Vụ việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 13 một căn hộ chung cư ở Hà Nội đã góp thêm một tiếng chuông cảnh báo về an toàn cho trẻ nhỏ. Một căn hộ chung cư cao tầng, một chiếc lan can dù có lưới bảo vệ nhưng lại chưa làm rào chắn bên trên. Cha mẹ mải mê tiếp khách và tiễn khách xuống dưới lầu, để lại đứa bé 3 tuổi đầy hiếu động. Từng ấy “sơ suất” tưởng như nhỏ nhưng lại đúng vào điểm rơi, gây ra một tai nạn kinh hoàng.
Một sự hy hữu khi đứa trẻ ấy được một người đàn ông dũng cảm và cả “thần may mắn” cứu thoát chết trong gang tấc, chỉ có một số thương tích không quá nặng. Nhưng sự việc sẽ để lại dấu ấn kinh hoàng trong lòng cha mẹ cháu cùng với nỗi hối hận khôn xiết cho sai lầm của mình.
Nhưng còn nhiều trẻ khác lại không may mắn như thế. Những năm qua, đã có biết bao vụ việc trẻ rơi từ tầng rất cao của các chung cư xuống đất. Phần nhiều trong số đó đều không thể qua khỏi. Tai nạn cũng bắt nguồn từ sự chủ quan, bỏ qua rủi ro hàng ngày cùng sự bất cẩn tích tắc.
Có trẻ, cửa sổ có cửa chớp đủ để một người lớn chui lọt, mà giường thì bố trí cạnh cửa sổ. Trẻ ngủ dậy, đứng trên giường, nhoài ra khỏi cửa sổ. Có trẻ trèo qua cửa thông gió, có trẻ trèo lên máy giặt ngoài ban công rồi ngã xuống.
Không chỉ từ các tòa nhà cao tầng, rủi ro có thể đến với trẻ bất cứ lúc nào. Có trẻ nhập viện cấp cứu vì uống nhầm dầu lửa đựng trong chai nước ngọt, có trẻ nhai nhầm thuốc chuột vì tưởng là kẹo, có cháu nhỏ bị kéo đâm vào người lúc cầm kéo chạy chơi đùa, có trẻ bỏng nặng vì người lớn nhờ đổ dầu vào bếp dầu...
Trong tất cả các sự việc ấy, dù cách thức có khác nhau, hậu quả cũng khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất, đó là từ sự chủ quan, phút sơ sểnh của người lớn khi thiếu đi sự nhạy bén và đề phòng trước những mối nguy có khả năng cao sẽ xảy ra cho trẻ. Để rồi, chỉ những điều tưởng chừng vụn vặt hàng ngày, không ai để tâm đến lại gây ra những hậu quả thương tâm.
Khi hậu quả đau đớn đã xảy ra, người ta nghĩ nhiều, nói nhiều đến những đứa trẻ tội nghiệp và sự bất cẩn mà từ đó gây ra bi kịch. Nhưng ít người để ý đến nỗi đau của những người thân trẻ nhỏ. Nỗi đau ấy không chỉ đến từ mất mát, mà còn từ nỗi ân hận giày vò khôn xiết. Từ những câu hỏi quanh quẩn “giá như”…
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga chia sẻ, sau những cú sốc vì mất con, đặc biệt là mất con do những tai nạn không ngờ, đa phần cha mẹ, người thân rơi vào sang chấn tâm lý. Không chỉ nỗi đau mà rất nhiều thứ diễn ra trong họ, từ tiếc nuối, sợ hãi, ân hận, oán hận… Có không ít người rơi vào trầm cảm, có không ít gia đình phải tan vỡ.
Cạnh đó, áp lực của dư luận là rất lớn. Áp lực ấy đến từ những người quen, người thân, họ hàng. Nếu câu chuyện ấy đủ đánh động thì còn là áp lực của mạng xã hội. Như câu chuyện cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 13 mới đây.
Sau khi sự việc xảy ra, đủ thứ lời đồn đoán lan tràn, nào là cha mẹ bỏ nhau rồi bỏ mặc con, vợ chồng cãi nhau, mẹ ôm anh trai bỏ cháu lại một mình, cha say xỉn… Kèm theo đó là những lời chửi rủa không ngớt. Đến mức, cha cháu bé trong sự “tơi tả” vì gia đình rối ren cũng phải cúi đầu xin lỗi cả cộng đồng mạng vì sự bất cẩn của vợ chồng mình.
“Có quá nhiều nỗi đau và áp lực đổ xuống những bậc cha mẹ trong các trường hợp như thế. Rơi vào hoàn cảnh ấy, những bậc phụ huynh phải mạnh mẽ, cứng cỏi và đồng lòng lắm mới có thể động viên nhau vượt qua. Sự bất cẩn gây tai họa là đáng phê phán, nhưng đó nên là sự phê phán tích cực nhằm thay đổi nhận thức xã hội, đi cùng với bao dung và cảm thông, chứ không phải “ném đá” và đẩy những con người đang bất hạnh ấy đến đường cùng. Suy cho cùng, có ai đau đớn bằng những người thân của các cháu?”, chuyên gia Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh.