17 năm chăm vợ liệt giường
Gần 17 năm qua, người dân xã miền núi Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đã quen với hình ảnh người đàn ông nói giọng Nam Bộ ân cần chăm sóc chị Nguyễn Thị Phương (SN 1980), bị liệt nửa người vì bệnh u máu tủy sống.
Càng cảm phục hơn khi biết rằng, trước lúc quyết định vượt gần 2000 km từ Tiền Giang ra Nghệ An, anh Trương Văn Chín (SN 1978) mới quen chị Phương chưa đầy nửa năm. Hai người chính thức nói lời yêu đúng vài ngày thì biến cố ập đến.
Trước đó, đầu năm 2000, trong một lần đi bệnh viện ở TP HCM, anh Chín vô tình gặp chị Phương. Thời điểm ấy, chị Phương đang là công nhân giày da của khu công nghiệp, còn anh Chín là bộ đội. Qua vài câu hỏi thăm, cả hai dần có cảm tình.
Sau 5 tháng quen biết, anh chính thức nói lời yêu. Nhưng hạnh phúc của cặp đôi ấy chỉ kéo dài đúng vài ngày thì bệnh tật ập đến. Lần đó, thấy đôi chân đau nhức, chị Phương đi kiểm tra thì phát hiện căn bệnh u máu tủy sống đã tái phát.
Vì trước đó mấy năm, chị Phương từng có thời gian chống chọi với căn bệnh này nên hiểu rõ sự nguy hiểm của chứng bệnh hiếm gặp. Chị thẳng thắn nói rõ với người yêu trong tâm thế chấp nhận chia tay. Không ngờ rằng chàng trai ấy không hề xa lánh, trái lại còn dành tình cảm đặc biệt cho mình.
Thời điểm ấy vì không muốn người nhà biết chuyện, lo lắng nên Phương im lặng, một mình chịu đựng. Ngoài sự chăm sóc của bạn bè, cuối tuần Phương lại được người yêu vào nuôi dưỡng. Nhưng căn bệnh hiểm nghèo hành hạ khiến cô gái sụt cân nghiêm trọng. Không lâu sau, từ chân đến phần bụng của chị dần mất hết cảm giác. Chỉ đến lúc này, người thân ở quê mới biết chuyện, vội đón xe vào chăm con.
Sau gần một năm điều trị nhưng không có tiến triển, chị Phương lặng lẽ viết một bức thư từ biệt người yêu. Bức thư ấy vừa thể hiện sự yêu thương, nỗi đau bệnh tật và không quên nói lời xin lỗi vì không thể ở bên anh. Thu xếp xong mọi chuyện, cô gái lặng lẽ rời thành phố, trở về quê nhà.
“Lúc đọc được thư chia tay của cô ấy, lòng tôi quặn đau. Tôi hiểu rằng cô ấy cũng phải đấu tranh lắm mới đưa ra quyết định đó”, anh Chín nhớ lại. Sau vài tháng sống trong nhớ nhung, anh quyết định bắt xe đi tìm.
Anh kể, trong đầu lúc đó chỉ nhớ mơ hồ những địa danh TP Vinh, thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ) mà lúc yêu nhau họ từng tâm sự. Sau gần hai ngày trời lần mò địa chỉ, anh Chín đã đặt chân đến xã Nghĩa Dũng, quê chị Phương.
Hành động quá đỗi bất ngờ của anh Chín khiến chị Phương bị sốc, chị kể: “Nằm trong nhà nhìn qua cửa sổ, tôi thấy anh đang đứng ngoài cổng. Tôi không thể tin vào mắt mình, cứ như là đang nằm mơ vậy. Tôi chỉ biết ngồi nhìn anh và khóc như một đứa trẻ vì hạnh phúc”.
Ngay ngày hôm đó, anh Chín đã xin gia đình chị Phương cho mình ở lại. Lúc đầu, cha mẹ chị không đồng ý vì sợ con gái bị lợi dụng. Nhưng chứng kiến sự chăm sóc tận tụy của anh Chín, họ đã thay đổi suy nghĩ. Ở lại đây một thời gian ngắn, anh Chín xin gia đình cho mình đưa Phương trở lại TP HCM để tiếp tục chạy chữa.
Suốt hơn 6 tháng trời ròng rã, ban ngày anh đi làm thuê, tối lại đến bệnh viện chăm sóc người yêu. Nhưng y học đành bó tay trước căn bệnh hiếm gặp. Anh đưa người yêu về quê, quyết định ở lại lâu dài. Biết thông tin ấy, nhiều người sửng sốt vì lúc này chị Phương đã trở thành phế nhân, một chân hoàn toàn bất động, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người khác. Để minh chứng cho tình yêu của mình, anh chỉ lặng lẽ ở bên chăm lo cho chị từ những điều nhỏ nhất.
Tình yêu, sự tận tụy của anh khiến mọi người cảm kích, ngưỡng mộ. Thương anh, cha chị Phương đã khuyên nên về quê để tìm tương lai mới, nhưng anh nhất định không chịu. Biết không thể “xua đuổi”, gia đình đành chấp nhận cho anh được ở lại nhà mình.
Phép màu kỳ diệu
Vào một ngày cuối năm 2006, tình yêu như chuyện cổ tích đã đến tai một vị lương y ở Hà Nội. Đích thân ông đã đưa xe cứu thương về rồi chở chị đi chữa trị bằng phương pháp đông y. Từ một cơ thể tiều tụy như xác khô, vài tháng sau các loại đông dược đã giúp chị hồi phục dần. Một năm sau, điều kỳ diệu đã xảy ra khi chị Phương chẩn đoán đã mang thai. Ngay sau đó, một đám cưới nhỏ được tổ chức trong bệnh viện.
Hơn 8 tháng sau, chị sinh một bé trai cân nặng 2,1 kg. Đứa bé yếu ớt được sinh ra từ cơ thể một người coi như đã “chết” là một phép màu kỳ diệu. 4 năm sau, cả gia đình về quê ngoại sinh sống. Cả hai được ông bà cho mảnh đất trong vườn để xây căn nhà nhỏ. Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, anh Chín còn làm thêm nhiều nghề phụ khác như làm hoa giấy, nấu rượu bán để mua thuốc cho vợ, chăm con.
Vài tháng gần đây, nhờ người quen giới thiệu, anh Chín xuống TP Vinh làm công nhân cho một công ty tại khu công nghiệp Bắc Vinh. Anh tâm sự:
“Đi làm ăn xa, tôi không trực tiếp chăm sóc cho vợ con được, nhưng vì hoàn cảnh phải chấp nhận. Từ ngày tôi đi, mọi công việc chăm sóc Phương đều trông chờ cả vào ông bà ngoại. Hàng tuần, tôi lại tranh thủ bắt xe về thăm gia đình, động viên vợ ăn uống để có sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Được cái cô ấy lạc quan lắm. Tôi cũng luôn tâm sự với vợ rằng “em yên tâm, vì em nằm một chỗ nên anh sẽ là đôi chân của cuộc đời em””.
Chứng kiến tình yêu mà em rể dành cho em gái mình, chị gái chị Phương tâm sự: “Gần 20 năm qua, hầu như tất cả mọi việc đều do dượng Chín làm cả từ vệ sinh, chăm vợ con, cho đến công việc đồng áng. Chín yêu thương vợ con lắm”.
17 năm qua, anh Chín vẫn hết lòng với tình yêu của mình. Ngày ngày hết cho vợ ăn, tắm giặt rửa ráy cho chị, anh lại đưa đón bé Bảo Phúc đến trường. Cậu bé năm nay đang học lớp 3, khá lanh lợi. Nhìn đứa con nhỏ, chị Phương cố giấu nước mắt:
“Nhiều hôm nó nằm cạnh bên, tỉ tê mong được một lần mẹ cõng trên lưng đi chơi. Mong ước của con quá giản dị, nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được”. Rồi người mẹ nằm liệt giường cố nói với con trai “xin lỗi con, đáng ra mẹ phải cho con đầy đủ nhưng mẹ lại không làm được điều đó”.
Trước tình yêu mà chồng dành cho mình, chị Phương dù nằm một chỗ vẫn luôn lạc quan. Cách đây mấy năm, chị đã hoàn thành cuốn tự truyện “Cổ tích tình yêu”. Quyển tự truyện được thành hình từ những dòng nhật ký đầy nước mắt của một người mẹ tật nguyền dành cho chồng và con, chất chứa nhiều yêu thương, lo lắng. Người phụ nữ này tâm sự, đang ấp ủ cuốn tự truyện thứ hai của cuộc đời mình trước khi sợ rằng bệnh tình chuyển biến xấu hơn.