[links()]Vũng Tàu là thành phố nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu và cảnh quan khá dễ chịu. Hàng năm cứ dịp lễ Tết hay mùa du lịch, phố biển lại đón du khách từ các nơi đổ về. “Đến hẹn lại lên”, hiện tượng nâng giá phòng tại các cơ sở tư nhân cũng “đội” lên theo từng năm.
“Chạy trời” không khỏi “chém”
Đến Vũng Tàu, một khách sạn “không sao” bình thường giá chỉ từ 200 – 300 ngàn đồng/phòng cho hai người, nhưng đến những ngày đông khách, giá bị “hét” lên cả triệu đồng.
Bãi biển Vũng Tàu |
Với mức tiền như vậy, khách đặt chỗ sớm có thể thuê được một phòng đầy đủ tiện nghi tại các khách sạn lớn. Đặt chỗ muộn, khách phải chấp nhận nếu không muốn… ngủ ngoài trời.
Nhiều khách du lịch không đủ tiền, hoặc không chịu để các cơ sở tư nhân kia “chém ngọt” đã chấp nhận thức suốt đêm tại vỉa hè hoặc các tụ điểm công cộng của thành phố để chờ đến khi trời sáng. Họ tự “an ủi” đó cũng là một cách “phượt xuyên màn đêm”, vừa tiết kiệm tiền vừa có thêm những trải nghiệm thú vị.
Dịch vụ nghỉ ngơi trên bờ đã thế, dưới bãi biển càng nhiều “cạm bẫy”.
Ngoài việc nghỉ ngơi tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản, các loại hình trò chơi dưới nước tại Vũng Tàu cũng thu hút không ít khách du lịch, trong số đó phải kể đến dịch vụ cho thuê canô.
Cảm giác được vi vu trên những con sóng tại các bãi biển là điều rất thú vị, nhưng không phải ai cũng được tận hưởng cảm giác đó một cách trọn vẹn. Nhiều người lướt sóng được ít phút liền cảm thấy thất vọng xen lẫn bực bội giống như “vừa bị lừa”.
Một khách du lịch đến từ Cần Thơ cho biết, anh được một thanh niên giới thiệu và mời đi canô với mức giá thỏa thuận chỉ 10 ngàn đồng/5 phút. Nhưng vừa lên canô được một lúc, khách đã bị đưa trở về, số tiền phải thanh toán gấp đến 20 lần thỏa thuận.
Cụ thể: Phải móc túi 400 ngàn đồng bao gồm cho cả những khoản “chưa thỏa thuận” là thuê áo phao, người hướng dẫn... Quá bức xúc, khách tỏ thái độ phẫn nộ, không đồng ý với mức giá “trên trời”. Giằng co một hồi, người thanh niên rút điện thoại gọi thêm mấy người khác đến vây xung quanh, khách yếu thế, đành ngậm ngùi móc ví trả tiền.
Hầu hết những người cho thuê dịch vụ canô ở đây đều có cách tính sai đồng hồ, họ chỉ cho khách đi vòng vòng khoảng 5 - 10 phút nhưng tính tiền từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ. Ngoài ra còn có nhiều mánh khóe khác để moi tiền như đưa khách đi vòng ra xa bờ, sau đó đi chậm lại hoặc giả vờ “canô chết máy” để thả trôi.
Giữa biển cả mênh mông ngợp sóng nước, thời tiết oi bức và cái nắng lóa mắt, nhiều người không chịu được say sóng, vì vậy đa số chỉ còn cách đồng ý để chủ hàng gọi người mang canô khác ra đón vào với giá cắt cổ.
“Bẫy” gian thương “thập diện mai phục”
Những “máy chém” tại các khu du lịch không có sự phân biệt giữa khách ở xa và khách địa phương. Người dân sống lâu năm tại Vũng Tàu nhiều khi cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” vì bị “chặt đẹp”.
Chị Hà, một người dân sống tại phường Thắng Tam cho biết, trong một lần mời khách đi ăn tại một quán quen trên đường Hoàng Hoa Thám, tuy chỉ gọi một lẩu hải sản, thêm đĩa tôm lăn bột và rau trộn, nhưng đến khi tính tiền, chị bất ngờ vì hóa đơn tính đến 4,5 triệu. Quá bức xúc, chị yêu cầu gặp chủ quán để hỏi cho ra nhẽ. Phát hiện “chém nhầm” khách quen, chủ quán lấy lý do nhân viên mới không biết và trả lại tiền.
Khách ở xa đến ít có được “may mắn” như vậy. Các quán này thường có riêng đội ngũ “cò”, hoặc móc nối với cánh tài xế taxi, xe ôm trên địa bàn để dắt khách vào quán. Tỷ lệ chia hoa hồng từ 10 - 20% trên tổng số tiền “chặt chém” được từ khách, công việc lại nhẹ nhàng, chỉ là đeo bám phát tờ rơi, hoặc gợi ý cho khách vào quán này quán kia, nên số người tham gia ngày càng đông đảo.
Khách đã bước chân vào quán, khó lòng thoát khỏi sự chèo kéo, và tiền trong túi theo đó cũng vơi một cách chóng mặt. Đầu tiên, khách sẽ được nhân viên phục vụ niềm nở đưa ra một thực đơn với các món ăn giá cả khá “mềm”, kèm theo là lời gợi ý tư vấn về các món ăn bình dân, đặc sản của quán.
Đến khi khách đã dùng bữa xong, hóa đơn sẽ được độn lên gấp 3 -4 so với ban đầu. Hầu hết là tính gian, tính sai giá trị thật của các món ăn, hoặc tính thêm những thứ lặt vặt mà khách không thể ngờ đến như gia vị, nước chấm, rau thơm, hay thậm chí là nước lọc, tăm, khăn lạnh kèm theo.
Một người dân sống gần một quán ăn nổi tiếng “chặt đẹp” tiết lộ: Tuy rằng buôn bán gian dối trắng trợn, nhưng quán này luôn có phương thức để đối phó với những khách hàng khó tính và các cơ quan chức năng vào kiểm tra. Thường quán có ít nhất 3 loại cân, hai loại cân chính xác, một to, một nhỏ. Loại to dùng để cân hải sản thu mua vào, loại nhỏ để lên mặt quầy để đối phó với khách và lực lượng kiểm tra. Còn một loại dùng để cân hàng cho khách “thực mục sở thị”, đã bị cắt bớt lò xo, sao cho khi cân giá trị thật của mặt hàng hao hụt từ 300g - 500g.
Quán thường xuyên sử dụng triệt để các “bí quyết” cân thiếu cho khách như: Cua ghẹ thường được cột bằng những dây vải to, khi nhúng nước sẽ nặng hơn, trộn lẫn hải sản kém chất lượng… Tuy có bể nhốt hải sản tươi sống cho khách chọn tại bàn, nhưng khi đưa vào bếp sẽ có cách đánh tráo, khách không để ý thì khó lòng biết được.
Một khách du lịch nhiều kinh nghiệm chia sẻ, anh hầu như đã quá rành với những mánh khóe ở đây vì thường xuyên phải đi Vũng Tàu công tác. Một lần đã chọn 5 con cua gạch tại bể, trước khi giao cho nhà hàng chế biến, anh đã cẩn thận đánh dấu lên từng con cua. Tuy nhiên, đến lúc soạn ra bàn chỉ còn 3 con được đánh dấu như ban đầu, hai con khác chỉ là hàng “thế thân”.
“Bôi bẩn” phố biển
Ngoài hải sản, bia rượu cũng là mặt hàng thường xuyên bị đánh tráo. Nắm được tâm lý khách chỉ cẩn thận kiểm tra ban đầu, nhiều tiệm ăn phục vụ đợt đầu tiên cho khách là hàng thật, sau một vài tuần rượu khi khách đã ngà ngà say, nhà hàng bèn trộn lẫn rượu bia kém chất lượng. Khách đang đà nhậu “tới bến” cứ khui nắp tới tấp, không mấy ai còn để ý “soi” nhãn mác.
Một quán ăn nổi tiếng “chặt chém” |
Không phải tất cả các quán ăn ở thành phố Vũng Tàu đều có hiện tượng này. Bên cạnh những dịch vụ tốt, không thiếu những cá nhân làm ăn kiểu chụp giật, gây mất niềm tin nơi du khách và xấu đi hình ảnh thành phố du lịch biển. “Buôn có bạn, bán có phường”, “buôn gian bán lận” cũng “có bè, có hội”.
Hầu hết những quán ăn làm ăn gian dối đều tập trung gần khu vực bãi biển như khu vực Bãi Trước và Bãi Sau. Một chủ quán phở và cơm bình dân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh phân trần: “Một số quán cá biệt làm ăn chộp giật, bắt chấp thủ đoạn buôn gian bán lận đã phần nào làm mất đi hình ảnh của thành phố, dẫn đến lượng khách du lịch đến Vũng Tàu ngày càng giảm, những quán làm ăn đàng hoàng cũng bị ảnh hưởng theo”.
Với những quán hàng không “mài máy chém”, họ đều mong muốn chính quyền địa phương cần có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý và xử phạt đối với những cơ sở vi phạm.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu cho biết: “Kết hợp với các cơ quan chức năng sở tại, Ban quản lý các khu du lịch thành phố quyết tâm xử lý triệt để các trường hợp ăn chặn, có hành vi chặt chém du khách, lập lại trật tự, ổn định trả lại bãi biển thanh bình cho khách du lịch trong thời gian sớm nhất có thể”. Tuy nhiên, khách du lịch khi đến với thành phố biển này vẫn chưa cất được nỗi lo nơm nớp bị chặt chém.
Đông Dương