Khi học sinh tiêu tiền như đại gia
Mới đây, cư dân mạng xôn xao chuyện một cậu bé ở An Giang làm nghề bốc vác và làm thêm công việc vệ sinh giày, dành tiền tiết kiệm 2 năm để mua cho mình bộ sưu tập giày hàng hiệu, trong đó có đôi giày lên đến 28 triệu đồng.
Câu chuyện này đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Trong khi một bộ phận cho rằng nên tôn trọng quyết định và đam mê của cậu bé, thì nhiều người lại cho rằng, việc dành dụm tiền công lao động cực nhọc chỉ để mua giày hiệu là một thói quen lãng phí. Với số tiền ấy, cậu bé có thể tích lũy để lên kế hoạch cho tương lai của mình hoặc nhiều việc khác hữu ích hơn.
Câu chuyện trên, đúng sai không bàn đến, nhưng rõ ràng nó thể hiện một cách nghĩ khá phổ biến của một bộ phận giới trẻ ngày nay: tiêu tiền không tiếc tay cho những "đam mê" của mình, không cần nghĩ đến ngày mai.
Vũ Thành Nam là học sinh lớp 11 một trường trung học tại quận 10, TP.HCM. Nam được bạn bè trong lớp mệnh danh là "dân chơi hàng hiệu" khi đồ đạc xài toàn đồ đắt tiền, từ điện thoại di động, xe máy, túi đi học đến quần áo. Ngay cả tóc cắt cũng ở salon tóc danh tiếng nhất thành phố, mà mỗi lần tạo kiểu trên dưới 5 triệu đồng.
Điều đáng ngạc nhiên là Nam không hề là một "thiếu gia" giàu nứt đố. Gia đình chỉ ở hàng khá giả, cha làm phó phòng một công ty xuất nhập khẩu, mẹ làm giáo viên mẫu giáo. Số tiền chi tiêu mạnh tay cho bản thân được Nam tiết kiệm từ tiền tiêu vặt cha mẹ cho, tiền "học phí" mà Nam kê tăng cao lên mỗi khi báo cha mẹ và cả vòi vĩnh tiền hưu của ông bà nội, vốn có mỗi đứa cháu trai đích tôn.
Trường hợp của Nam giờ đây không còn là hiếm hoi nữa. Cách đây ít lâu, một nhóm youtuber tiến hành quay video khảo sát mức độ tiêu dùng trong giới trẻ học đường bằng cách tiến hành phỏng vấn giá tiền những thứ các em đang mặc trên người. Kết quả, những đoạn video tung ra làm dư luận thảng thốt.
Các em hồ hởi khoe trọn bộ trang phục phụ kiện giá đến hàng trăm triệu đồng. Đó là những đôi giày mang dưới chân có giá hàng chục triệu, một chiếc áo khoác vài chục triệu đồng và balo, cặp đi học cũng không kém cạnh.
Lúc video ấy mới tung ra, nhiều người cho là dàn dựng, nhưng sự thực chứng minh, có một bộ phận giới trẻ đang tiêu xài như thế. Cứ nhìn mức độ học sinh, sinh viên tiêu thụ các dòng iphone mới ra mắt giá vài chục triệu đồng sẽ thấy độ "chịu chơi" của người trẻ thế nào.
Trên Facebook cũng có vô số nhóm dành cho giới mê giày hiệu, sưu tập quần áo hiệu, phụ kiện hàng hiệu... mà thành viên chiếm đa số là học sinh, sinh viên. Người lớn đi làm, thu nhập khá, bỏ tiền cho bộ trang phục vài triệu còn cân nhắc, đắn đo, nhưng nhiều học sinh, sinh viên mua cái áo khoác giá ngàn đô rất nhẹ nhàng.
Gánh nặng tài chính đã có cha mẹ chịu
Truyền thông vẫn hay nhắc đến cụm từ "rich kid". Đó là định nghĩa dành cho những cô, cậu thanh thiếu niên gia đình giàu có, sinh ra đã "ngậm thìa vàng", sống trong giàu sang phú quý, tiêu xài không bao giờ lăn tăn giá cả. Những trang cá nhân trên mạng xã hội của rich kid thường có điểm chung là khoe cuộc sống sang chảnh, giàu có với siêu xe, bữa ăn cao cấp, hàng hiệu, làm một bộ phận giới trẻ "lên cơn sốt" vì thèm khát, hâm mộ và cũng vô tình định hình một giá trị sống của người trẻ.
Ngoài “rich kid” có một bộ phận giới trẻ khác, tuy không thuộc gia đình giàu có nhưng cũng có thói quen tiêu tiền không tiếc tay. Một bài rap có tên "Ông bà già tao lo" đang trở thành "trend", cũng thể hiện tâm thế của không ít người trong giới trẻ. Đó là ỷ lại gia đình, tiêu xài thoải mái, gánh nặng tài chính đã có cha mẹ chịu.
Nhưng chung quy lại, hiện tượng vì sao mà có? Thực tế, có nhiều lý do dẫn đến thói quen sống vung tay quá trán của thanh thiếu niên ngày nay. Do sự tác động của mạng xã hội đến tâm lý, nhận thức và do thói quen tiêu dùng của gia đình, do sự giáo dục của cha mẹ.
Cha mẹ có vai trò hàng đầu trong định hình thói quen sống của con. Nhiều bậc cha mẹ, từ sớm đã có những kiến thức tư duy giáo dục con về giá trị đồng tiền, cách thức chi tiêu, lên kế hoạch tiêu dùng cá nhân, cho tương lai... Thế nên, có những bạn trẻ từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đã bắt đầu làm thêm hay có những kế hoạch khởi nghiệp. Có không ít em nhỏ biết bỏ heo đất, tiết kiệm tiêu vặt để mua quà tặng người thân, ủng hộ các hoạt động từ thiện...
Ngược lại, nhiều phụ huynh, hoặc giàu, hoặc chỉ khá giả, thậm chí trung lưu, nhưng chính bản thân họ đã không có kế hoạch chi tiêu hiệu quả, cộng với việc nuông chiều con cái, đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện, không có sự giáo dục về tiền bạc, cũng như thiếu để mắt đến con. Từ đó, sinh ra những cậu ấm, cô chiêu đầy hoang phí, ỉ lại, dùng đồng tiền để lấy những danh tiếng ảo với bạn bè. Và thói quen xấu từ lúc nhỏ lại dẫn đến những bước đi sai lầm trong tương lai.