“Ma trận” dụng cụ kiểm tra thực phẩm: Tìm đâu ra chữ “an toàn”?

Giấy quỳ xuất xứ từ Anh được giới thiệu là có thể phát hiện độc chất trong thực phẩm.
Giấy quỳ xuất xứ từ Anh được giới thiệu là có thể phát hiện độc chất trong thực phẩm.
(PLO) - Khi cuộc chiến chống thực phẩm bẩn được lan truyền sâu rộng thì cũng là lúc trên thị trường liên tục rao bán những dụng cụ kiểm tra thực phẩm nhằm đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, chưa một cơ quan chức năng nào công nhận dụng cụ kiểm tra thực phẩm sẽ cho kết quả “an toàn”.

Nhan nhản dụng cụ kiểm tra thực phẩm

Dường như việc chống lại thực phẩm bẩn rất khó khăn nhưng để mua được một bộ sản phẩm kiểm tra chất lượng thực phẩm lại rất dễ dàng. Có rất nhiều loại test chất lượng thực phẩm trong đến từ Anh, Nhật, Pháp...

Theo như quảng cáo ở một website chuyên bán đồ dụng cụ thử thực phẩm thì hiện nay giấy quỳ pH được xuất xứ từ Anh đang là sản phẩm bán chạy nhất. Bởi giấy quỳ thử pH dễ thực hiện, giá thành cũng rẻ hơn các loại khác. Ở mục quảng cáo,  trang website đưa ra bảng thông số kĩ thuật để người mua quan sát đi kèm với hướng dẫn sử dụng. Theo đó, chỉ cần đặt lên thịt cá rồi chờ vài giây, khi quỳ thử xuất hiện màu thì căn cứ vào bảng màu để biết được cá có độc hay không. Tương tự, sản phẩm cũng hiệu nghiệm với thịt, trái cây, giò chả… Nhìn kĩ hộp giấy quỳ “vạn năng” có giá 150.000 đồng nhưng không ghi xuất xứ rõ ràng, chỉ có vài dòng tiếng Anh?

Tiếp tục tham khảo trên trang website có tên http://www.dongnamlab.com, dường như ở đây có bán đầy đủ mọi bộ thử thực phẩm từ Strip thử Chlorine dư, paracetic acid, thử bạc, thử nước cứng, thử nhiễm salbutamol... Mỗi bộ dụng cụ sẽ tuỳ vào nguồn gốc xuất xứ mà có giá tiền khác nhau. Hầu như mỗi bộ nhập ngoại đều có giá khá cao, còn những bộ test nhanh thì có giá “dễ thở” hơn.

Điển hình như bộ test nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả có giá 620.000 đồng/hộp 10 test; kiểm tra nhanh hàn the giá 399.000 đồng/hộp 50 test; kiểm tra nhanh formol giá 445.000 đồng/hộp 20 test; kiểm tra nhanh nitrat giá 440.000 đồng/hộp 20 test; kiểm tra methanol trong rượu giá 470.000 đồng/hộp 10 test; kiểm tra chất bảo quản giá 410.000đồng/hộp 20 test; kiểm tra phẩm màu trong thực phẩm giá 550.000 đồng/hộp 20 test; kiểm tra chất tẩy trắng giá 370.000 đồng/hộp 20 test… Điều đặc biệt là với website này là họ luôn có hàng với số lượng lớn, mua bao nhiêu cũng được.

Nhưng có đáng tin?

Trước tình trạng “loạn” bộ dụng cụ kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), Tiến sĩ Hoàng Minh Nam - Khoa Công nghệ Hóa học Trường ĐH Bách khoa TP HCM phân tích trước báo chí rằng: “Loại giấy quỳ quảng cáo có tác dụng phát hiện độc tố trong thực phẩm thực ra chỉ có thể đo được độ pH - là một chỉ số xác định tính chất hóa học của nước. Thực tế, giấy quỳ có thể xác định được độ pH thực phẩm nhưng chất gì làm cho độ pH thay đổi thì không thể biết được. Các loại giấy quỳ này ở tiệm văn phòng phẩm nào cũng có bán, giá chỉ vài chục ngàn đồng/hộp”.

Sở dĩ, bộ dụng cụ đo ATTP có giá cao như vậy nhưng vẫn rất nhiều người tìm mua bởi sản phẩm thiết bị test nhanh thực phẩm đã đánh trúng vào tâm lý của người dân lo ngại trước tình trạng mất vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên lạm dụng hay quá tin vào các sản phẩm này bởi, có nhiều loại máy được quảng cáo đo được dư lượng nhưng thực tế, máy chỉ kiểm tra được thành phần có nitrat, trong khi nhiều độc tố khác nguy hiểm hơn nitrat thì máy này không thể phát hiện.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên  - Trưởng phòng thanh tra Chi cục Thú y TP HCM trước đó cũng khẳng định, hiện chưa có loại máy nào có thể kiểm tra vệ sinh ATTP trên thị trường. Nếu có thì đó chỉ là những dụng cụ, bộ kit thử nhanh thực phẩm. “Chúng tôi là những người thường xuyên, trực tiếp kiểm tra từng lô heo từ khâu xuất chuồng đến phân phối, rất mong muốn có máy móc để phát hiện chất cấm, kháng sinh ngay trên thịt mà còn không có, vì thế bắt buộc phải lấy mẫu nước tiểu đi kiểm định. Thử hỏi như vậy thì làm sao có các loại máy này bán ngoài thị trường, người tiêu dùng dễ dàng mua để sử dụng”- ông Nguyên cho biết.

Tóm lại, việc kiểm nghiệm thực phẩm thông qua những thiết bị phát hiện chất độc hại trong thực phẩm trước mắt chỉ mang tính chất tham khảo và tương đối. Việc kiểm định chất có nguy hại và nguy hại ở cấp độ nào là việc làm hết sức khó mà chỉ có những phòng thí nghiệm mới làm được chứ không thể thông qua mấy bộ dụng cụ đơn giản được. Người tiêu dùng dù đứng trước nỗi sợ hãi ATTP nhưng cũng cần thông thái trước những sản phẩm đã phân tích ở trên kẻo tiền mất, tật mang./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.