yêu biển đảo của mình cho thế hệ trẻ Việt Nam: Các bạn trẻ ngày nay tiếp cận chủ đề biển đảo mang tính cảm tính nhiều quá. Tôi cho rằng cần phải lý trí nhiều hơn nữa thì mới giữ vững được biển đảo, mới làm giàu từ biển đảo như nhiều quốc gia khác. Tình yêu với biển đảo và Tổ quốc của các bạn trẻ nên được hình thành, phát triển một cách tự giác chứ không nên tự phát.
Hiện nay vì hoàn cảnh gia đình có cha mẹ già và con nhỏ, Đoàn Bắc đã thành lập một Studio chuyên về đào tạo sáng tạo hình ảnh bằng cho smartphone dành cho mọi đối tượng và trực tiếp hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho giáo viên tại các trường học ở Hà Nội. Nhưng anh vẫn luôn đau đáu một lần được trở lại Trường Sa.