Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), vấn đề trong hoạt động nuôi nhốt hổ dường như chưa bao giờ hết nóng trong những năm gần đây. Đầu năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giao Nguyễn Mậu Chiến nuôi thí điểm vì mục đích nghiên cứu bảo tồn 12 cá thể hổ bị phát hiện nuôi nhốt bất hợp pháp tại cơ sở của đối tượng ở địa phương. Cho đến nay, ngoài 1 cá thể hổ chết được ghi nhận vào tháng 12/2008, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động (không có hổ con sinh mới hoặc chết đi).
Tuy nhiên, trong quá trình liên tục theo dõi và cập nhật biến động tại cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng, ENV cũng đã thu thập được nhiều bằng chứng hình ảnh cho thấy các đặc điểm định dạng của các cá thể hổ được nuôi nhốt đã có nhiều thay đổi. Thêm vào đó, sau khi bị bắt ngày 27/4/2017 với tang vật 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài động vật hoang dã (ĐVHD) khác, ENV được biết các đối tượng đã khai nhận 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến.
Chính vì vậy, ENV nghi ngờ cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến thực chất chỉ đóng vai trò “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài ĐVHD khác mà không hề phục vụ mục tiêu nuôi thí điểm “bảo tồn” hổ như UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra. Do đó, từ đầu tháng 5/2017, ENV đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến.
ENV cho rằng đã đến lúc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi nhốt hổ. Trong năm 2007, cả nước có 5 cơ sở được phép nuôi nhốt hổ thì hiện nay, con số đó hiện nay đã lên đến 13 cơ sở nuôi nhốt hổ tư nhân (không bao gồm các vườn thú và trung tâm cứu hộ thuộc sự quản lý của Nhà nước). Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về điều kiện thành lập cũng như quy định trong quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt hổ và các loài nguy cấp, quý, hiếm khác. Chính điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng việc nuôi nhốt hổ để hợp pháp hóa các cá thể hổ buôn bán bất hợp pháp.
Theo ENV, Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép cũng như quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như hổ. Việc cấp phép nuôi nhốt hổ hay các loài nguy cấp, quý, hiếm khác chỉ nên giới hạn vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục cho các cơ sở đáp ứng những yêu cầu cụ thể theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng địa phương cần kiên quyết thu hồi giấy phép nuôi nhốt hổ của các cơ sở có nghi ngờ liên quan đến hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp hoặc không đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật. Chỉ có như vậy mới tránh được những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra cũng như tạo điều kiện bảo tồn hổ và các loài nguy cấp, quý, hiếm khác tốt nhất trong tự nhiên.