Dò dẫm nhặt ve chai kiếm sống qua ngày
Cứ sáng sáng, cụ Sót lại dò dẫm đi qua các con phố nhặt ve chai đem bán. Trưa đến, cụ qua nhà một người hàng xóm túm một nắm gạo bỏ vào túi ni lông rồi về nhà cắm cơm ăn.
Cụ kể, cụ phải mang gạo đi gửi nhờ hàng xóm, mỗi lần nấu thì sang lấy một nắm rồi về cắm ăn cả ngày. Để gạo ở nhà, con dâu nó lại lấy gạo của cụ để… nấu cho chó. Cắm được nồi cơm, còn thức ăn thì cụ mang sang nấu nhờ nhà hàng xóm, hoặc là xách cặp lồng ra hàng cơm mua đồ ăn sẵn mang về, có khi cụ chỉ ăn cơm với mắm muối. Lý do là vì con dâu chỉ cho phép cụ được cắm cơm một lần/ngày. Lúc nào con dâu vắng nhà, cụ tranh thủ luộc nồi rau cho đỡ phải nhờ vả hàng xóm, khi rau vớt ra rồi, cụ đổ gạo vào nấu thì con dâu sẽ không biết. Ai ngờ, đúng lúc ấy con dâu về nhà, nhìn thấy bèn hắng giọng nói: “Sẵn điện luộc rau nhỉ”.
“Ngoài được cắm một lần cơm điện/ngày, trời nóng bức như thế này, tôi muốn dùng quạt điện con dâu cũng không cho. Trời tối như bưng, đến cái bóng điện thắp cho sáng nó cũng tiếc. Thành ra tôi cứ sống tù mù như vậy, hoặc lúc nào cần đi vệ sinh thì châm cái đèn dầu cho sáng. Tôi được Nhà nước hỗ trợ 90 ngàn tiền điện nước mỗi tháng, tôi bảo con dâu cho tôi dùng điện, tôi trả tiền hàng tháng nhưng nó nhất quyết không đồng ý, cũng không cầm tiền. Tôi định bụng lắp cái công tơ khác để dùng nhưng hàng xóm khuyên “nếu thế thì con dâu nó không dùng điện của nó mà dùng điện của bà thì bà lấy đâu tiền mà trả”. Nghe vậy tôi lại sợ nên thôi” - cụ kể.
Cũng theo lời cụ Sót, vợ chồng cụ chỉ sinh được một người con duy nhất là Đặng Văn Phúc (SN 1972). Cách đây ba, bốn chục năm, cụ ông qua đời. Năm 22 tuổi, con trai cụ lấy Lê Thị Đào (SN 1970, quê Sơn Tây) làm vợ. Con dâu sống chung với mẹ chồng được dăm bữa nửa tháng thì bắt đầu tỏ thói hỗn hào. Con trai cụ biết chuyện rất thương mẹ, nhiều khi muốn hiếu kính nhưng vì sợ vợ nên chỉ im lặng. Cách đây vài năm, con trai cụ Sót đột ngột mất vì nhồi máu cơ tim nên cuộc sống của cụ lại ngày càng khốn khổ. Cụ sống nhờ vào tiền hỗ trợ người cao tuổi 180 ngàn đồng/tháng.
“Con dâu chưa bao giờ gọi tôi một tiếng mẹ chồng. Nó gọi con trai tôi là thằng khốn nạn. Đi đâu về, nó nhìn tôi rồi nhiếc móc: “Không có đứa nào chứa rồi vác mặt về chứ gì”. Rồi nó lại nói: “Giá mà bà là đống rác thì hót đi” - cụ Sót thở dài chua xót.
|
Nắm gạo cụ Sót phải gửi hàng xóm. |
Con dâu gọi mẹ chồng là “con quỷ già”
PV đã đến tận ngôi nhà của cụ Sót để tìm hiểu cho rõ sự việc. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà được xây bốn tầng khá khang trang. Trước cửa nhà đề tấm biển quảng cáo gội đầu, làm nail. Giả làm khách gội đầu, PV tận kiến hết cuộc sống khổ cực của cụ Sót, đúng như lời cụ và người dân đã cho biết.
Gian phòng ở tầng một được chia làm ba ngăn. Ngăn thứ nhất sát cửa ra vào là nơi làm móng chân, tay, ngăn thứ hai được chia bằng một tấm vách gỗ đã cũ kê một chiếc giường chính là căn phòng của cụ Sót, ngăn thứ ba là cầu thang lên tầng và khu vực bếp, nhà vệ sinh tầng một. Ngoài ngăn đầu rất sáng sủa nhờ ánh sáng mặt trời tự nhiên và ánh điện, ngăn phòng của cụ Sót và khu vực nhà vệ sinh dành cho cụ tối om vì không có điện dù rằng trời đang giữa trưa nắng gay gắt.
Bà Đào, con dâu cụ Sót cũng khá khéo léo khi thiết kế bóng đèn ở cầu thang chỉ chiếu vừa đủ sáng cho cầu thang, không một tí ánh sáng nào lọt được xuống khu vực sinh sống của cụ Sót. Bà Đào gội đầu cho khách ở tầng hai. Trái ngược với căn phòng của cụ Sót, phòng của bà Đào rất mát mẻ, sáng sủa và đầy đủ tiện nghi. Phòng bếp, phòng ngủ của các con trai bà Đào cũng như vậy.
Trong vài ba câu chuyện với khách, bà Đào gọi mẹ chồng mình là nó, là con mụ già, con quỷ, con khỉ, gọi chồng là thằng này, thằng kia, thằng khốn nạn… Bà Đào nói: “Giờ chỉ chờ cho con quỷ này nó chết đi là cô sửa sang lại hết. Cũng tại cô ngu, trước kia để cho thằng khốn nạn nó sang tên sổ đỏ cho con mụ già này nên giờ cô mới khổ thế này, muốn đuổi đi cũng không được”.
Người dân sống xung quanh cho biết, sự việc này diễn ra đã nhiều năm. Nhiều lần mọi người đã góp ý nhưng người con dâu không những không nghe còn tỏ thái độ khó chịu rồi mắng chửi lại. Cụ Sót cũng đã trình bày hoàn cảnh lên Trưởng khu phố nhưng Trưởng khu phố chỉ hứa sẽ trình bày sự việc lên phường nhờ giải quyết rồi im lặng đến nay. Nguyện vọng của cụ Sót không có gì nhiều: “Tôi không mong nó phụng dưỡng tôi. Tôi chỉ mong chính quyền can thiệp để người con dâu này đừng chửi bới, gây sự gì với tôi để tôi được yên thân sống nốt quãng đời còn lại”.
(còn tiếp)
Chính quyền địa phương hòa giải mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu
Sau khi tiếp cận và tận mắt chứng kiến câu chuyện, PV Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh sự việc này đến chính quyền phường Bình Hàn, TP. Hải Dương. Tiếp nhận phản ánh, Chủ tịch phường Bình Hàn, ông Lê Thanh Bình cho biết chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của bà cụ Sót cũng như của người dân về trường hợp này.
Nay nhận được phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam, chiều cùng ngày ông Bình lập một tổ công tác gồm cán bộ tư pháp, Công an, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Trưởng khu phố về khu phố tìm hiểu xác minh đúng là có trường hợp đó.
Tổ công tác đã tiến hành phân tích sự việc đúng, sai và hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình của người con dâu, sau đó tổ chức hòa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, đồng thời yêu cầu người con dâu có nghĩa vụ cải thiện cuộc sống, chăm sóc sức khỏe cho mẹ chồng. Người con dâu đã nhận sai, có thái độ xấu hổ và hứa sẽ phụng dưỡng, chăm sóc tốt cho cụ Sót.