“Sự cẩu thả nào trong làm nghề cũng là bất lương”
L. không vào lớp học, cô chủ nhiệm và nhà trường không thông báo gì đến gia đình. 8 tiếng trôi qua, khi học sinh ra về thì mọi người mới phát hiện L. đã bị bỏ quên trên chiếc xe ấy vào sáng đi học thứ hai và cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của bé. Tất cả 12 học sinh khác đã xuống xe duy chỉ còn bé bị bỏ lại và không một người lớn nào phát hiện được điều ấy: từ người tài xế đến cô phụ trách đưa đón.
Dù có quy trách nhiệm về ai đi chăng nữa thì đến giờ phút này, sự ra đi của L. vẫn là nỗi đau xót khôn nguôi cho những người ở lại. Trên mạng xã hội nhiều phụ huynh đã phải lên tiếng bày tỏ sự xót xa trước sự ra đi quá đỗi thương tâm của bé.
Càng xót xa cho bé, người ta lại càng phẫn nộ trước sự hời hợt của những người phụ trách. Một chuỗi hời hợt vô tâm từ người phụ trách đón trẻ đến tài xế, từ cô giáo chủ nhiệm đến nhà trường.
Sau sự việc xảy ra, người ta mới giật mình khi thấy nhiều phụ huynh khác cũng kể chuyện con em mình từng bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Chị T. N, phụ huynh có con học mầm non quốc tế tại trường S. cho biết, vào năm ngoái, một bạn học cùng lớp với con chị cũng bị bỏ quên trên xe.
Bé này chỉ được phát hiện 3 giờ đồng hồ sau đó do người tài xế quay lại vì quên điện thoại trên xe. Thời điểm đó, do không có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra với cháu bé nên phụ huynh cũng không truy cứu thêm.
Chị T. N. cũng chia sẻ, bản thân bố mẹ cháu bé đó hiện giờ đang cảm thấy ân hận vì sự “dễ dãi” của mình. Giá như sự việc được làm lớn lên, trách nhiệm được truy cứu đến nơi đến chốn thì biết đâu sẽ không có cái gọi là “sự cố Gateway” của ngày hôm nay?
Sự việc đáng tiếc xảy ra với bé L. cũng khiến mọi người nhìn lại chính mình trong cách làm nghề. Nhà văn Nam Cao đã nhấn mạnh: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương”. Câu nói này sẽ luôn đúng trong mọi hoàn cảnh và thời gian.
Lái xe không kiểm tra, giáo viên không đếm sĩ số, cô chủ nhiệm thờ ơ trước sự vắng mặt của học sinh lớp mình. Từng sự hời hợt ở mỗi người, mỗi vị trí, đã vô tình khiến một em bé trong suốt 8 giờ đồng hồ không lên lớp cũng không một ai mảy may bận tâm kiếm tìm.
Nhiều người cho rằng, nếu như bác tài bỏ ra 30 giây để lướt qua kiểm tra chiếc xe 16 chỗ thì câu chuyện đau lòng đã không xảy ra. Hay cô phụ trách tận tâm với những đứa trẻ mà mình được gửi gắm thì sẽ không có đứa trẻ nào bị bỏ quên.
Tâm lý của chúng ta là chuyện gì chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể xuề xòa bỏ qua, nhưng cũng bởi những lần làm ngơ đó mà đến khi sự cố đáng tiếc xảy ra, chúng ta không còn có thể “cứu” được nữa.
Nhiều câu hỏi chưa có lời đáp
Trước khi có được kết luận cuối cùng từ phía cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều vấn đề xoay quanh vụ việc cháu bé L.H.L tử vong trên xe ô tô đưa đón của Trường Gateway khiến gia đình và dư luận vô cùng hoang mang.
Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi cũng như các giả thiết khác nhau xoay quanh những vấn đề như tại sao cháu L. không xuống xe cùng các bạn nhưng không một ai biết? Tại sao người tài xế khi quay lại bãi xe để đánh xe ra cổng trường đón học sinh về nhưng không phát hiện ra cháu trên xe? Hay tại sao cháu L. lại mặc chiếc áo khác màu?...
Những câu hỏi trên cũng đã được báo chí đặt ra vào buổi họp báo của Công an và Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy vào buổi trưa ngày 7/8. Tuy nhiên do vẫn đang trong quá trình điều tra nên phía cơ quan chức năng cho biết sẽ công bố ngay khi có kết quả.
Nỗi đau tột cùng của người thân ở lại. |
Cháu bé đã mất trước khi đến bệnh viện theo lời khẳng định của bác sĩ và nhà trường cũng khẳng định với bác sĩ là để quên bé trên xe cả ngày. Thế nhưng, nhà trường vẫn thanh minh: “ Khi đưa cháu đến, các y tá hô hấp cho con, chân tay cháu vẫn rất mềm”.
Những lời quanh co tạ tội của người lớn có liên quan ở thời điểm này, cũng không có cách nào mang em trở lại được. Khi một đứa bé chết vì đến trường, thì đó là sự sụp đổ kinh khủng niềm tin vào sự bảo vệ an toàn dành cho trẻ con.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc cháu L. tử vong là vụ việc rất thương tâm xảy ra từ việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm kiểm tra, kiểm đếm khi đưa đón các cháu học sinh đến trường bằng phương tiện ô tô dẫn tới để quên cháu trên xe làm bé tử vong.
Để có căn cứ xử lý vụ việc cần đợi kết quả điều tra trên cơ sở làm rõ nguyên nhân chết của cháu. Theo quan điểm của Luật sư Thơm, nhiều khả năng cháu L. tử vong do ngạt đường hô hấp khi nằm ngủ trên xe ô tô trong tình trạng tắt máy, đóng kín cửa.
Luật sư Thơm cho hay: Tùy theo kết quả điều tra, thu thập các chứng cứ thì hành vi của người giáo viên phụ trách đưa đón các học sinh bằng xe ô tô sẽ có dấu hiệu phạm tội “Vô ý làm chết người” hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự (BLHS) hoặc Khoản 1 Điều 360 BLHS.
Nếu có đủ căn cứ xác định người phụ trách đưa đón các học sinh phạm tội “Vô ý làm chết người” thì thuộc lỗi vô ý vì cẩu thả. Đó là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.
Còn nếu xét thấy hành vi của người đưa đón các học sinh phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì thuộc lỗi vô ý cẩu thả do không thực hiện nhiệm vụ được giao là phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm đếm các cháu học sinh khi nhận từ phụ huynh đến khi bàn giao đủ số học sinh vào lớp học.
Ở góc độ khác, theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, hiện tại của trẻ con thời nay được mặc định là một cuộc chạy đua về phía trước, không có thời gian và không gian vun đắp cho những mối quan hệ bạn bè, chúng đơn độc trên hành trình tới trường. Tự mình đến trường hoặc bố mẹ đón trẻ ngay ở cổng khiến cho bọn trẻ giờ hiếm có những mối quan hệ bạn bè thân thiết.
Chúng đơn độc đến trường trên yên xe máy của mẹ cha và rất ít kỷ niệm với bạn bè. Chúng đến lớp như công chức đi làm, hết giờ cha mẹ đón về, vào các trung tâm học thêm đủ thứ kỹ năng cho tương lai. Hiện tại của chúng được mặc định là một cuộc chạy đua về phía trước, không có thời gian và không gian vun đắp cho những mối quan hệ trẻ thơ….
Một chuyên gia giáo dục bày tỏ: “Nếu có thể, cô mong chúng ta có một điều luật mang tên con. Điều luật L.H.L nhằm đảm bảo sự ra đi của con không vô nghĩa. Điều luật về sự an toàn trên đường học. Chúng ta đang cố gắng để chạm tới Trường học thông minh nhưng lúc này cô nhận ra Trường học An toàn vẫn là một mục tiêu cần quá nhiều nỗ lực và phải được biến thành các quy định cụ thể.
Không phải lái xe nào cũng được phép lái xe cho trường, người lao động nào cũng đủ năng lực trông trẻ, người bảo vệ nào cũng phù hợp để là người đầu tiên chào đón các con nơi cổng trường, người đầu bếp nào cũng biết biến yêu thương thành gia vị và quan trọng hơn không phải ai có tiền cũng được phép làm giáo dục.
Bởi tất cả những người lao động trên sẽ tuân theo quy trình mà họ được quy định và được trả tiền để làm. Họ sẽ đối xử với trẻ con theo cách họ được đối xử bởi người lãnh đạo nhà trường, họ sẽ coi việc họ làm theo cách người quản lý nhà trường định hướng.
Giáo dục đã và sẽ không bao giờ trở thành một món hàng như mọi món hàng khác, dù nó có thể trở thành một dịch vụ được trả tiền tương xứng với chất lượng. Con người sẽ không bao giờ trở thành sản phẩm bước ra từ một “nhà máy giáo dục” hoặc một “chợ giáo dục”.
Giáo dục là phải bằng tình yêu, bằng trách nhiệm, chứ không phải bằng học phí thu thật cao. Và trong nỗi đau xót ấy, có bà mẹ cho rằng, không có ngôi trường nào, không có học phí nào đắt giá bằng những cái ôm yêu thương của cha mẹ, khi mà chúng ta chưa có một môi trường chuyên nghiệp, khi mà con người vận hành ở môi trường đó còn tâm lý cẩu thả, vô cảm với công việc của mình… Thì hơn hết, mọi đứa trẻ nhỏ, vẫn nên ở trong tầm mắt của cha mẹ…
Ai đó nói rằng, để chơi một bản nhạc, người nghệ sỹ không chỉ đặt hai bàn tay, mà phải đặt cả trái tim mình lên đó… Và sự hời hợt, vô cảm của người lớn với công việc của mình, đặc biệt trong giáo dục, nhất định phải là tình yêu, chứ không phải sự vô cảm. Và sự hời hợt, dễ dãi từng chút một, của từng người, đã gây nên hậu quả khôn lường với đứa trẻ bé bỏng…