Ảnh minh họa
Bộ VHTTDL đưa ra các nội dung thông điệp, khẩu hiệu truyền thông bao gồm: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội; Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình; Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật; Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm. Bạo lực là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc ly hôn hiện nay; Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi bạo lực gia đình; Bỏ mặc, không chăm sóc là hành vi bạo lực đối với người cao tuổi; Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Bộ VHTTDL đề nghị các Bộ, Ngành, tổ chức ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình với đa dạng hình thức: mít tinh, hội thi, hội thảo, hội nghị, hội diễn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, mạng xã hội, tin nhắn điện thoại; treo các băng rôn, áp phích tại cổng cơ quan, tổ chức, nơi tập trung đông người qua lại như khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại và khu dân cư; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Các đơn vị sẽ căn cứ chủ đề, thông điệp, thời gian thực hiện và tình hình thực tế để lựa chọn hình thức phù hợp để chỉ đạo, tổ chức triển khai.
Các hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.