Bảo Thanh:Hạnh phúc phải đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt

Bảo Thanh:Hạnh phúc phải đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt
(PLO) - "Tôi tin rằng: Hạnh phúc có được của ngày hôm nay phải đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt của ngày hôm qua. Vì không phải con đường nào đi tới thành công cũng trải toàn hoa hồng...”, nữ diễn viên của "Trò đời" Bảo Thanh chia sẻ.
Bảo Thanh là nghệ danh của cô gái của cô gái tuổi Ngọ có tên là Vũ Phương Thanh. Đó là tên ghép của “Bảo” con trai cô và “Thanh” tên cô. Thanh nói, cái tên đó phù hợp với mình và cũng đem lại cho cô nhiều may mắn. Ghi dấu ấn trong lòng công chúng với vai diễn Nụ (Vào Nam ra Bắc), y tá Mai (Những người viết huyền thoại), sen Đũi - Mộng Đài (Trò đời), Diệp (Người chồng điên), Châu Ngọc (Ba ơi mẹ có về không)... Chẳng chua ngoa, đanh đá như trên màn ảnh, ngoài đời Bảo Thanh cởi mở, thẳng tính và hay cười. Mỗi khi nhắc đến gia đình nụ cười của cô luôn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào về tổ ấm nhỏ của mình...
Khối rubic đa chiều
Bảo Thanh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Bố mẹ Thanh ngày trước là diễn viên tuồng của Đoàn tuồng Hà Bắc, sau đó chuyển về Đoàn chèo. Với cô diễn viên gốc Bắc Giang này thì bố mẹ chính là hai người có ảnh hưởng nhiều nhất tới sự nghiệp của cô. Bố mẹ là người cho Thanh năng khiếu và máu nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Ngày bé, Thanh được mẹ dạy hát múa và được bố dạy cho cô đạo làm nghề.
Thanh bén duyên với nghề từ khá sớm, khi mới 8 tuổi, cô đã được đạo diễn Phi Tiến Sơn mời đóng vai Nụ trong bộ phim “Vào Nam ra Bắc”. “Năm ấy, tôi đang chơi ở sân đoàn cùng các bạn ở cơ quan của bố mẹ, tự nhiên có một bác tiến đến và hỏi: “Cháu có thích đóng phim không?”. Tôi đồng ý ngay tắp lự mà không cần hỏi ý kiến bố mẹ. Lần đầu đóng phim lại phải xa nhà có nhiều bỡ ngỡ nhưng Thanh được các cô, các chú hướng dẫn, chỉ bảo tận tình nên cũng quen. Ngày ấy đi đóng phim vui lắm, tôi diễn theo bản năng, không màu mè, tô vẽ. Cũng nhờ có đạo diễn Quốc Tuấn (Thanh vẫn thân mật gọi bằng bố Tuấn) mà vai diễn của tôi khi ấy đóng khá đạt”, Bảo Thanh chia sẻ.
Dù là vai diễn đầu tay, lại là vai phụ nhưng Thanh lại ẵm ngay giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” khi bộ phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. “Năm đó tôi 11 tuổi, được các cô chú trong đoàn làm phim đón vào Vinh để nhận giải. Vào đó, trời lạnh mà tôi lại quên không mang theo đồ nên được vợ của đạo diễn Phi Tiến Sơn mua tặng một chiếc áo len. Đang ngồi cùng mọi người thì nghe thấy tên mình được giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” khiên tôi lắp bắp hỏi mọi người xung quanh: “Ơ, cháu á? Cháu á?”. Rồi đến khi lên sân khấu nhận giải mà tôi vẫn tim đập, chân run, miệng lắp bắp không biết nói gì. Đó là kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi”, Bảo Thanh hồ hởi kể lại.
Những năm học THCS, Thanh được mời đóng các phim “Những con đường”, “Những đứa con vùng đồi”... Vì phải thường xuyên đi quay phim nên cô được các thầy cô tạo điều kiện hết mức để được thỏa sức với đam mê. Nói thế không có nghĩa là Thanh được phép lười học, Thanh luôn tự nhủ bản thân mình càng phải cố gắng học hành hơn. Bởi có như thế mới không phụ lòng các thầy, các cô đã tạo điều kiện, ưu tiên cho mình.
Hết THPT, Thanh làm thủ tục thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, sau đó quyết định theo học ngành Diễn viên: “Nhớ lúc đó quanh mình, bạn nào đi thi cũng trang điểm đẹp, xinh xắn, cao ráo mà nếu so sánh điều đó thì tôi thua đứt. Khi ấy tôi ăn mặc giản dị, không son phấn nên đi thi cũng hơi tự ti. Lúc đầu, đã ướm cho mình đôi giày cao gót để thêm tự tin nhưng sau đó thấy cứ vướng víu thế nào nên rốt cuộc đành vứt guốc lại sau cánh gà và đi chân đất lên sân khấu diễn trước ánh nhìn ngạc nhiên của mọi người”, nữ diễn viên cho hay.
Một tháng sau, biết có kết quả, cô ra quán internet gần nhà để kiểm tra. “Khi thấy tên mình trong danh sách, tôi sung sướng hét ầm cả quán lên chạy thẳng nhà báo tin cho bố mẹ. Mọi người sau còn trêu, chắc tôi thi đỗ do giản dị và chân chất”, Bảo Thanh đùa vui chia sẻ.
Năm thứ hai đại học, Thanh bắt đầu được các đạo diễn chú ý và mời đi đóng phim. Bộ phim “Đi qua ngày biển động” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Thanh vào vai một cô tiểu thư nhà giàu bị gia đình bạn trai ngăn cấm. Khi bị tai nạn, chấn thương, cô được đưa ra một hòn đảo để nghỉ ngơi và ở đây, cô tìm thấy hạnh phúc đích thực của mình. Rồi không lâu sau đó, Bảo Thanh tiếp tục được đạo diễn Bùi Quốc Việt mời vào vai chính trong bộ phim “Nốt nhạc con gái”. 
Đến năm 2010, Thanh thi Miss Sân khấu Điện ảnh và đạt giải Á khôi. Sau đó, cô tiếp tục “ẵm” giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ của Khoa Sân khấu trường Đại học Sân khấu Điện ảnh với vai Phồn Y - trích đoạn trong vở Lôi Vũ. Thanh luôn cho rằng mình may mắn, bởi lẽ, khi ấy cô không đăng kí thi, chỉ là diễn hộ một anh bạn trong lớp. Nhưng khi thi xong, có một chị trong lớp thấy Thanh diễn hay quá, nên ngấm ngầm ghi tên cô vào danh sách. “Diễn hộ nên Thanh diễn hết mình, tưng bừng thoải mái lắm nên “bỗng dưng” được giải thì sung sướng lắm”.
Luôn cháy hết mình với nghề
Cô diễn viên trẻ thừa nhận, bản thân cô ưa cuộc sống bình lặng nhưng Thanh không phải là người đứng một chỗ chờ cơ hội đến. Với cô được mời vai, ở nghề này, đôi khi phải cần có cái duyên nữa. Thanh không ôm đồm, cũng không theo kiểu phim nào cũng đóng, đạo diễn nào mời cô cũng nhận. “Với tôi, mỗi khi nhận được một lời mời đóng phim, việc đầu tiên tôi làm là đọc kịch bản trước, xem nhân vật ấy có hấp dẫn, có phù hợp với bản thân mình hay không. Nếu tôi thấy nó phù hợp với mình thì dù là vai chính hay vai phụ tôi cũng nhận hết”.
Khi đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mời Thanh đóng vai chính là cô văn công Bảo Hà (sau do Tăng Bảo Quyên đóng) trong phim “Những người viết huyền thoại”, cô đã xin được đóng vai thứ là cô y tá Mai. Đạo diễn rất ngạc nhiên, thậm chí mắng cô ngốc, nhưng Thanh không hối hận mà quyết tâm cho mọi người thấy là bản thân cô hợp với những pha rượt đuổi và đấu súng quyết liệt. Niềm đam mê với các cảnh quay hành động của cô cuối cùng cũng đã thuyết phục được đạo diễn. “Tất cả những cảnh bắn súng, nhào lộn, đánh võ trong phim đều là do Thanh tự làm hết. Mình thích mẫu những nhân vật hành động, dù có đánh đấm gì thì nhân vật cũng phải có số phận”, nữ diễn viên trẻ hào hứng kể lại.
Rồi trong quá trình quay phim “Những người viết huyền thoại” thì Thanh được gọi tới để casting (thử vai) phim “Trò đời” nhưng vì phim quay tận Hà Tĩnh nên cô từ chối. Hai tháng sau, đoàn phim vẫn chưa casting xong nên tiếp tục gửi kịch bản và gọi Thanh lên thử vai. “Đêm đó, tôi đọc một mạch 30 tập kịch bản và thực sự ấn tượng với nhân vật Đũi. Không phải quá tự tin nhưng tôi cứ nghĩ, vai diễn này sinh ra là để dành cho mình và nếu tôi được diễn vai này thì sẽ hay lắm. Nghĩ vậy, nên sáng hôm sau, tôi chủ động xin với đạo diễn Nhuệ Giang cho thử vai này. Thế nhưng, cô Giang một mực cho rằng, tôi chỉ hợp với nhân vật Hĩm (sau do Thúy An đóng). 
Rất may lúc ấy, đạo diễn Thanh Vân có mặt ở đó và nói đỡ: “Giang đừng có áp đặt suy nghĩ của mình lên diễn viên như thế, cứ để cháu nó diễn đi đã” và lúc đó tôi đã có cơ hội. Khi tôi diễn xong vài phân đoạn thì cô hóa trang trong đoàn cũng vừa tới, nhìn thấy tôi, cô đã reo lên: “A, con Đũi đây rồi” rồi lôi tôi vào make-up để chụp ảnh”. Rồi đến khi đang trên đường về nhà thì nhận được điện thoại báo tôi được nhận vào vai Đũi mà tôi cứ vui mãi”, nữ diễn viên kể lại.
Nhân vật sen Đũi - Mộng Đài do Bảo Thanh thủ vai là một trong những điểm nhấn của bộ phim. Đũi là nhân vật cải biên so với các nguyên tác của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đây là nhân vật hư cấu với số phận một cô thôn nữ bị đẩy lên thành thị, bị lôi kéo vào những trò nhố nhăng của xã hội. Sau cùng cô cũng đã trở lại với chính con người thực của mình.
Diễn xuất của Bảo Thanh trong phim đã thể hiện được hình ảnh và nội tâm nhân vật sen Đũi ở hai giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Cá tính của một con sen hoàn toàn khác với tính cách của một bà chủ. Và để vào vai cho “ngọt” nhất, Bảo Thanh phải học thêm cả hát ca trù. Thanh chia sẻ, vai sen Đũi không mang lại cho cô giải thưởng nhưng đã giúp cô có một chữ đứng nhất định trong giới chuyên môn, khiến mọi người có cái nhìn khác về cô.
Thanh nói chuyện đôi lúc có phần “tưng tửng”, thẳng tính và không màu mè. Tự nhận mình là một người không toan tính quá nhiều hay quá sâu xa, Thanh chỉ là một diễn viên yêu nghề đơn thuần, nếu đọc kịch bản thấy hợp thì sẽ diễn vai hết mình. Cô tự nhận mình vài vai tiểu thư cũng được mà thôn nữ cũng xong. Đúng thật, Bảo Thanh vào vai Trâm trong “Giọt nước rơi” của đạo diễn Bùi Quốc Việt đầy cảm xúc. Trâm là một cô thôn nữ hiền lành, chân chất, lên thành phố kiếm sống để nuôi người yêu. Đau đớn khi bị người yêu phụ tình để chạy theo cô gái nhà giàu, Trâm sống buông thả và trở thành gái làng chơi. Cuộc đời của Trâm trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm, đau đớn và tủi nhục. 
Bảo Thanh đã thể hiện thành công vai diễn một cô gái lạnh lùng, mạnh mẽ, bất cần đời nhưng bên trong luôn khao khát yêu thương. Dù “chạy” 2 phim cùng lúc nhưng cô luôn dành hết tâm huyết, nên khi phim được phát sóng, Thanh chưa bao giờ cảm thấy hối hận bởi vì vai diễn nào cô cũng đã làm hết mình.
Dường như chẳng kịp nghỉ ngơi, ngay sau đó Thanh nhận được lời mời đóng vai chính trong phim “Người chồng điên” của đạo diễn Quách Khoa Nam. “Tôi thích những vai diễn nhiều màu sắc. Sở trường của tôi là đóng các vai phản diện nên không cảm thấy khó khăn khi hóa thân vào vai Ngọc Diệp - một người tham lam và cơ hội. Vì muốn thoát cảnh nghèo khó nên đã dùng mọi thủ đoạn để về làm dâu trong gia đình giàu có nhằm chiếm đoạt hết tài sản. Nhưng cuối cùng Diệp đã phải trả giá đắt cho những hành động độc ác và tội lỗi của mình”.
Hai tháng xa nhà quay phim ở Đà Lạt là những tháng ngày Thanh sống cùng với nhân vật. Có những phân đoạn, diễn xong mà cô vẫn ngồi khóc rưng rức. Vai diễn đầu tiên thử sức ở môi trường mới nhưng lại mang đến cho Bảo Thanh danh hiệu “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” của Cánh diều vàng 2014. 
Bảo Thanh “khoe” cô cũng có rất nhiều “đất diễn” khi hóa thân vào vai Châu Ngọc trong phim “Bố ơi, mẹ có về không?”. Cuộc sống của Ngọc gần như hoàn hảo với một công việc tốt đẹp, gia đình bề thế và anh người yêu hào hoa, lịch thiệp. Mọi chuyện bỗng nhiên đổi thay, cuộc đời của cô tiểu thư lá ngọc cành vàng như thay đổi hoàn toàn sau một vụ tai nạn bất ngờ. Sau khi tỉnh dậy, cô bị mất trí nhớ do chấn động mạnh. Vai diễn với những chuyển biến tâm lý phức tạp, Bảo Thanh đã diễn khá “ngọt”.
Làm phim với Thanh không phải là kiểu “chỉ tay, bảo việc” rằng phải làm thế này, diễn thế kia. Mà cô luôn tự tìm ra cách diễn phù hợp nhất cho nhân vật của mình, thậm chí có những đoạn chưa hài lòng, cô còn xin đạo diễn sửa lại kịch bản. Chính sự chuyên nghiệp và đầu tư cho nhân vật như thế nên Bảo Thanh luôn có “chất” riêng trong diễn xuất. Đến người khó tính như đạo diễn - NSND Khải Hưng cũng đã phải mắt rưng rưng, rồi liên tục khen hay khi xem Thanh diễn một phân đoạn trong vai Quỳnh trong bộ phim mới “Hợp đồng hôn nhân” của ông. Nhiều người còn đùa vui rằng “được Khải Hưng khen thì Bảo Thanh đã đạt đến một “level” mới”. 
Không chỉ được giao những vai diễn “nặng ký” trên màn ảnh, Bảo Thanh còn được giao trọng trách đảm nhiệm những vai diễn lớn tại Nhà hát Tuổi trẻ. “Tôi may mắn được tin tưởng giao cho những vai diễn lớn như Tuyên Phi Đặng Thị Huệ trong vở “Công lý không gục ngã” của đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang, hay như Diệp trong “Ai là thủ phạm”... Đó quả thật là niềm hạnh phúc rất lớn nhưng cũng là một áp lực không hề nhỏ. 
Thanh bảo, có lúc cô tưởng như mình không làm được. Nhưng rồi khi đọc và nghiên cứu về nhân vật, cùng tập và cùng diễn với các nghệ sĩ lão làng như NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê... cô đã học hỏi được rất nhiều. Với cô, đó là những ngày tháng khó khăn nhưng rất huy hoàng. 
“Tôi may mắn được là học trò của NSND Lê Khanh. Mẹ Khanh dù có bận rộn cũng chưa từng bỏ chúng tôi, lúc nào cũng theo sát, chỉ bảo, dạy dỗ và quan tâm các con từng tí một. Còn nhớ đợt tập luyện vai Tuyên Phi Đặng Thị Huệ. Mẹ bận lắm nhưng vẫn dành thời gian để chỉ bảo cho tôi. Có hôm vừa đi quay talkshow về. Mẹ vẫn diện nguyên bộ áo dài chạy vội vàng về để tập cùng tôi. Nắn cho tôi từng câu chữ, từng bước đi. Tôi biết ơn mẹ nhiều lắm!”, Bảo Thanh xúc động nói.
Với Thanh, những đêm diễn thăng hoa trên thánh đường cùng những tiếng vỗ tay, reo hò, cùng nước mắt của khán giả đồng nghĩa là cô đã hoàn thành vai diễn của mình. Dù có thể nó chưa được như sự mong mỏi của tất cả mọi người nhưng cô đã cố gắng hết sức mình thì cô sẽ không ân hận. Đây cũng là hai vai diễn đem về cho Thanh huy chương Bạc của Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp Toàn quốc và Liên hoan Sân khấu hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân.
Bảo Thanh nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Cánh diều 2014.
Bảo Thanh nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Cánh diều 2014. 
Nữ diễn viên “Trò đời” cho rằng, nghề diễn luôn bị bủa vây bởi những xa hoa ảo tưởng, nhưng cám dỗ thì... thật. Tiền bạc, của cải vật chất là những cám dỗ lớn, mãnh liệt và không trừ một ai. Danh vọng là một cám dỗ cũng mạnh mẽ không kém. 
“Trong cuộc sống này không ai là không cần tiền nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng vào bản thân mình. Tự thấy bản thân mình đã có một cuộc sống “đủ” nên không có gì cám dỗ được. Người ta chỉ dễ sa ngã khi người ta tham vọng, ham muốn nhiều thứ quá tầm tay với. Với tôi, làm nghề là sống cùng với nghề, yêu nghề và cháy hết mình với nghề. Tôi vẫn nhớ như in lời bố tôi dạy khi tôi mới “chập chững” vào nghề rằng: “Làm nghề là phải đứng đắn dù cho cuộc sống của mình có vất vả, không có tiền đi chăng nữa thì làm nghề không được phép không có đạo đức. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và vẫn nghe theo lời bố”.
Nhắc đến bố, giọng Bảo Thanh nghẹn lại. Cô kể, bố cô mất khi cách đây 4 năm, những kỷ niệm về bố luôn ấm áp trong lòng cô. “Bố Thanh làm nghề cho đến lúc mất. Khi bố mất, tôi đang nằm ở nhà, thì chị dâu báo tin bố đang cấp cứu, vào đến nơi bố đã mất rồi. Bố mất, tôi cũng bị mất cân bằng mất một thời gian. Ngày bố mất, tôi chưa làm được gì nhiều cho bố. Cuộc đời bố Thanh vất vả, bố dạy tôi nhiều điều và cho đến bây giờ tôi vẫn luôn nhớ, vẫn nghe lời bố...”.
Giọng cô trùng xuống khi nhắc đến bố, khiến bản thân tôi lòng cũng như thấy có lỗi. Thanh nói, cô sẽ theo nghề đến khi nào không theo được nữa thì thôi. Dù giàu hay nghèo vẫn sẽ luôn nhớ lời dạy của bố, để ông có thể hãnh diện về cô con gái nhỏ của mình, và cô cũng không khiến mẹ cô phải xấu hổ với mọi người. 
Hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ
Bảo Thanh kể, đúng vào lúc sự nghiệp đang mở rộng thênh thang thì cô lấy chồng và sinh con, lại vừa tốt nghiệp đại học. Có thể với mọi người, đó là một quyết định vội vàng nhưng với Bảo Thanh đó là quyết định đúng đắn. 
Cô tâm sự: “Tuy theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng đó là số phận của tôi, mọi thứ đến tôi sẵn sàng đón nhận. Lấy chồng và sinh con đều là do duyên số, là của trời cho. Không thể phủ nhận rằng có nhiều ước mơ và dự định đã bị tan biến. Nhưng đó lại là một bước ngoặt đúng đắn của tôi. Có gia đình, tôi được nhiều hơn mất. Tôi chín chắn hơn trong suy nghĩ và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Nhất là trải nghiệm làm mẹ. 
Tôi thấy đó là một điều vô cùng thiêng liêng và tuyệt vời. Có gia đình, tôi có thêm rất nhiều điều may mắn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Tôi cho rằng đó là ưu ái của ông trời giành cho mình. Tôi hy sinh cái nhỏ nhưng lại được nhiều cái lớn. Thế thì không thiệt thòi. Bởi lẽ, có chồng, có con, nhiều cảnh tôi chẳng cần diễn, chỉ đưa cảm xúc thật của bản thân mình vào là đủ”.
Mỗi khi nhắc về gia đình, Thanh luôn nói với giọng hồ hởi và ánh nhìn như đang cười. Cô hạnh phúc vì có một người chồng tâm lý, chiều vợ, luôn sẵn lòng cho cô được thỏa sức với nghiệp diễn. “Chồng luôn tạo điều kiện cho tôi đi làm, đi diễn. Vì hai vợ chồng ở Hà Nội và Bắc Giang nên anh là người thay tôi cặm cụi trông con, làm mọi việc nhà. Anh luôn biết tôi cần gì, hiểu và tôn trọng công việc của tôi”.
Được chồng thông cảm, nhưng đôi khi, cảm giác xa nhà, nhớ con da diết là không thể tránh khỏi. “Đi làm không sao chứ cứ về tới phòng là tôi lại mở iPad xem hình và clip của con. Hôm nào đi quay về sớm, tôi lại gọi điện nói chuyện với con cho đỡ nhớ. Tôi thấy mình được ông trời ưu ái cho mình quá nhiều thứ. Một người chồng tâm lý, luôn ủng hộ vợ hết mực, một đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu. 
Cũng vì công việc bận rộn, tôi thường xuyên phải xa nhà. Có hôm diễn xong, tôi chạy xe về nhà giữa đêm để được ôm con. Về tới nhà, con cũng ngủ rồi. Tôi chỉ được ôm con buổi sáng rồi chiều tối lại chạy đi diễn tiếp. May mắn là Bin (tên gọi ở nhà của con trai Bảo Thanh) cũng đã lớn và đi học mẫu giáo. Mẹ tôi cũng ở gần nên có người chăm sóc cho bé, tôi cũng yên tâm phần nào”.
Trong suốt buổi trò chuyện, tôi thấy Thanh nhắc nhiều đến chồng và luôn nhắc với niềm yêu thương xen lẫn sự hài lòng, hạnh phúc. Cô bảo, có một người chồng hiểu mình, yêu mình mới là hạnh phúc lớn của một người phụ nữ mà không tiền bạc nào mua được. 
“Cuộc đời này đều tự nhiên đến, ai cũng sẽ có hạnh phúc nếu họ tìm được đối tượng để gắn kết trọn đời. Chỉ cần mình giang tay đón nhận khi hạnh phúc đến mà thôi, đừng bao giờ cho rằng chúng tôi là nghệ sĩ thì không được hạnh phúc, như vậy nghe tội lắm”, Bảo Thanh nói trong niềm hạnh phúc rồi tranh thủ trang điểm để chuẩn bị cho vở diễn diễn ra lúc 20h tối nay. Chào tôi rồi vội vàng lên xe nhưng Thanh vẫn không quên mời tôi một dịp rảnh rỗi đến xem kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ. 
Nhìn cách Thanh cười, Thanh nói chuyện và những chia sẻ về nghề nghiệp khiến tôi càng thêm tin vào câu nói của cô: “Thành công chỉ đến với những ai thực sự cố gắng”. Và những thành công bước đầu của Bảo Thanh càng khiến tôi củng cố thêm niềm tin ấy!

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.