Học phí… “trên trời”
Hiện những trường quốc tế 100% vốn đầu tư từ nước ngoài hoàn toàn theo chương trình tiếng Anh, chỉ phải học môn Việt Nam học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Những trường này thường nhận chủ yếu là học sinh có quốc tịch nước ngoài.
Học phí ở mức “siêu cao”, từ 300-500 triệu đồng/năm. Với các trường “bán quốc tế” thường có đông học sinh Việt Nam theo học, với học phí 100-200 triệu đồng/năm bởi phụ huynh mong muốn con được trang bị tiếng Anh, kỹ năng học tập để có thể du học.
Năm học 2019 - 2020, học phí cho học sinh lớp 1 của Trường quốc tế Gateway được công bố là 117,7 triệu đồng. Phụ huynh có thể đóng học phí theo kỳ hoặc cả năm. Nếu đóng cả năm trước 31/5 thì sẽ được nhận ưu đãi 5% (còn hơn 111 triệu đồng), đóng trước 14/7 được ưu đãi 3% với học phí là hơn 114 triệu đồng. Mức học phí này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt đưa đón và phí trông muộn quá giờ.
Trường được quảng cáo là chương trình học bằng Tiếng Việt như môn Văn - Tiếng Việt, Giáo dục lối sống, Phát triển cá nhân... của trường được giảng dạy theo phương pháp hiện đại. Chương trình học bằng ngôn ngữ tiếng Anh, giảng dạy bởi 100% giáo viên nước ngoài với 18 tiết/tuần, bao gồm các môn Ngữ văn Anh, Văn hóa Anh, Khoa học, STEAM, Tin học...
Các chương trình hợp tác với nước ngoài của Gateway cũng được đánh giá cao như Giáo dục thể chất độc quyền từ Nhật Bản, Bơi Aqua-tots độc quyền từ Mỹ. Tiếng Nhật là ngôn ngữ thứ ba được giảng dạy trong các buổi câu lạc bộ ngoài giờ tại trường…
Thế nhưng, ngay sau buổi học thứ nhất, cháu bé 6 tuổi đã mãi mãi không thể về nhà. Và sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh đã hết sức bất ngờ khi Phòng GD-ĐT Cầu Giấy khẳng định trường này không hề được cấp quản lý công nhận là trường quốc tế mà chỉ là cách quảng cáo để thu hút người học.
Trường Quốc tế Anh - Việt (BVIS) có địa chỉ tại Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội), phụ huynh có con vào lớp 1 phải đóng 324 triệu đồng/năm và nếu đóng theo từng kỳ (3 kỳ) sẽ cao hơn, khoảng 381 triệu. Nhà trường nêu rõ có quyền điều chỉnh bảng phí theo từng thời điểm.
Học phí của năm tiếp theo được xem xét lại hàng năm và công bố trong học kỳ 3 của năm học hiện tại. Học sinh sẽ chuyển cấp học trung học cơ sở khi vào lớp 7 với mức học phí năm ngoái là 403,6 triệu đồng. Cấp trung học tính từ lớp 7 đến lớp 13.
Tại Trường Song ngữ quốc tế Hanoi Academy (Tây Hồ, Hà Nội), học phí năm 2019-2020 với cấp tiểu học là 102,2 triệu đồng, phí ghi danh là 4,5 triệu đồng. Và học phí học sinh lớp 6 và 10 khoảng 117 và 136 triệu đồng. Mức này chưa bao gồm phí phát triển trường, học phẩm, đồng phục, sách giáo khoa, giáo trình, bảo hiểm.
Tuy học phí cao ngất nhưng trước đó, từng có Trường Quốc tế Newton có những nghi vấn là cơ sở giáo dục hợp tác với trường “ma” ở Mỹ; không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển và thu tiền đặt cọc hàng trăm học sinh; xây dựng trường khi chưa được cấp giấy phép xây dựng; đưa trường học vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy…
Theo TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE), thì trường quốc tế tại Việt Nam hiện được phân chia theo chương trình học…Ông Minh cho rằng hiện nay có hai loại hình.
Thứ nhất, chương trình quốc tế 100%, dạy theo Tú tài Quốc tế (IB) hoặc Cambridge. Thứ hai, song ngữ quốc tế dạy chương trình Việt Nam có tích hợp quốc tế mà nhiều người thường gọi nôm na là bán quốc tế. Nhiều trường chỉ dạy chương trình quốc tế, có nơi dạy cả hai chương trình nhưng cũng có đơn vị chỉ dạy song ngữ.
TS Đàm Quang Minh thừa nhận, chất lượng các trường quốc tế khó kiểm chứng hoàn toàn. Có nhiều trường gắn tên quốc tế nhưng chương trình giảng dạy lại hoàn toàn khác, chỉ mượn danh để thu học phí cao.
Không có quy định trường “quốc tế”
Trước đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế sau khi Trường quốc tế Gateway để xảy ra trường hợp học sinh tử vong.
Trả lời bên lề hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 11 trường quốc tế được thành lập theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Các trường khác là có yếu tố nước ngoài, không phải trường quốc tế. Thời gian tới, Sở sẽ công bố danh sách các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh biết. Những trường có sai phạm, Sở sẽ sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.
Ông Quang cho hay, tên gọi của trường quốc tế phải đúng theo quy định của luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế”, trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm.
Sở GD-ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh hiểu lầm của cha mẹ và học sinh. Đồng thời, cần luật hóa chế tài xử phạt về việc này. Hiện nay, định nghĩa về trường quốc tế chưa đầy đủ và chưa có chế tài vận dụng để xử lý, vì vậy cần vận dụng các điều kiện của địa phương trong vấn đề này.
Trước đó, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD-ĐT khẳng định, trường tự gán mác quốc tế là không đúng so với quy định. Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình trường gồm công lập, tư thục và dân lập (trong Luật Giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.
Việc đặt tên các trường được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng, không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tên gọi của nhà trường chưa nói lên tất cả. Phụ huynh lựa chọn trường cho con em cần xem xét đầy đủ thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… thông qua nhiều kênh khác nhau. Theo quy định (Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT), các thông tin liên quan nhà trường phải được công khai để người dân được biết.
Nghị định 127/2018/NĐ-CP đã quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương. Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.
Còn TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho hay: Hiện nay nhiều phụ huynh đang có sự nhầm lẫn rất lớn giữa trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài (trường quốc tế).
Đúng là các trường tư thục đã được phép giảng dạy các chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp, sau đó lợi dụng điều này họ tự gắn mác trường quốc tế, nên nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần giảng dạy chương trình nước ngoài, đó sẽ là trường quốc tế.
Điều đáng nói, cái tên trường quốc tế lại được các cơ quan quản lý chấp nhận và không bị tuýt còi mặc dù đặt sai tức là cấp quản lý mặc nhiên thừa nhận. Lợi dụng điều này các trường “gắn mác quốc tế” tự cho mình quyền đưa ra mức học phí. Hiện nay ở Hà Nội mức học phí ở các trường này rất khác nhau. Có những trường thu hơn trăm triệu/ năm đến vài trăm triệu mà không có cơ quan nào quản lý.
Vì hiểu sai khái niệm trường quốc tế nên người dân chấp nhận mức học phí trên trời mà các trường “quốc tế” tự đặt ra chứ không phải theo một quy định nào. Học phí phải đi đôi với chất lượng mà học sinh được hưởng, học phí phải phù hợp chứ không phải nhà trường muốn đưa ra mức thế nào cũng được.
Nhiều trường giải thích rằng họ tự chủ, họ hoạt động như doanh nghiệp nên họ tự đặt ra học phí và phụ huynh đồng ý mới cho con vào học. Điều này chưa đúng, có chuyện mập mờ ở cái gọi là tự chủ, tự chủ phải đi với giải trình, phải công khai, minh bạch với xã hội.
Các trường thu như vậy thì chi thế nào chứ không phải thu kiểu “bốc thuốc” được. Không phải cứ tự chủ là muốn làm gì thì làm vì cơ quan quản lý nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người dân, ông Khuyến bày tỏ.
Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ khẳng định trên địa bàn chỉ có Trường Quốc tế Liên Hiệp Hà Nội (UNIS Hanoi) là trường quốc tế được thành lập bởi Liên Hợp quốc và Chính phủ Việt Nam. Còn lại các trường có yếu tố nước ngoài.
Như vậy, Trường phổ thông liên cấp Gateway cũng như nhiều trường tự gắn mác “trường quốc tế” khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Phải chăng từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh với mức học phí cao để khẳng định “đẳng cấp” của trường?