Sẽ đối thoại với dân
Bài viết “dự án du lịch bồi thường giá “bèo” bị người dân phản đối” PLVN mới đây phản ánh đã được dư luận hết sức quan tâm. Đa phần đều cho rằng những hộ kinh doanh nơi đây thiệt thòi vì họ đã xây dựng được thương hiệu, bỏ công, bỏ sức cũng như nộp thuế đầy đủ. Thế nhưng, chính quyền đưa ra mức giá hỗ trợ, đền bù lại áp theo đơn giá của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, điều đó là chưa hợp lý.
Ông Vương Đình Cẩm,Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, với dự án trên, địa phương xác định sẽ là đòn bẩy thu hút khách du lịch đến với địa phương, giúp kinh tế nơi đây phát triển. Còn 24 hộ kinh doanh ở Suối Voi phản đối dự án vì bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi. “Hiện xã đang tạm ngưng để đơn vị đầu tư cắm bản vẽ quy hoạch. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục sẽ đối thoại với dân”, ông Cẩm nói.
Nhiều người dân cho rằng đơn vị giải phóng mặt bằng kê khai thiếu của họ, dẫn đến việc đền bù hỗ trợ vốn đã “bèo” còn “bèo” hơn. Ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc) phủ định điều này và cho rằng, đơn vị đã làm đúng chức trách của mình.
“Theo luật, 24 hộ kinh doanh trên không đủ điều kiện để đền bù mà chỉ được áp giá hỗ trợ. Mức tiền đang niêm yết công khai đó là tiền hỗ trợ chứ không phải đền bù. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là 51,9ha nhưng diện tích mà 24 hộ trên kinh doanh chỉ có 2ha.
Chúng tôi đã đề xuất với các ban ngành liên quan và dự kiến sẽ hỗ trợ cho các hộ trên bằng 80% đơn giá đền bù mà UBND tỉnh quy định. Sau đó, tôi trực tiếp làm việc với đơn vị đầu tư, đơn vị này cũng đồng ý hỗ trợ thêm 20% nữa.
Như thế, nói là hỗ trợ song người dân sẽ nhận được số tiền như đền bù. Tôi thấy 24 hộ này cũng thiệt thòi, tội nghiệp; nhưng về lâu dài, có nhà đầu tư, làm du lịch bài bản thì vẫn hay hơn”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Mạnh , Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho hay, huyện đã nắm tình hình. “Gần đây, Công ty Hoa Lư có mang bản đồ quy hoạch lên Suối Voi để cắm trên đất đã được giải phóng nhưng dân không đồng tình.
Lý do dân thắc mắc vì chưa nhận tiền đền bù nhưng doanh nghiệp lại động thổ, khởi công. Chính quyền sẽ tiếp tục đối thoại, lắng nghe các ý kiến để tìm ra phương án, giải pháp phù hợp tạo đồng thuận giữa các bên. Dù theo hướng vận động hay dùng biện pháp nào, cũng phải làm yên dân trước đã”.
“Thương hiệu Suối Voi do dân xây dựng”
Về phía người dân, phản biện ý kiến Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện, một hộ kinh doanh tại Suối Voi cho rằng ý kiến này là phủ nhận công lao của họ. “Nếu bà con chúng tôi không lên khai hoang mở đường, chẻ đá để Suối Voi mang thương hiệu như hôm nay, liệu doanh nghiệp có nhận ra lợi nhuận để đầu tư hay không?
Tại khu vực này vẫn còn một số con suối chưa ai đầu tư khai thác, sao không đến đó mà làm? Ông Thanh nói các hộ dân chúng tôi chỉ có 2ha nhưng ông có biết để có 2ha đó dân chúng tôi đã bỏ công hơn 20 năm khai phá, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi đã tạo được thương hiệu không những trong nước mà các du khách nước ngoài cũng tới đây rất đông. Tại sao dám nói không được đền bù?”.
Để hiểu rõ thêm dự án, PLVN tìm về trụ sở của Công ty Hoa Lư – Huế tại khu An Cựu City. Điều bất ngờ, một số người nơi đây không biết sự tồn tại của công ty sắp bỏ ra tới 400 tỷ để đầu tư vào khu du lịch Suối Voi này. PV tìm theo địa chỉ rồi vào một ngôi nhà không hề có biển hiệu.
Tại đây, đại diện đơn vị đầu tư, ông Dương Văn Thân (Trưởng phòng pháp chế, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế) nói: “Việc đầu tư vào Suối Voi chắc chắn sẽ gặp phản ứng từ những hộ dân vốn lâu nay đã đầu tư làm dịch vụ tại đây. Cảm giác “bị tước mất nồi cơm”‘ là điều dễ hiểu.
Dự án này, doanh nghiệp thuê đất dịch vụ thương mại trong vòng 50 năm, xúc tiến từ năm 2016, theo quy định đơn vị sẽ tạm ứng tiền để Nhà nước hỗ trợ chi trả cho người dân. Từ tháng 1/2019, đơn vị có về đây cắm bản thông tin dự án nhưng dân phản đối. Ngày 18/2 về cắm lần nữa dân cũng không cho”.
“Công ty chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ những cam kết với người dân và các hộ kinh doanh như: Tạo việc làm cho những hộ dân kinh doanh, tuân thủ đầy đủ việc tham gia bảo hiểm xã hội. Công ty hứa mỗi hộ kinh doanh trên sẽ được nhận 1 người vào làm, tiền lương ít nhất 5 triệu/tháng.
Dự kiến, chúng tôi sẽ xây dựng một khu ẩm thực tại vị trí trung tâm, ở đó là tổ hợp các nhà hàng và nhà đầu tư và sẽ dành một số vị trí để các hộ từng kinh doanh, buôn bán tại Suối Voi tiếp tục được kinh doanh với tính chất quy mô, chuyên nghiệp hơn”.
Trước ý kiến hỗ trợ cho người dân chưa phù hợp, ông Nguyễn Thiên Lý (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế) cho rằng “trách nhiệm đền bù nằm ở nhà nước. Bản thân doanh nghiệp muốn hỗ trợ lắm nhưng không thể vì còn nhiều điều phải lo…”.
Việc đền bù, hỗ trợ không hợp lý khiến hầu hết các hộ dân không đồng tình |
Bà Nguyễn Thị Kỷ (53 tuổi, ngụ thôn Thủy Dương, người buôn bán ở Suối Voi suốt 24 năm qua), phản ứng: “Khoảng 3 năm nay, từ khi nghe dự án sắp triển khai thì ai ai cũng đứng ngồi không yên. Chính quyền phát giấy thông báo ngưng hoạt động, không cho bán vé, không cho kinh doanh nữa… để thu hồi đất khiến chúng tôi không đồng tình.
Họ kê khai mập mờ, ghi tài sản thiếu. Diện tích mặt bằng thực tế của tôi là 100m2 nhưng đo đạc chỉ 70m2, không ghi sạp nghỉ mát, không ghi đường ống nước… và số tiền họ dự kiến chi trả cho gia đình tôi khoảng 290 triệu. Số tiền này quá ít so với những gì mà tôi bỏ công sức ra gây dựng để có thương hiệu như ngày nay.
Doanh nghiệp muốn vào đầu tư thì phải thoả thuận mức giá đền bù chúng tôi mới chấp nhận chứ không thể lấy đi miếng cơm manh áo hàng ngày của bà con chúng tôi. Chính quyền không thể đứng về phía doanh nghiệp mà dễ dàng đẩy chúng tôi vào cảnh thất nghiệp, đền bù với giá “bèo” như vậy”.
Để Suối Voi mang được thương hiệu như hôm nay, người dân Lộc Tiến đã đổ không ít công sức. Trước đây, nhiều tảng đá to bằng cả ngôi nhà nằm cảng giữa suối dân nơi đây đã ngày đêm đục đẽo chẻ phá để thông dòng.
Đường lên suối trước cũng không có, người dân bỏ sức mới được như bây giờ. Sự việc được dự đoán sẽ chưa dễ xử lý một sớm một chiều.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.