Thoát khỏi “địa ngục” gia đình
Tháng 4/2021, Ngôi nhà bình yên (NNBY) thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam tiếp nhận trường hợp chị T.L. Khi được cán bộ của NNBY đón tiếp, chị T.L trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, khóc nhiều, không thể nói, trong người không có bất cứ tài sản, giấy tờ gì. Chắp nối các thông tin trong các lần hỏi chuyện chị T.L cũng như con gái lớn của chị thì phía sau đó là một sự thật đau lòng về bạo lực gia đình (BLGĐ).
Chị T.L kết hôn năm 2001 sinh được 4 con. Trong quá trình chung sống, chị T.L có thể bị chồng đánh, bị nhốt trong phòng bắt nhịn đói và bạo hành tình dục bất cứ lúc nào. Chị T.L có thu nhập khoảng 15 triệu/tháng từ nghề buôn bán, nhưng sau đó, chồng chị không cho đi làm mà bắt ở nhà nội trợ, kiểm soát tài chính.
Từ đó, chị T.L lại càng bị đánh đập nhiều hơn, chị đã hai lần nhập viện cấp cứu và hai lần tự tử bất thành. Không chỉ đánh vợ, người đàn ông này còn đánh cả con gái. Không chịu được bạo lực, cô con gái lớn đã bỏ nhà ra ngoài ở trọ.
Không chịu nổi cảnh mẹ bị bạo hành triền miên, con gái chị T.L thuyết phục mẹ đưa các em tìm đến NNBY. Trước hoàn cảnh của chị T.L, NNBY đã hỗ trợ gia hạn cho chị và các con tạm lánh 5 tháng để bảo đảm an toàn và tiến hành các thủ tục ly hôn. Trong thời gian tạm lánh tại đây, chị T.L được hỗ trợ đánh giá và tham vấn tâm lý, đồng thời hoạch định kế hoạch lâu dài cho cuộc sống sau này.
Chị T.L là một trong hơn 3 nghìn nạn nhân đến từ 50 tỉnh, thành trong cả nước đã được NNBY tiếp nhận và hỗ trợ. Theo bà Dương Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cơ quan phụ trách NNBY, với những hỗ trợ thiết thực tại đây, nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của BLGĐ đã có thể tự chủ, quyết định cho cuộc sống của bản thân.
Ly hôn do bạo lực gia đình - không dễ
Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ người tạm trú, đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội của NNBY gặp không ít khó khăn. Vấn đề này thường xuyên được đề cập đến trong các phiên hội thảo, tọa đàm về ca hỗ trợ người tạm trú tại NNBY do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức.
Tại một phiên hội thảo về ca hỗ trợ người tạm trú gần đây, thông tin cho thấy có trường hợp của một phụ nữ bị BLGĐ, chị đến NNBY nhưng không có giấy tờ tùy thân bởi đã bị người chồng bạo lực giữ hết. Qua trao đổi, nhân viên của NNBY nhận thấy chị bị BLGĐ ở cả 4 dạng (thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế). Tuy nhiên, vấn đề bạo lực của chị chưa được chính quyền địa phương xem xét giải quyết đầy đủ, thậm chí nạn nhân bị đổ lỗi… khiến NNBY gặp khó khăn trong công tác phối hợp, giải quyết vấn đề bạo lực nạn nhân đang gặp phải.
Nhiều phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình trong một thời gian dài. (Ảnh minh họa) |
Không chỉ thực tế từ NNBY mà thực tiễn xử lý đơn thư của phụ nữ gửi đến Hội LHPN Việt Nam cũng cho thấy, pháp luật về hôn nhân gia đình hiện hành đã và đang tồn tại một số bất cập, nhất là trong vấn đề giải quyết ly hôn do nguyên nhân BLGĐ khiến phụ nữ dễ rơi vào nguy cơ rủi ro, mất an toàn.
Theo thống kê của TANDTC, có hơn 80% án ly hôn có nguyên nhân do BLGĐ, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Nhiều phụ nữ tại NNBY là nạn nhân BLGĐ ở cả 4 dạng (thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế) trong một thời gian rất dài và ly hôn là giải pháp để giúp họ bảo vệ được tính mạng, sức khỏe cũng như có một cuộc sống an toàn, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy họ đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết ly hôn.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, BLGĐ là căn cứ để giải quyết cho ly hôn (Điều 56), nhưng một số vụ án ly hôn Tòa án chưa xem xét thỏa đáng căn cứ này. Việc “chưa xem xét thỏa đáng” có nhiều nguyên nhân, và một trong số đó là việc nhiều quy định trong luật mang tính khái quát cao (đơn cử luật quy định “bạo lực gia đình” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn nếu nó làm cho hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”).
Đây là những từ ngữ mang tính khái niệm chung, khái quát, dẫn tới rất khó áp dụng đúng, chính xác và thống nhất nếu không có hướng dẫn cụ thể. Hoặc theo luật, hành vi BLGĐ được coi là căn cứ để giải quyết ly hôn nhưng lại thiếu quy định về các căn cứ để từ đó có thể xác định “vợ, chồng có hành vi BLGĐ” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” cụ thể là gì...
Cạnh đó, tại nhiều nơi, các thủ tục ly hôn chưa thực sự hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân BLGĐ. Như trường hợp của hai người phụ nữ nói trên, họ ra khỏi nhà trong tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần đều tồi tệ vì BLGĐ và cũng vì BLGĐ nên trong tay họ không có bất kỳ giấy tờ tùy thân hay tài sản gì.
Có không ít trường hợp những phụ nữ như vậy nộp hồ sơ ly hôn không được chấp nhận do thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ đang bị người chồng giữ. Thậm chí, theo Hội LHPN Việt Nam, một số tòa án yêu cầu đương sự phải đưa ra bằng chứng bị chồng BLGĐ ngay cả khi đã họ nộp giấy tờ xác nhận đang phải tạm lánh tại NNBY vì là nạn nhân của BLGĐ.
Theo đánh giá của Hội LHPN Việt Nam, quy định về thời gian giải quyết một vụ ly hôn có nguyên đơn là nạn nhân BLGĐ theo thủ tục tố tụng dân sự hiện hành là quá dài, dễ làm trầm trọng hơn tình trạng của nạn nhân. Từ khi nguyên đơn được nhận và xử lý đơn đến khi nhận được thông báo đơn của mình đã được thụ lý là 15 ngày (Điều 191, Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 hoặc 06 tháng. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử có thể cũng phải chờ đến gần 02 tháng (Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015), chưa kể trường hợp vụ án rơi vào tình trạng phải tạm đình chỉ.
Hòa giải cũng đang là rào cản trong một số vụ án ly hôn do phụ nữ là nạn nhân BLGĐ đứng đơn. Ở nhiều vụ việc ly hôn, người đứng đơn ly hôn cũng là nạn nhân của BLGĐ chưa được quan tâm đúng mức nên phiên hòa giải đã gây tâm lý căng thẳng và nguy cơ mất an toàn cho phụ nữ khi phải gặp mặt trực tiếp người gây bạo lực tại tòa...