Đấu tranh cho bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới: Hiểu đúng để làm đúng

Bình đẳng giới không phải nam nữ giống nhau, mà là mỗi người được sống đúng sở trường, mong muốn của mình. (Ảnh minh họa)
Bình đẳng giới không phải nam nữ giống nhau, mà là mỗi người được sống đúng sở trường, mong muốn của mình. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đấu tranh cho bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự đồng thuận, nhất quán từ cả cộng đồng. Hiểu đúng về bình đẳng giới cũng như nỗ lực phát triển bình đẳng giới trong xã hội cũng chính là góp phần hiệu quả ngăn ngừa triệt để bạo lực giới.

Bình đẳng giới không có nghĩa là “cào bằng”

Theo Khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình. Nam và nữ có quyền thụ hưởng như nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay trong xã hội vẫn tồn tại một số quan niệm sai lầm liên quan đến bình đẳng giới, như bình đẳng giới là đấu tranh cho nữ quyền, hay xã hội đã có bình đẳng không cần đấu tranh. Một trong những quan niệm sai lầm gây ra nhiều cản trở cho công cuộc đấu tranh là “cào bằng” trong bình đẳng giới.

Những người đeo đuổi bình đẳng giới một cách “cào bằng” thường hiểu một cách máy móc, hiểu lệch lạc khái niệm bình đẳng giới nói trên để cho rằng, nữ giới và nam giới phải trở thành như nhau, nghĩa là phụ nữ cũng cần làm những công việc “dành cho đàn ông” và ngược lại. Quan niệm sai lệch này dẫn đến những đòi hỏi vô lý như phụ nữ nhất định phải có sự nghiệp và địa vị trong xã hội, đàn ông cũng phải làm việc nhà, chăm sóc con cái hàng ngày...

Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học, đây là một quan điểm mang tính “cào bằng”, một cách áp lực khác về giới. Bởi nam và nữ, bản thân đã có sự khác biệt về thân thể, giới tính và sức lực. Cạnh đó, mỗi người còn có những sở trường, mong muốn khác nhau. Có những công việc chỉ phù hợp cho nam giới bởi thể lực, sức khỏe phụ nữ không phù hợp và ngược lại, có những công việc và với sự mềm mại, linh hoạt, nhẫn nại của mình phụ nữ vượt trội hơn hẳn nam giới.

Không phải người phụ nữ nào cũng có khả năng hay khao khát bước ra xã hội, làm nên “chuyện lớn”. Có những người phụ nữ ước mơ của họ chỉ giản dị là vun vén mái ấm gia đình, chu toàn việc nhà cửa và họ tìm thấy niềm hạnh phúc trong đời sống giản đơn ấy. Cũng có những người đàn ông sự nghiệp thành công, quá bận bịu, họ vẫn có trách nhiệm, thương yêu vợ con nhưng không có thời gian để làm việc nhà. Quan trọng trong mỗi gia đình là sự thỏa thuận trong tự nguyện và cảm thông, rằng ai làm việc gì là tốt nhất. Trong những trường hợp như thế, sự “cào bằng” chính là áp lực khiến cho mỗi người không được sống đúng với sở trường, năng lực của bản thân.

Như vậy, cần phải hiểu đúng và trọn vẹn ý nghĩa của sự bình đẳng giới: Bình đẳng giới không có nghĩa là nam và nữ phải giống như nhau. Bình đẳng giới chính là tôn trọng sự khác biệt về giới, từ đó tạo mọi điều kiện để cả hai giới cùng phát triển.

Đồng thời, cần có các biện pháp khắc phục những yếu tố bất lợi ngăn không cho phụ nữ và nam giới có vị thế bình đẳng với nhau. Đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh để mọi người đều được tạo điều kiện để làm những việc theo ý muốn của mình, không bị giới hạn bởi giới tính.

Ngăn ngừa bạo lực giới bằng “đũa thần” bình đẳng giới

Muốn ngăn ngừa triệt để bạo lực giới cần phát huy “đũa thần” bình đẳng giới. (Ảnh minh họa).

Muốn ngăn ngừa triệt để bạo lực giới cần phát huy “đũa thần” bình đẳng giới. (Ảnh minh họa).

Theo Tuyên bố về Loại trừ bạo lực chống lại phụ nữ của Liên hợp quốc năm 1993 (CEDAW), khái niệm bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực giới) được hiểu là: Bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó, bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó...

Bạo lực giới xảy ra dưới nhiều hình thức và biểu hiện như: Bạo lực trong gia đình, tảo hôn, ép hôn, mua bán người, lạm dụng tình dục trẻ em, mại dâm cưỡng bức, quấy rối tình dục, nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi,.... Bạo lực giới bao gồm bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế. Thực tế cho thấy, nạn nhân chủ yếu của bạo lực trên cơ sở giới vẫn là trẻ em và phụ nữ.

Tuy nhiên, bạo lực giới trong xã hội ngày nay không chỉ hiển hiện một cách rõ ràng, dễ nhận thấy. Bạo lực giới giờ đây “ẩn nấp” trong đời sống hàng ngày dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, như việc không chia sẻ công việc gia đình, không chia sẻ trách nhiệm trong việc lao động kiếm tiền, ép phụ nữ phải sinh con trai, ghen tuông kiểm soát đời sống riêng, xâm phạm bí mật, thông tin cá nhân…

Bạo lực giới không chỉ gây ra tổn hại nạn nhân bị bạo lực mà cho cả xã hội. Ước tính bạo lực đối với phụ nữ gây thiệt hại cho khoảng 1,8% GDP hằng năm của Việt Nam, bao gồm các chi phí chăm sóc sức khỏe, dịch vụ pháp lý, mất nguồn thu nhập, cả sự giảm năng suất làm việc và nghỉ làm. Hơn nữa, ước tính rằng phụ nữ bị bạo lực kiếm ít hơn 35% so với phụ nữ không bị bạo lực. Nhiều trường hợp dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng.

Xóa bỏ bạo lực giới và những tổn thương khủng khiếp mà nó gây ra, bên cạnh những nỗ lực tập trung vào ngăn ngừa, khắc phục hậu quả của bạo lực, cần phải nhìn nhận gốc rễ của bạo lực giới nằm ở sự thiếu bình đẳng về giới. Thế nên, muốn ngăn chặn triệt để bạo lực giới, không có cách nào khác hơn là “đũa thần” bình đẳng giới phải thực sự có hiệu quả.

Để bảo đảm công bằng và bình đẳng giới, cần có những chính sách phù hợp bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về sự tiếp cận. Về điều này, Việt Nam đã là một quốc gia được đánh giá cao về nỗ lực bảo đảm cho sự bình đẳng giới và công bằng trong tiếp cận, như cả nam và nữ đều được đi học, đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công mà không có sự phân biệt đối xử; cả nam và nữ đều có quyền tham gia bầu cử, ứng cử, được quyền tiếp cận các thông tin truyền thông như nhau...

Điều quan trọng hơn hết chính là sự phát huy hiệu quả các chính sách, các quy định pháp luật để bảo đảm bình đẳng giới. Có thể nói, nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý nhằm bảo đảm sự bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh. Điều này được thể hiện trong các quy định của chính sách và pháp luật, bảo đảm bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được ban hành và thực thi như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010 - 2020; Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020…

“Đũa thần” của bình đẳng giới còn nằm ở những hành động thực tế đã và đang được triển khai trong đời sống hàng ngày, như sự đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức về bình đẳng giới thông qua các hành động cụ thể; phát huy tích cực vai trò của các tổ chức bảo vệ phụ nữ, trẻ em; Đầu tư vào học đường và giáo dục để nâng cao nhận thức từ cấp cơ sở; Đầu tư vào các dịch vụ công cộng cần thiết chất lượng cao, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục; Các sáng kiến về tăng cường kinh tế cho những người yếu thế, nạn nhân bạo lực...

Việc tạo ra một cộng đồng nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới cần sự đồng lòng và hợp tác từ tất cả các tầng lớp xã hội. Chỉ khi chúng ta cùng nhau hành động và chấp nhận trách nhiệm cá nhân, xã hội mới có thể đạt được mục tiêu cao cả của sự bình đẳng và an toàn cho tất cả mọi người.

Theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020), Việt Nam thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Đọc thêm

Những người phụ nữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bức ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà con Nhân dân vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng và chụp ảnh với cụ Lù Thị Đôi (giữa) ngày 19/4/2004”. (Nguồn: BTPNVN).
(PLVN) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam. Làm nên chiến thắng lịch sử ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ. Nhiều bức ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ đã minh chứng cho điều ấy.

Chỉ đạo 'nóng' khắc phục sụt lún đất tại Bạc Liêu

Chỉ đạo 'nóng' khắc phục sụt lún đất tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt và thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng sụt lún đất trên địa bàn.

Hai vợ chồng chết cháy trên nương

Hiện trường vụ cháy khiến hai vợ chồng anh H.C.P tử vong.

(PLVN) - Đốt cỏ nương để lấy đất canh tác, hai vợ chồng anh H.C.P, trú tại bản Háng Lìa Hồng Thứ, thuộc huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) bị cuốn vào đám cháy dẫn đến tử vong. 

Bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý điều này

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Sau khi đăng ký thành công, từ ngày 11/5 đến 17/5, tất cả thí sinh phải sử dụng tài khoản và mật khẩu được cấp đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi qua địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để kiểm tra thông tin đăng ký dự thi, phản hồi các sai sót và đề xuất duyệt minh chứng đối tượng ưu tiên (nếu có) với đơn vị đăng ký dự thi...