Chiêu bài “xin việc không qua thi tuyển”
Huyền và chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (trú tại xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, Hải Dương) vốn là bạn học cùng cấp 2 với nhau. Khi tình cờ gặp lại, Huyền “nổ” rằng mình đang công tác tại Sở Y tế Hải Dương, còn chồng làm việc tại Sở Nội vụ Hải Dương.
Huyền còn “bóng gió” rằng mình là người nhà của Giám đốc Sở Y tế Hải Dương. Ở cơ quan này đang cần tuyển gấp một kế toán và Huyền có thể xin giúp người quen vào làm việc mà không phải thi tuyển công chức. Chị Ngọc tưởng thật nên đã thông tin lại với một người bạn học khác đang có nhu cầu tìm việc làm là chị T.T.N (trú tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương).
Chiều 31/8/2015, chị N cùng mẹ đẻ đến gặp Huyền tại nhà trọ ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) nhờ giúp đỡ. Thấy “cá căn câu”, Huyền bảo mẹ con chị N phải đưa ngay 170 triệu đồng cùng hồ sơ để Giám đốc Sở Y tế Hải Dương mang lên Bộ xin chỉ tiêu không qua thi tuyển. Chị N ứng trước cho Huyền 10 triệu đồng.
Để lấy lòng tin, sau đó, Huyền gọi điện cho mẹ chị N nói dối là đã có giấy từ Bộ Y tế gửi về và sắp có quyết định cho chị N đi làm. Huyền yêu cầu gia đình đưa nốt số tiền còn lại và được đưa tiếp 120 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận khi nào có quyết định sẽ đưa hết tiền. Sau lần đó, Huyền còn tiếp tục đưa ra nhiều lý do nhằm vòi vĩnh thêm tiền và đã chiếm đoạt của gia đình chị N tổng số 300 triệu đồng. Còn chuyện công việc thì Huyền liên tục khất lần.
Cuối tháng 9/2015, Huyền gặp chị T.T.P là bạn của em gái và đang học ở TP Hải Dương. Biết P đang có nhu cầu tìm việc làm, Huyền đã chủ động liên lạc và nói dối với P là mình đang làm việc tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (ở thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) nhưng lại có quen biết với nhiều lãnh đạo ở Hải Dương. Huyền đang xin việc cho em gái vào làm kế toán ở Sở Y tế Hải Dương. Với lý do em gái chỉ có bằng cao đẳng nên hồ sơ xin việc không được xét duyệt. Tuy nhiên, vì có người quen nên vẫn có thể xin giúp người khác thế vào suất việc làm đó với chi phí là 250 triệu đồng.
Tưởng thật, P vội giục mẹ mang hồ sơ và lo tiền để xin việc. Để nạn nhân tin tưởng, vài ngày sau Huyền chủ động thông báo hồ sơ đã được duyệt nhưng mẹ con P cần chuyển tiền để lo lót mọi việc. Không chút mảy may nghi ngờ, ngày 26/10/2015, mẹ và bạn trai của P đã mang 250 triệu đồng đến quán cà phê Start (ở TP Hải Dương) để giao cho Huyền. Ít ngày sau Huyền tiếp tục “vòi” mẹ của P thêm 100 triệu đồng với lý do để Giám đốc Sở Y tế Hải Dương xin chỉ tiêu tuyển nhân lực từ Bộ mà không phải thi công chức.
Lập mail giả để gửi “thông báo trúng tuyển”
Trong quá trình gặp gỡ thấy bạn trai của P là anh T.N.C chưa có việc làm, Huyền lân la gợi ý sẽ xin giúp vào làm lái xe tại Sở Nội vụ với chi phí 250 triệu đồng. Tìm hiểu thấy C cũng chưa tốt nghiệp THPT, Huyền tiếp tục yêu cầu anh C đưa thêm 15 triệu đồng để xử lý chuyện bằng cấp. Tránh bị nghi ngờ, ngày 1/2/2016, Huyền thông báo cho anh C và chị P đã được Sở Nội vụ và Sở Y tế Hải Dương xét tuyển vào biên chế. Dù chưa đi làm được ngày nào nhưng mỗi người vẫn được thưởng Tết hơn 2 triệu đồng. Sau đó, Huyền đã tự bỏ tiền túi ra để đưa cho hai người.
Khi chắc chắn các nạn nhân đã hoàn toàn tin tưởng, Huyền lập tức viện ra hàng loạt lý do như chúc Tết lãnh đạo, cảm ơn Hội đồng xét tuyển hồ sơ, có người chen ngang… nhằm mục đích moi thêm tiền từ các nạn nhân. Tổng số tiền Huyền chiếm đoạt của gia đình P và C lên đến 826 triệu đồng.
Thấy việc lừa đảo như trên diễn ra suôn sẻ, tháng 5/2016, Huyền tiếp tục lừa xin việc cho chị B. T.H (quê ở Kinh Môn) tốt nghiệp trung cấp y vào làm y tá tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển với số tiền 330 triệu đồng.
Sau nhiều tháng trông ngóng đợi chờ mà vẫn không thấy có quyết định để đi làm, anh C và chị P nảy sinh nghi ngờ và liên tục thúc giục Huyền, ngỏ ý đòi lại tiền.
Trước nguy cơ việc bị bại lộ, nhằm cứu vãn tình thế, Huyền đã lập một email tự xưng tên là Hoa, cán bộ đang làm việc tại Sở Y tế Hải Dương, đồng thời tinh vi làm giả một thông báo trúng tuyển và gửi vào email của chị P. Sau đó, Huyền còn lừa một người bạn ở Thanh Hà gọi điện cho chị P và anh C thông báo hồ sơ đã trúng tuyển, giờ chỉ chờ nhận quyết định nữa là đi làm. Tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian nhưng thấy chuyện công việc không có kết quả, chị P, anh C kiên quyết yêu cầu Huyền trả lại tiền.
Còn về phía gia đình chị N, sau nhiều tháng chờ đợi tin tức việc làm từ Huyền, gia đình này đã âm thầm tự đi điều tra, tìm hiểu thông tin về Huyền. Hóa ra Huyền chỉ là một người đang thất nghiệp và bản thân không hề có mối quan hệ quen biết nào với lãnh đạo của các sở và khả năng xin việc như đã nói.
Ngay lập tức, các nạn nhân yêu cầu Huyền trả lại tiền và làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Huyền. Sau đó, Huyền chủ động trả lại cho gia đình chị N được 190 triệu đồng, gia đình chị P và anh C được 245 triệu đồng.
Hiện, Huyền đã bị VKSND TP Hải Dương truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hồ sơ vụ án đã được chuyển đến TAND TP Hải Dương thụ lý và Huyền sẽ sớm bị đưa ra xét xử công khai.