Xập xệ trên diện rộng
Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh tại hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” diễn ra mới đây đã khẳng định hoạt động phát hành phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang giống như một bức tranh mang màu sắc ảm đạm. Khó khăn lớn nhất của công tác phát hành phổ biến phim ở các tỉnh, thành là tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không phù hợp và thiếu nguồn. Thậm chí đã có tình trạng báo động rằng rạp ở một số địa phương đã bị thu hồi hoặc có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác.
Những gì bà Phương Lan khẳng định là hoàn toàn có cơ sở. Chị Kim Oanh (nhà ở phố Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã từng vào rạp Bạch Mai để xem phim, cả rạp chỉ có 3 người. Và khi bộ phim kết thúc cũng là lúc điều hòa trong phòng mới bắt đầu cảm thấy mát mát. Đó là lí do tôi không hề nghĩ mình sẽ quay lại đó lần hai”. Và câu chuyện của chị Oanh không phải là cá biệt. Nhiều người đi lại trên phố Kim Mã hàng trăm lần nhưng ít biết ở cung đường đó có rạp chiếu phim Ngọc Khánh. Lượng khách quá ít ỏi là nguyên nhân chính khiến rạp chiếu phim này “chìm nghỉm” giữa phố phường.
Nhìn chung, ở Thủ đô, chỉ trừ Trung tâm Chiếu phim quốc gia, các rạp nhà nước như Đặng Dung, Bạch Mai, Tháng Tám, Kim Đồng, Ngọc Khánh đều làm ăn đi xuống. Một số từng là trung tâm vàng son một thuở của Thủ đô đã đóng cửa hẳn như trường hợp rạp Dân Chủ cuối năm 2015. Những dẫn chứng trên là lời minh chứng rõ ràng về sự xuống cấp “không phanh” của các rạp nhà nước tại Hà Nội.
Tình trạng ở các địa phương thì càng thảm hại hơn. Ở Hà Tĩnh, không có rạp chiếu phim, thi thoảng quán café ở trung tâm thương mại mua được vài phim (tất nhiên là phim rạp đã cũ trên thị trường) về để chiếu. Mặc dù vẫn thu hút đặc biệt là đối tượng học sinh, tuy nhiên vẫn rất ảm đạm và khiến nhiều người “ngao ngán”. Hay như ở Hà Nam, rạp chiếu phim Biên Hòa dường như không hề có khách, chủ thầu phải lựa chọn hình thức kinh doanh như café nhạc sống để tồn tại. Đơn giản là phim chiếu quá cũ, tình trạng rạp thì bốc mùi, chất lượng màn chiếu kém...
Lối thoát nào?
Nói là “xập xệ trên diện rộng” nhưng không có nghĩa là không có lối thoát. Bằng chứng là Trung tâm Chiếu phim quốc gia, một đơn vị rạp chiếu phim nhà nước đang hoạt động vô cùng thành công hiện nay. Giám đốc Nguyễn Danh Dương chia sẻ về cách Trung tâm thích ứng với thị trường phát hành phim. Ông kể hơn 10 năm trước, Trung tâm cũng rơi vào tình cảnh xập xệ và đi xuống như nhiều rạp tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, Rạp chiếu phim Quốc gia sau đó chủ động hợp tác với các đơn vị tư nhân, cho họ kinh doanh bên trong rạp với nhiều điều kiện về hợp đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng và vật chất. Nhờ được nâng cấp, rạp trở nên khang trang, thu hút khách và tăng doanh thu hẳn lên. Khi đã có nguồn thu, rạp đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất.
Đây là một bài học mà những rạp chiếu phim nhà nước tại Thủ đô cũng như các thành phố lớn cần học tập. Tuy nhiên, ở các địa phương ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở vật chất thì việc rạp vẫn vắng khách vì điều kiện kinh tế của người dân không cho phép là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chính vì vậy, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có lời với các rạp địa phương rằng: “Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì chiếu bóng địa phương nên đổi mới tư duy để bắt kịp xu thế thị trường và xã hội hóa”. Đây được xem như là một lời khuyên mà các rạp chiếu phim địa phương cần lấy đó làm kim chỉ nam để chuyển mình, hướng tới một bức tranh về thực trạng rạp chiếu phim nhà nước sáng sủa hơn trong thời gian tới.
Kinh nghiệm thành công của các rạp chiếu phim cho thấy, sự khôn khéo trong việc đánh vào tâm lý của người xem như: nhà vệ sinh sạch sẽ, không gian đẹp để có thể chụp ảnh, nguồn nhân lực hoạt động trong rạp luôn trẻ trung và năng động… cũng là những yếu tố mà các rạp nhà nước cần phải “để tâm”. Chúng tuy nhỏ nhưng có thể góp phần làm nên chuyện lớn.