Tín ngưỡng đặc biệt
Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một trong những đặc trưng văn hóa của người Việt. Bởi theo quan niệm dân gian, trâu không chỉ là con vật hiền lành, chung thủy gắn bó với cuộc sống lao động nông nghiệp của người nông dân Việt Nam mà còn là loài vật thiêng có khả năng kết nối với thần linh, trấn áp yêu ma và bảo vệ cuộc sống của người dân.
Chính vì vậy, từ xa xưa, nhiều dân tộc đã có tục đúc hình con trâu bằng kim khí coi như vật thiêng để thờ phụng, trấn yểm. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống an lành của nhân dân ta xưa. Đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng bên bờ Hồ Tây là một biểu hiện vật chất của tín ngưỡng và nguyện vọng đó.
Văn bia đền Kim Ngưu ghi truyền thuyết ngôi đền xuất hiện từ thế kỷ 11, thời nhà Lý. Tuy nhiên theo truyền thuyết dân gian, đền có lịch sử từ thế kỷ thứ 9. Trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 đã ghi địa điểm đền Kim Ngưu, ở chỗ nay là đầu doi đất Tây Hồ, trong khu quần thể di tích Phủ Tây Hồ ngày nay.
Ngoài ngôi đền thờ Trâu Vàng mang tên đền Kim Ngưu thì cái tích Trâu Vàng hóa thần ẩn mình dưới hồ cũng lý giải nguồn gốc sự việc Tây Hồ một thuở có tên gọi là hồ Kim Ngưu.
Dưới bóng cây đa di sản trước đền Kim Ngưu. |
Thơ cổ có nhiều câu về hồ Kim Ngưu Trâu Vàng như: “Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục/ Long Đỗ nhưng lưu bách chiến thành”. Nghĩa là: “Hồ Trâu (vàng) đã thay đổi qua ba triều đại/ Long Đỗ vẫn còn tòa thành bách chiến”.
Hay một bài thơ khác: “Kim Ngưu do ẩn tại hồ trung/ Thủy hạt nan tầm bất kiến tung/ Đại Việt nam an tồn thách chủ/ Cao Biền hạ bút hận vô cùng”.
Tạm dịch: “Trâu vàng còn ẩn tại hồ sâu/ Nước cạn mong tìm chẳng thấy đâu/ Đại Việt bình yên nhờ thánh chúa/ Cao Biền hạ bút hận muôn thu”.
Bí ẩn những truyền thuyết Trâu Vàng
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, sách “Lĩnh Nam chích quái” có hai lần nói tới lai lịch Trâu Vàng. Lần thứ nhất là ở “Truyện Hồ Tinh”. Sau khi kể về việc Lạc Long Quân diệt cáo chín đuôi, truyện có câu kết: “Sau lập đền Kim Ngưu trấn áp yêu quái”.
Lần thứ hai là ở “Truyện con Trâu Vàng huyện Tiên Du”. Trong truyện Trâu Vàng huyện Tiên Du, có chi tiết: “Núi Tiên Du có tinh Trâu Vàng Kim Ngưu nửa đêm thường tỏa sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành hồ. Nơi đó là thôn Húc sau này.
Trâu chạy qua địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lan, Đa Ngưu... Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, ra theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Thuở đó, Cao Biền hay cưỡi diều bay trên không để yểm các thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào Dâm Đàm, nay là Tây Hồ rồi không thấy trâu đâu nữa.”
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc phân tích, như vậy theo Lĩnh Nam chích quái thì con Trâu Vàng từ núi Tiên Du chạy sang, tới Hồ Tây thì biến xuống hồ (tức là khi này đã có Hồ Tây) và thời gian được xác định là thời Cao Biền tức thế kỷ thứ IX.
Tượng Trâu Vàng dưới bóng đa di sản trong đền Kim Ngưu và Khu di tích Phủ Tây Hồ. |
Tuy nhiên, theo một truyền thuyết về Đức thánh tổ, quốc sư Khổng Minh Không (thời Lý) thì sự tích Trâu Vàng lại khác.
“Vị cao tăng Minh Không sang nước Tống chữa bệnh cho con vua. Để tạ ơn hoàng tử khỏi bệnh, vua cho Minh Không vào kho, muốn lấy gì và bao nhiêu cũng được. Nhưng Ngài không xin bạc vàng châu báu, chỉ xin một ít đồng đen gói vào tay nải mang về. Minh Không hóa phép lấy tất cả đồng đen cho vào tay nải rồi ra bờ bể thả nón tu lờ làm thuyền chở về nước Nam, đem đúc chuông. Chuông đúc xong, đánh thử mấy tiếng, bỗng Trâu Vàng từ phương Bắc chạy sang lồng lộn tìm mẹ vì “đồng đen là mẹ vàng”, dẫm nát cả đất sụp thành hồ. Phải ném quả chuông xuống hồ cho trâu khỏi lồng lên. Từ đó, Trâu vàng ẩn dưới đáy hồ”.
Lại có một dị bản khác tương tự cũng lý giải cho sự hình thành đền Kim Ngưu gắn với hồ Tây. Trên văn bia trong khuôn viên đền Kim Ngưu ghi lại rằng: “Khoảng năm 1030, triều Lý có vị thiền sư họ Dương, pháp danh Không Lộ, giỏi nghề y, đã sang sứ nhà Tống chữa bệnh cho hoàng tộc. Sau khi người nhà của vua khỏi bệnh, vua Tống đặc ân cho sứ thần An Nam chọn bất cứ sản vật gì.
Thiền sư Không Lộ xin một ít đồng đen để đúc chuông làm kỷ niệm. Khi về nước, thiền sư cho đúc một quả chuông lớn. Khi thỉnh, tiếng chuông ngân vang sang tận nước Tống. Trâu vàng của vua Tống ngỡ tiếng mẹ gọi liền chạy thẳng sang nước Nam. Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long, không còn nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng bị mất phương hướng đã quần thảo khiến khu rừng lim sụt thành hồ nước mênh mông. Thiền sư bèn thả quả chuông đồng đen xuống hồ Kim Ngưu (hồ Tây ngày nay). Tại đây, người dân đã lập đền thờ thần Kim Ngưu bên Phủ Tây Hồ.
Những truyền thuyết về đền Kim Ngưu - Trâu Vàng đã góp phần tô đậm vẻ linh thiêng, huyền bí của di tích tâm linh ngàn năm tuổi.
Năm 1947, đền Kim Ngưu bị đạn đại bác của Pháp phá hủy. Tuy nhiên, truyền thuyết về Trâu Vàng vẫn vẹn nguyên trong tín ngưỡng dân gian khi hành hương đến Phủ Tây Hồ. Năm 1996, quần thể di tích Phủ Tây Hồ được công nhận là di tích lich sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2000, đền Kim Ngưu được xây dựng lại như hiện nay với kiến trúc kiểu chữ Đinh, có tam quan, phủ chính, điện thờ Mẫu, sân trong và nhà khách. Trong đền hiện còn lưu giữ 32 đạo sắc phong cho thần Kim Ngưu từ thời Lê đến thời Nguyễn.
Hiện trước khuôn viên đền Kim Ngưu có cây đa di sản hơn 100 năm tuổi với bộ rễ khổng lồ chu vi 32m, chu vi thân chính là 7,2m, thân cây cao trên 25m, tán cây rộng hơn 200m2, các rễ phụ mọc bao quanh toàn bộ gốc chính.
Cùng với cây đa di sản, đền Kim Ngưu và Quần thể di tích phủ Tây Hồ là những danh thắng - điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội.