Luẩn quẩn phận đời 3 mẹ con cùng mắc bệnh nan y

Ba người dựa vào nhau sống cho qua ngày
Ba người dựa vào nhau sống cho qua ngày
(PLO) - Bà Nguyễn Thị Đông (51 tuổi, trú tại thôn Quýt I, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa cắn răng đeo trên mình hàng loạt cục thịt, khối u vừa một tay cáng đáng gia đình. Bà là chỗ dựa duy nhất cho người chị gái nhỡ nhàng quá tuổi cùng cậu con trai mắc chứng bệnh thiếu xương mác cổ chân. Không biết chữ, không nơi nương tựa, bà rơi vào cảnh thân già mù lòa, bệnh tật…
Lá rách nhiều đùm… lá rách chằng chịt
Ấn tượng của chúng tôi khi bước vào căn nhà là những đồ đạc lỉnh kỉnh xếp kín quanh các góc. Đồ vật giá trị nhất của gia đình bà Đông chỉ là chiếc ti vi cũ cùng vài tấm ván kê để đặt những thứ đồ vật cũ nát vẫn được bà giữ từ vài chục năm nay. 
Tiếng kêu rên phát ra từ căn nhà nhỏ thấp lè tè, chúng tôi vội vã bước vào thềm. Trên chiếc giường cũ kỹ với những tiếng cọt kẹt chừng như có thể gãy bất cứ lúc nào, xung quanh là bộn bề chăn màn, quần áo chất kín mít, một bà lão mù một bên mắt đang nằm co quắp rên la đau đớn. Kế bên, cậu bé 13 tuổi vội vàng tìm chai thuốc. 
“Mẹ có đau lắm không? Con tìm thuốc xoa cho mẹ nhé”. Vừa dứt lời, cậu kéo chai thuốc màu đục từ dưới góc tấm ván lên rồi ngồi xoa khắp người cho mẹ. Sau một hồi xoa bóp, có lẽ cơn đau đã cắt, bà mở đầu câu chuyện: “Số tôi nó khổ, nhà nghèo mà quanh năm bệnh tật, một người bệnh đã đành, đằng này cả ba  người bệnh cùng bám víu vào nhau”. 
Dứt lời, bà Đông cố nhổm dậy. Chốc chốc, bà lại hướng ánh mắt dõi ra phía cổng, đợi người chị đi mò ốc về.
Vào thăm gia đình bà trong một ngày mưa tầm tã nhưng bà Nguyễn Thị Đương (66 tuổi), chị gái bà Đông vẫn mải miết mò ốc ngoài đồng. Phải tới cuối buổi chiều mới thấy bà về nhà cùng với chiếc chậu đựng vài cân ốc, mấy cây rau trong bộ dạng người ướt nhẹp. 
Mưa dai dẳng, kéo dài nhưng bà Đương cũng chỉ có sơ sài một manh áo mưa cũ che chưa đủ kín người cùng chiếc nón gãy vành, méo xẹo mà với người khác thì có lẽ chúng đã bị bỏ đi từ lâu. 
Bà Đương bảo: “Ngày nào nhiều ốc cũng được đôi ba chục nghìn, có ngày chỉ vài nghìn nhưng vẫn phải mò để có thêm vài đồng”.
Rồi bà Đông lại kể về cuộc đời nhọc nhằn của mình, khi bà được ba tuổi thì mẹ mất, một mình cha “gà trống nuôi con”. Mới lên tám, bà đã phải xa gia đình đi làm giúp việc nơi đất khách quê người. Từ khi mới sinh, bà mắc chứng gù lưng bẩm sinh cùng với căn bệnh u thần kinh.
Bà bảo: “Ban đầu nó chỉ là cái bọc con bằng đầu đũa, nhưng càng về sau càng sưng to. Cục thịt to nhất nằm trên mắt trái lấp gần hết cả mặt." May mắn vào cuối năm 2014, bà được anh em họ hàng, bà con trong xóm thương cảm cho vay mượn ít tiền ra bệnh viện phẫu thuật. 
Sau một thời gian chữa trị, cục u đã giảm đi nhưng cũng mãi mãi cướp đi ánh sáng trên mắt trái của bà. Rồi bây giờ không hiểu sao khắp cơ thể bà Đông lại xuất hiện những u nhỏ ngày đêm đau nhức, khổ sở vô cùng. Mọi người khuyên đi khám nhưng bà sợ tốn kém nên nhất định không đi. 
Người đàn bà mù lòa nghẹn ngào chia sẻ: “Bây giờ tôi mà vào bệnh viện thì kiểu gì cũng ra vài ba bệnh, mà những bệnh này chắc tốn kém nhiều tiền lắm. Mười nghìn đồng trong túi có lúc còn không có thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh”. 
Lúc nào cũng đinh ninh như thế nên mấy chục năm nay, người phụ nữ này đã chấp nhận sống chung với những khối u, cục thịt, đau xương khớp mãn tính, thoái hóa cột sống... mà không dám kêu than nửa lời. 
Cuộc sống khổ cực, bà Đông vẫn phải tự gồng lên, vượt qua những cơn đau để lo bữa cơm cho chị gái bệnh tật và cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi học, mong sau này cậu con đỡ đần hai chị em bà lúc về già. 
Nhưng số phận như trêu ngươi, đứa con trai Nguyễn Văn Mạnh (13 tuổi) từ khi sinh ra mắc căn bệnh dị tật cổ chân, thiếu xương mác nên việc di chuyển, vận động rất khó khăn, thường xuyên ngã nhào, gãy chân liên tục, thậm chí phải nhờ các bạn cùng làng cõng đến trường. 
Mới đây, nhờ anh em hàng xóm, bà Đông đã đưa Mạnh ra viện phẫu thuật, nhưng hàng tháng em vẫn phải ra viện để khám, điều trị đều đặn. Nhìn đứa con gầy còm ngồi trên ghế, mặt nhăn nhó vì những cơn đau ở chân do vừa phẫu thuật, bà Đông nước mắt lã chã rơi: 
“Tôi phải đặt cọc tất cả nhà đất để lo vay mượn được 50 triệu đi phẫu thuật cho con. Nợ chưa trả được đồng nào nhưng vẫn hy vọng thằng bé khỏi chân để đi học theo kịp bè bạn. Đời tôi và chị gái khổ cực nhiều rồi, mong sao sau này thằng bé bớt khổ hơn chúng tôi”.
Lưng còng, mắt trái mất khả năng nhìn thấy ánh sáng nhưng bà Đông là chỗ dựa cho chị gái và cậu con trai bệnh tật
Lưng còng, mắt trái mất khả năng nhìn thấy ánh sáng nhưng bà Đông là chỗ dựa cho chị gái và cậu con trai bệnh tật
“Biết bao giờ chúng tôi 
hết khổ”
Cuộc sống của ba con người bệnh tật đó chỉ dựa vào mấy trăm nghìn tiền phụ cấp người tàn tật hàng tháng cùng với 2 sào ruộng cấy lúa mỗi năm. Những năm trước còn khỏe mạnh, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà Đông đằm mình ngoài cánh đồng. 
Nhiều hôm trời nắng, làm đồng mệt nhưng bà vẫn cặm cụi cố cho xong, không ít lần người dân trong thôn phải chở bà về nhà với bộ dạng mặt tím tái. Sức khỏe ngày càng yếu, bà được anh chị em họ hàng làm giúp trong những buổi ngày mùa.
Bà Nguyễn Thị Chí (thôn Quýt I) xót xa nói về hoàn cảnh gia đình bà Đông: “Tội lắm, thương họ lắm nhưng chúng tôi cũng nghèo khó nên chẳng giúp được nhiều cho gia đình bà ấy. Thằng Mạnh ngoan ngoãn, học giỏi nhưng gia đình thiếu thốn nên không theo học bằng bạn được, nhiều lúc nhìn chân nó đau mà thấy xót thương. ”.
Vừa đun nồi cơm trong căn bếp lụp xụp, chật chội, bà Đông bùi ngùi nói: “Những lúc bệnh nặng, người đau nhức, tôi chỉ muốn đầm mình ngoài cánh đồng cho xong nhưng nghĩ cảnh chị gái khổ cực, con trai bệnh tật ở nhà tôi lại không thể bỏ đi. 
Bao giờ cho đỡ khổ cô nhỉ? Cả nhà giờ chỉ còn hai con chó nhỏ với vài con gà, đang mong bán được chúng đi để lấy ít tiền mua thức ăn tẩm bổ cho đứa con mới đi phẫu thuật về”.
Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh nhà bà Nguyễn Thị Đông, ông Phùng Văn Vận - Trưởng thôn Quýt I cho hay: “Gia đình nhà cô Đông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, éo le trong thôn. Nhà có ba người thì cả ba người đều mắc bệnh nan y. 
Cháu Mạnh vừa đi phẫu thuật chân do mắc bệnh thiếu xương mác cổ chân về nhưng cũng không có điều kiện tẩm bổ nên cháu  ốm yếu, còm nhom, có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Hàng xóm chúng tôi thường xuyên thấy cảnh ba người trong gia đình họ đi khắp làng vay mượn từng cân gạo về nấu nướng mà không khỏi xót thương, chạnh lòng”.
Cuộc sống nghèo khó của gia đình họ cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác với bữa no, bữa đói phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền đi mò ốc của hai chị em bà Đông cùng những cây rau nhà tự trồng. Hôm nào khá thì có tiền mua bìa đậu, con cá nhỏ, hôm thì ăn vài con ốc mò được, hôm thì ăn rau trừ bữa. Ba người bệnh tật cứ nương tựa vào nhau để sống qua ngày. 
Bà Đông kể, nhiều bữa muốn mua ít thịt nạc nấu cháo cho chị gái ốm phải nằm liệt giường nhưng không có tiền nên chỉ mua được ít thịt mỡ. Hàng ngày người mẹ già, bệnh tật này chỉ biết thỉnh cầu cho chị gái cùng cậu con trai tội nghiệp của mình đỡ đau ốm. 
Bởi bà lo sợ không biết mai này khi bà mất đi thì họ biết nương tựa vào ai.
Mọi hảo tâm giúp đỡ dành cho gia đình bà Nguyễn Thị Đông, bạn đọc gần xa vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Đông, thôn Quýt I, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hoặc liên hệ theo số điện thoại: 01692436099.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.