Rô bốt, thiết bị tự động hóa được ứng dụng rộng rãi buộc người lao động phải cạnh tranh việc làm “khốc liệt” với máy móc. Còn các DN sẽ gặp khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ, thiếu chuẩn bị nguồn lực chất lượng cao.
Xu thế tất yếu với tốc độ bão tố?
Chia sẻ thông tin tại buổi đối thoại, đại diện công ty Canon Việt Nam cho biết quá trình tự động hóa diễn ra mạnh mẽ tại đơn vị này từ cách đây 5 - 7 năm. Vị này dẫn chứng, ở thời điểm đó, riêng công ty Canon Thăng Long có khoảng 13 ngàn công nhân thì hiện nay cùng khối lượng công việc đó chỉ cần khoảng 7 ngàn nhân công.
Còn đại diện công ty May 10 cho biết vài năm trở lại đây đơn vị này bắt đầu ứng dụng tự động hóa vào sản xuất. Chẳng hạn lắp đặt máy cắt tự động, mỗi máy thay thế 10 - 15 lao động. Cả công ty canon lẫn May 10 đều cho biết họ đang tiếp tục đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất, tiến tới sử dụng máy móc chủ yếu.
Nhận định về những ý kiến trên, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo trong khoảng 5-15 năm tới, việc ứng dụng tự động hóa vào sản xuất sẽ trở thành trào lưu, xu thế tất yếu. Đồng thời ông nhấn mạnh cuộc cách mạng KHCN lần thứ 4 này sẽ diễn ra với tốc độ bão tố chứ không như trước đây.
Ông Lộc lấy ví dụ Trung Quốc là nước đã ứng dụng rất thành công KHCN vào sản xuất, sử dụng người máy. Khi đó xu thế công nghệ sẽ chặn đứng dòng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Asean, Việt Nam. Ngược lại sẽ xuất hiện chuyển dịch đầu tư từ Asean, Trung Quốc về Châu Âu, Hoa Kỳ. Tất cả khiến thị trường việc làm ở nước ta co hẹp lại.
Một điểm trái chiều được ông Lộc chỉ ra đó là giá rô bốt ngày càng rẻ, giá nhiên liệu cũng rẻ khiến tiền lương người máy giảm. Trong khi tiền lương người lao động tăng lên. Đến thời điểm giá sử dụng người máy và người lao động bão hòa thì DN sẽ chuyển sang sử dụng đồng loạt người máy vì những con rô bốt không biết đình công, không ốm đau, không phải đóng bảo hiểm và có thể làm việc 24/24 giúp DN chủ động kế hoạch sản xuất. Điều này đe dọa đến cuộc sống người lao động. Đồng thời đẩy người lao động vào thế cạnh tranh việc làm khốc liệt với rô bốt, thiết bị tự động hóa.
Tuy nhiên ông Lộc cũng trấn an người lao động và nhà quản lý không nên quá bi quan mà chuẩn bị tâm lý “sống chung với lũ”. Con người đã tạo ra rô bốt thì phải điều khiển, tương tác với chúng. Và muốn làm được đòi hỏi người lao động có trình độ. Do đó chính sách đào tạo lao động cần hướng tới đào tạo nguồn lực chủ động, sáng tạo trong công việc.
Đánh giá về phản ứng của DN Việt Nam trước làn sóng tự động hóa, chủ tịch VCCI cho rằng các DN nhận thức chưa đầy đủ về tác động của cuộc cách mạng KHCN. Lí do là thông tin để DN tiếp cận còn quá ít. Ông Lộc nêu ví dụ rằng, ngay trong các cơ quan nhà nước, cụm từ “cách mạng KHCN” chỉ mới xuất hiện rầm rộ mấy năm trở lại đây, còn DN hiểu về nó quá sơ sài. Bản thân ông đã hỏi nhiều DN về cách mạng KHCN nhưng chỉ nhận được những câu trả lời “lờ mờ”.
Chủ tịch VCCI: “Người lao động sẽ phải khốc liệt với rô bốt, thiết bị tự động hóa”. |
Giải pháp nào ổn định việc làm?
Khi được hỏi về những chuẩn bị của cơ quan đại diện lợi quyền người lao động, ông Mai Đức Chính- Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN cùng quan điểm cho rằng tự động hóa chắc chắn trở thành xu thế tương lai. Rô bốt là thành quả của cách mạng KHCN do con người sáng tạo ra. Nghịch lý rằng thay vì vui mừng thì chúng ta đang lo lắng chúng lấy hết công việc của người lao động.
Tuy nhiên làn sóng công nghệ cũng tạo ra cơ hội mới trong việc nâng cao năng suất lao động. Nó cho người lao động biết rằng cần có kĩ năng cao để điều khiển rô bốt, thiết bị điện tử.
Bàn về giải pháp đón đầu, ông Chính nói rằng cần có quỹ lao động dự phòng dành dùng cho đào tạo nghề thứ hai. Mục đích khi DN thay thế nhân công bằng rô bốt thì người lao động sẽ có sự chuẩn bị để dễ tìm công việc mới. Đề xuất này, Tổng LĐLĐ sẽ kiến nghị lên Quốc hội.
Giải pháp nữa theo ông Chính cần sửa đổi các quy định về quỹ trợ cấp thất nghiệp để khi thất nghiệp, người lao động được quay lại cơ sở đào tạo tìm kiếm công việc mới. Cũng theo ông Chính, trong trường hợp rô bốt được ứng dụng rộng rãi có thể phải tính tới biện pháp “đánh thuế rô bốt”.
Trong khi đó chủ tịch VCCI cho rằng con người cần hợp tác với người máy, làm chủ công nghệ và “sống chung” với lực lượng lao động này. Vấn đề cốt yếu nằm ở kĩ năng nghề của người lao động. Thực tế xã hội đang thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao song lại thừa lao động quản lý chung chung nên cần định hướng lại đào tạo. Điểm yếu nữa là hiện nay các cơ sở chủ yếu đào tạo nghề, còn kĩ năng quan hệ, kĩ năng tương tác, làm việc nhóm chưa được quan tâm.
Theo ông Lộc, chính sách nhà nước cần tăng cường khuyến khích DN đầu tư vào dạy nghề. Bởi theo dự báo, từ nay đến năm 2020 cả nước có thêm 500 ngàn DN: “Tôi chỉ tính mỗi DN cần 20 lao động thì ít nhất 5-10 năm tới chúng ta cần đào tạo 10 triệu lao động. Các hiệp hội ngành nghề phải đóng vai trò then chốt để tương tác với giáo dục, đào tạo nghề. Còn Chính phủ và các nhà khoa học chỉ hỗ trợ”, ông Lộc nói.
Về phía Bộ Lao động, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh quan hệ giữa DN và cơ sở đào tạo nghề là quan hệ cộng sinh. Với những sửa đổi trong Luật giáo dục nghề nghiệp đã quy định cụ thể trách nhiệm của nhà trường, DN hy vọng sẽ đem lại những thay đổi trong đào tạo nghề thời gian tới.
Bà Lan cung cấp thông tin, các cơ quan dự báo lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Và để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650 ngàn chỗ làm việc:
“Đảm bảo việc làm cho người lao động là trách nhiệm của cả Chính phủ, cộng đồng DN lẫn bản thân người lao động”, bà Lan nói đồng thời lưu ý các cơ sở đào tạo cần chủ động khẳng định năng lực đào tạo, chuẩn bị đề án đổi mới chất lượng để thích ứng với xu hướng mới.