Công văn 8040/BGTVT-VT báo cáo Chính phủ nêu rõ, đến nay, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để thực hiện công tác quản lý và siết chặt kinh doanh vận tải trên cả nước đã được các đơn vị vận tải khẩn trương hoàn thành theo thời gian quy định (01/7/2015) tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Tuy nhiên trên thực tếcũng còn một số địa phương chưa hoàn thành.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các đơn vị taxi đã rất cố gắng triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng do số lượng taxi trong cả nước quá lớn, gần 60.000 xe nên tiến độ lắp đặt chưa đảm bảo.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe taxi vừa thực hiện nghiêm các quy định, vừa đảm bảo áp dụng khoa học công nghệ trong tổ chức điều hành doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải cũng như kết nối thuận tiện cho khách hàng, Bộ GTVT kính đề nghị Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 nội dung chỉ đạo Bộ Công an, Bộ GTVT thực hiện.
Trong thời gian từ 01/7 đến 31/12, các lực lượng kiểm tra thực hiện nhắc nhở lái xe cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe taxi hoàn thiện công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe taxi.
Nghị định 86 quy định, trước ngày 1/7/2015, xe taxi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.
Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu như: lưu giữ và truyền dẫn được các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong 24 giờ của từng lái xe. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.