"Làm từ thiện vì ai?" - Không cần phải suy nghĩ chúng ta đã có câu trả lời ngay: Vì người nghèo, cơ nhỡ, khó khăn, bệnh tật, đói rách,... Và, nếu nghĩ kỹ hơn một chút thì thêm vì cả chúng ta nữa, làm từ thiện để thấy mình có ích cho cộng đồng, cho thanh thản lương tâm, cho vợi bớt nỗi đau nhân thế, để tâm niệm “cho đi chính là nhận lại”, cũng chẳng mong tích đức mà chỉ cần cảm nhận niềm vui khi được cứu giúp ai đó mà thôi.
Tất nhiên, trong xã hội chúng ta có những kẻ lừa lọc, họ nhân danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, để ra vẻ nhân đạo mà ăn chặn tiền bạc của người nghèo, người tàn tật, gia đình người có bệnh,... Họ làm việc đó là phản đạo lý, thiếu lương tâm, bị phê phán bởi nhân danh cái đẹp mà làm điều xấu “miệng nhân từ mà ruột hiểm sâu”.
Lẽ ra câu hỏi: “Làm từ thiện vì ai?” phải hỏi trực diện vào những kẻ này chứ không phải hỏi trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Hẳn là những người phát tâm làm từ thiện chỉ vì thương người cảm thấy bị xúc phạm trước câu hỏi này!
Làm từ thiện là một hành vi đẹp, nghĩa cử, nhân văn, vì thế chỉ nên khuyến khích “nhà nhà làm việc thiện, người người làm việc thiện” chứ không nên tìm cách dè bỉu, xoáy sâu vào mặt trái, hạ thấp sự tương thân, tương ái và tình thương đồng loại “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đặc biệt, trong lúc này nhiều đồng bào còn nghèo, nhiều trẻ em còn đói rách, nhiều địa phương bị thiên tai, nhiều cảnh đời khó khăn cơ nhỡ, nhiều địa chỉ cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng.
Nếu không có hoạt động từ thiện (thậm chí cả công tác từ thiện, chức năng của một số tổ chức xã hội) thì những thân phận đó sẽ ra sao? Câu hỏi cũng chính là sự trả lời!
Cũng như chương trình “mở” với chủ đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” trước đó, câu hỏi “Làm từ thiện vì ai” với một lối dẫn dắt phản đề đã không thu phục được tình cảm khán giả mà ngược lại, chỉ nhận được “gạch đá” từ cộng đồng mạng.
Người ta cảm nhận được sự khinh khi của chương trình này với những người hoạt động từ thiện và vì thế họ phát cáu.
Thêm nữa, một ý kiến của vị Tiến sỹ cho rằng đôi khi làm từ thiện cũng phản tác dụng, ví dụ như đem cho quần áo của người Kinh, đồng bào dân tộc họ mặc sẽ dần dần “đánh mất bản sắc văn hóa” của họ.
Có lẽ vì quá ham với ý đồ dẫn dắt chủ đề mà vị Tiến sỹ này đã nói ra một câu chẳng những thiếu thuyết phục mà còn gây nên sự phẫn nộ của khán giả.
Suốt tuần qua, câu nói này tràn ngập trên mạng xã hội với những nhận định, bình luận chẳng hay ho gì. Thậm chí, theo “lý luận” của vị Tiến sỹ này người ta còn suy ra đủ thứ, chẳng hạn mặc quần áo, xem phim Hàn nhiều, dân ta sẽ trở thành tộc Cao Ly, ăn mỳ ống thành người Ý, mặc comple, thắt ca vát đích thị là người Pháp, uống rượu Uytxki thì mặc váy giống đàn ông xứ Scotland rồi,..
Hay, đơn giản hơn, chúng ta đang viết bằng bàn phím trên máy vi tính, nghĩa là đã quên bản sắc văn hóa bút lông, mực tàu rồi, cần bỏ ngay thói quen này!
Vì thế, có ý kiến xác đáng rằng: Thôi, mở ít thôi các chị, khép bớt lại cho dân chúng nhờ!