Lý thuyết và thực tiễn
Theo quy định tại Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo hiện hành, Nhà nước chưa thừa nhận việc khiếu nại, tố cáo thông qua các trang mạng xã hội. Cụ thể, Điều 8 Luật Khiếu nại nêu rõ: “1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp (…) 5. Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật này” (hình thức tố cáo cũng tương tự).
Như vậy có thể hiểu, mọi hình thức khiếu nại, tố cáo nếu không phù hợp với quy định trên sẽ không được các cơ quan chức năng chấp nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế thì không hẳn lúc nào cũng áp dụng theo nguyên tắc này. Bằng chứng là mới đây, một gia đình tại phường 10, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh trong 2 năm qua luôn bị kẻ lạ tấn công, khủng bố tinh thần từ người già đến trẻ em.
Gia đình này đã nhiều lần gửi đơn tố cáo đến công an và chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết, khiến họ luôn sống trong tâm trạng lo sợ. Trong lúc không biết bấu víu vào đâu, người con trai của gia đình là cháu Lý Hưng (sinh năm1999) đã viết nội dung cầu cứu trên facebook gửi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.
Và thật bất ngờ, ngay sau đó Công an quận Gò Vấp và Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ sự việc.
Hay trong các kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, có không ít thí sinh dù đạt điểm cao nhưng vẫn không được nhập học. Sau khi thông tin này được chia sẻ lên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông thì ngành giáo dục cũng như các trường đại học đã có hướng xử lý hợp tình hơn, những thí sinh đó đã được “giải cứu” để bổ sung vào danh sách trúng tuyển ngay trước thời điểm nhập học.
Ngoài hai vụ việc trên, thời gian gần đây rất nhiều nguồn tin từ tài khoản facebook, youtube… cũng được báo chí đăng tải lại đã tạo nên các cuộc tranh luận lớn trong xã hội. Chẳng hạn như việc bạo hành trẻ em, vụ cô giáo trường mầm non tại tỉnh Lạng Sơn để cho trẻ ăn đồ ăn trong thùng rác, chuyện chặt cây xanh ở thủ đô Hà Nội, vụ phê bình lãnh đạo tỉnh An Giang...
Những ý kiến cá nhân lúc này đã trở thành các vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, buộc các cơ quan chức năng hoặc phải thay đổi quyết sách, hoặc xử lý nghiêm những sai phạm của các cá nhân liên quan.
Qua các vụ việc trên có thể thấy, mạng xã hội đã trở thành cầu nối giữa người dân với chính quyền các cấp và bước đầu những ý kiến, khiếu nại của người dân trên các trang thông tin này dần được các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết.
Biết mà không xử lý, sẽ có phản ứng!
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ một cách kịp thời quyền lợi chính đáng (thậm chí là mạng sống) của mình và người thân thì không hẳn lúc nào cũng thực hiện một cách “rập khuôn” theo các hình thức khiếu nại, tố cáo đã được luật định.
Thay vào đó, họ coi mạng xã hội như một phương tiện để nói lên những bức xúc và oan khuất của mình, đồng thời tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng.
“Thông thường, nếu có vấn đề bức xúc, mọi người đều xử lý bằng cách gửi đơn thư hoặc khiếu nại, tố cáo trực tiếp. Chỉ trong trường hợp không còn cách lựa chọn nào khác hoặc cảm thấy việc sử dụng các hình thức kia không đem lại hiệu quả thì người dân mới cầu cứu đến internet.
Tất nhiên, không có quy định nào bắt buộc người có trách nhiệm phải biết là có ông A hay bà B gửi nội dung cầu cứu cho mình thông qua mạng xã hội (bởi có thể vị lãnh đạo này không có trang thông tin cá nhân hoặc có nhưng họ không thường xuyên cập nhật).
Nhưng nếu họ biết mà không xử lý đến nơi đến chốn thì chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của dư luận”- Luật sư Lê Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm.
Theo phân tích của vị luật sư này, do sức lan tỏa lớn, mạng xã hội không chỉ là “kênh” giao tiếp giữa người dân với các cơ quan chức năng mà còn là nguồn thông tin để các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, trấn áp tội phạm.
Đã có rất nhiều vụ vi phạm pháp luật, thậm chí cả những vụ trọng án được cơ quan công an phát hiện thông qua các trang mạng này.
“Với vai trò là người lãnh đạo, “anh” không chỉ có trách nhiệm phát hiện sai phạm mà còn phải xử lý sai phạm theo đúng pháp luật. Vậy không có lý do gì những vi phạm pháp luật thuộc ngành mình quản lý, thậm chí là những vụ án hình sự được người dân cung cấp, “anh” lại từ chối tiếp nhận chỉ vì lý do: tố cáo không đúng theo hình thức luật định?”- Luật sư Tú bày tỏ.
Hy vọng mới từ trang fanpage
Nhận thức rõ những tiện ích của internet, từ lâu nhiều chính trị gia trên thế giới đã coi mạng xã hội là kênh thông tin liên lạc hữu dụng với công chúng. Ở Việt Nam, dù chưa quy định sẽ giải quyết việc khiếu nại, tố cáo qua các trang mạng xã hội nhưng có thể nói, đi đầu trong việc sử dụng mạng xã hội để giao thiệp với người dân là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bằng việc lập trang fanpage, nữ Bộ trưởng này đã đón nhận được nhiều thông tin hữu ích và sẵn sàng lắng nghe các góp ý từ người bệnh, người dân về các chính sách và các hoạt động thuộc ngành mình quản lý.
Bà Tiến cũng là vị Bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm công khai địa chỉ facebook chính thức và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.
Bước đầu là vậy, nhưng trong tương lai không xa, mọi người có quyền kỳ vọng vào việc pháp luật sẽ cụ thể hóa và cho phép người dân được khiếu nại, tố cáo qua mạng xã hội. Bởi hiện nay, với khoảng 45% dân số dùng mạng internet và trên 30 triệu tài khoản mạng xã hội, Việt Nam đang đứng thứ 10 trong số những quốc gia có lượng người dùng facebook đông đảo nhất thế giới.
Hơn nữa, trong khi chúng ta đang triển khai và phát triển Chính phủ điện tử từ Trung ương đến cấp xã với mục tiêu chủ yếu là 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử thì nhu cầu dùng mạng internet để kết nối, bày tỏ chính kiến và cả những khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước sẽ trở nên phổ biến hơn.
“Khi người dân có xu hướng sử dụng thông tin mạng một cách phổ biến thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ coi đây là một kênh thông tin đa chiều. Lúc ấy, tự nhu cầu của cuộc sống sẽ buộc các cơ quan lập pháp trả lời cho câu hỏi: có nên luật hóa việc khiếu nại, tố cáo qua mạng xã hội hay không?”- một luật sư chia sẻ.