Bổ sung thêm một số trường hợp được miễn giảm
Hiện nay, nhằm khắc phục những điểm còn hạn chế của Luật THADS 2008, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS 2008 ngoài việc vẫn giữ nguyên những quy định còn phù hợp thì quy định cụ thể và bổ sung thêm về một số trường hợp được miễn giảm nghĩa vụ thi hành án như: Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án; không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt mà người phải thi hành án không còn tài sản; Trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống hoặc tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời, đối với người phải thi hành án là người đã bị kết án về hành vi phạm tội trước đây nhưng nay hành vi phạm tội đó đã không còn bị coi là tội phạm theo Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự thì được miễn khoản án phí và các khoản thu cho ngân sách nhà nước trong bản án hình sự mà người đó phải chấp hành cũng là căn cứ để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Bỏ điều kiện phải thi hành được “một phần”
Khoản 2 Điều 61 Luật THADS 2008 quy định: “Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn...”.
Như vậy, điều kiện “đã thi hành được một phần” là một điều kiện bắt buộc. Trong đó, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp án tồn đọng là do người phải thi hành án quá nghèo, không có bất kỳ khoản tiền nào để có thể thi hành án “được một phần”.
Hoặc nhiều trường hợp, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có người thân thích hoặc không liên lạc được với gia đình...do đó, việc thi hành được “một phần” cũng rất khó khăn, mặc dù nhiều người chỉ phải thi hành khoản án phí hình sự khoảng 200.000đ. Việc để một lượng án không nhỏ tồn đọng do con số 200.000đ chưa được thi hành này là một vấn đề khiến cơ quan THADS rất “đau đầu”.
Bên cạnh đó, trong trường hợp chưa thi hành được bất kỳ khoản tiền nào cũng sẽ dẫn đến việc người phải thi hành án (đang chấp hành hình phạt tù) rất khó khăn hoặc không được xem xét để được đặc xá, mặc dù bản thân người đó rất cố gắng chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã bỏ điều kiện phải thi hành được “một phần” nghĩa vụ thi hành thì mới được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án mà quy định chung về các trường hợp việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được thực hiện.
Đồng thời, Dự án Luật cũng đã nâng mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, theo đó, đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng thì mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án; đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng thì mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án..
Dự án Luật cũng bổ sung điều kiện xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại mà Luật THADS 2008 đã bỏ sót, đó là khi hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng.
Việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong Luật THADS lần này không chỉ nhằm mục đích giảm lượng án tồn đọng mà quan trọng đây là những quy định thể hiện tính nhân đạo của Đảng, của Nhà nước Việt Nam.