Từ chuyện riêng trở thành chuyện chung
Chỉ là căn phòng nhỏ chừng 20m2 nhưng ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Ngọt ở xã Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) đã từ lâu được biết đến là một địa chỉ tin cậy rất hiệu quả ở địa phương. Chị Ngọt cho biết, trước khi quyết định biến nhà của mình thành địa chỉ tin cậy chị cũng suy nghĩ lung lắm, nhưng rồi mong muốn được giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng như được sự ủng hộ của gia đình đã giúp chị thực hiện ý định.
Kể từ khi biến nhà mình thành địa chỉ tin cậy, chị Ngọt đã giúp đỡ được rất nhiều đôi vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Nhiều người phụ nữ bị chồng đánh tìm đến nhà chị lánh nạn cả ngày, có khi là đôi ba ngày.
Trả lời câu hỏi “chị không sợ các ông chồng gây bạo lực tìm đến đe dọa sao”, chị Ngọt thẳng thắn: “Nếu sợ, tôi đã không làm, không ít các ông chồng đã tìm đến và tôi trực tiếp gặp họ phân tích cho họ nghe họ đã sai chỗ nào và tôi làm vậy là để bảo vệ phụ nữ chứ không vì lý do gì khác. Nhiều người vợ sau khi tìm đến đây lánh nạn được một ngày lại sốt ruột đòi về, nhưng tôi chưa cho về, tôi phải đến tận nhà gặp trực tiếp ông chồng, trò chuyện để ông ấy hiểu ra rằng BLGĐ là không nên như thế nào. Khi ông chồng đã hiểu, tôi mới cho chị vợ rời khỏi địa chỉ tin cậy trở lại nhà để tránh việc bạo lực tái diễn”.
Nói về nhận thức BLGĐ và các địa chỉ tin cậy ở địa phương, chị Ngô Thị Nga, Hội Phụ nữ xã Phật Tích cho biết, bạo lực gia đình đã có từ lâu nhưng trước kia khi chưa có luật, mọi người đều nghĩ đây là chuyện riêng của gia đình nên không ai can thiệp.
Kể từ năm 2007 khi Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời và có hiệu lực năm 2008 thì phụ nữ đã dám lên tiếng và được địa chỉ tin cậy bảo vệ. Người dân thấy vụ BLGĐ, nếu không dám can thiệp thì cũng biết gọi điện đến Công an xã, Hội Phụ nữ.
Về phía tỉnh, chị Nguyễn Thị Hằng, Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định, kể từ khi kế hoạch phòng, chống BLGĐ được triển khai, từ chỗ chưa hiểu, cam chịu, coi chuyện BLGĐ là chuyện riêng thì giờ đây đã hiểu được nguyên nhân, hậu quả của BLGĐ và quan trọng hơn là biết cách phòng chống BLGĐ.
Đối tượng gây ra BLGĐ cũng hiểu rõ được hành vi của mình là vi phạm pháp luật để từ đó thay đổi. Nạn nhân của BLGĐ được hỗ trợ học nghề, nhiều chị em có thu nhập ổn định và làm chủ kinh tế trong gia đình…
“Ngôi nhà Bình yên”- một mô hình tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. |
Nơi nào có mô hình, nơi đó ít bạo lực
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái tại hội nghị “Sơ kết chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tổng kết Kế hoạch hành động phòng chống BLGĐ giai đoạn 2008-2015”.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, sau 3 năm thực hiện thí điểm tại 64 đơn vị cấp xã của 63 tỉnh thành, mô hình phòng chống BLGĐ đã được chuẩn hóa và tổ chức trên toàn quốc. Mô hình là sự kết hợp hoạt động của Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững với Nhóm phòng chống BLGĐ và Địa chị tin cậy tại cộng đồng nên khi triển khai đã đem lại hiệu quả trên cả ba phương diện: phòng BLGĐ; chống, ngăn chặn và chấm dứt, xử lý kịp thời hành vi BLGĐ; hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
“Chỉ số đo về số vụ BLGĐ hàng năm của mỗi tỉnh, thành phố cho thấy tính hiệu quả của mô hình. Tính chung trên phạm vi toàn quốc, số liệu thống kê các tỉnh cho thấy số vụ BLGĐ năm sau thấp hơn năm trước. Địa phương nào có nhiều mô hình thường xuyên hoạt động thì số vụ BLGĐ xảy ra ít hơn so với địa phương có ít mô hình” – Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ VH-TT&DL cho thấy hiện toàn quốc có 33.192 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 26.558 Nhóm phòng chống BLGĐ và 19.812 Câu lạc bộ Xây dựng gia đình bền vững, để từ đó số vụ BLGĐ được đưa ra tòa án xét xử là 3.263 vụ; số vụ xử phạt vi phạm hành chính là 1.131 vụ; số vụ xử lý hình sự là 398 vụ; số vụ việc cấm tiếp xúc là 348 vụ; số vụ việc hòa giải, tư vấn, góp ý, giáo dục là 30.255 vụ.
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đề ra 2 mục tiêu lớn và trong đó bao gồm rất nhiều chỉ tiêu nhỏ. Đánh giá việc thực hiện công tác gia đình giai đoạn 2011-2015, Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho biết, hàng năm trung bình giảm từ 10-15% hộ có BLGĐ.
Có 33 tỉnh, thành báo cáo đạt, vượt chỉ tiêu, tuy nhiên theo Vụ Gia đình, các địa phương đạt chỉ tiêu không có nghĩa là BLGĐ ít hơn các địa phương khác. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 63 tỉnh thành về số vụ BLGĐ giai đoạn 2008-2015 thì tổng số vụ BLGĐ là 258.213 vụ, nạn nhân BLGĐ hơn 70% là phụ nữ, 15% là trẻ em và 10% là người già.
So sánh các dữ liệu trên để thấy, công cuộc “chặn tay vũ phu” đã, đang và sẽ còn kéo dài và rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.