Ngôi chùa trấn ải nơi biên cương
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) được khánh thành vào cuối năm 2014, tọa lạc trên diện tích gần 3ha. Chùa nằm ở vị trí có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, nên được xem là nơi trấn yểm đắc địa ở vùng biên ải.
Chùa tựa lưng vào núi, phía trước là một không gian rộng lớn, có đồng ruộng bát ngát, núi non và rừng cây xanh ngút ngàn, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, nên thơ, hùng vĩ và thanh bình.
Đứng từ chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, du khách sẽ được ngắm quần thể thác Bản Giốc kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình |
Nằm trên sườn núi cao nên từ chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc nhìn xuống, du khách sẽ được thu vào tầm mắt khung cảnh sơn thủy hữu tình bao la, bát ngát với các ngọn núi, thác trùng trùng điệp điệp. Trời phú cho thiên nhiên nơi đây vẻ đẹp vừa kỳ ảo, vừa thơ mộng nhất là buổi sáng bình minh hoặc khi chạng vạng tối… Và đặc biệt, du khách được ngắm thác Bản Giốc – quần thể những dòng thác kỳ vĩ nhất Việt Nam.
Tam quan chùa nhìn từ trên cao |
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam - Trụ trì chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, chùa được khởi công ngày 15/6/2013 và khánh thành ngày 15/12/2014, với đầy đủ các hạng mục như: Cổng Tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá, lầu tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, nhà Tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà Tăng xá, đền thờ vị Anh hùng Nùng Trí Cao, Tổ Hùng Vương các đời, nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, cùng các công trình cảnh quan phụ trợ khác như nhà khách, bãi đỗ xe…
Những bậc thềm dẫn lối du khách lên Tam quan |
Việc Nhà nước ta xây dựng chùa Trúc Lâm Bản Giốc là chủ trương mang tính chiến lược, bởi đây vừa là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh, vừa tạo sự ổn định tâm lý cho người dân an tâm lao động sản xuất và cũng là để khẳng định chủ quyền.
Vào tham quan, vãng cảnh ngôi chùa, du khách sẽ được chiêm bái các pho tượng được những nghệ nhân chế tác, chạm khắc rất tinh xảo, sống động.
Nhà thờ Tổ |
Này là Ban thờ Tổ anh hùng Nùng Trí Cao – vị thủ lĩnh các dân tộc ở Cao Bằng. Ông là người văn võ song toàn, có tài thao lượng về quân sự và ngoại giao, có công lớn trong việc bảo vệ và giữ gìn nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam ở thế kỷ XI. Trong quần thể di tích còn có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất trang trọng, uy nghi.
Các vị cao niên ở trong bản cho biết, người dân ở nơi đây đều coi Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như những vị thánh có công lao to lớn với đất nước, nhất là trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Trong tâm linh sâu thẳm, ai cũng tin rằng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là những vị thánh linh thiêng, phù hộ cho quốc thái dân an, bách tính thiên hạ ấm no hạnh phúc…
Chùa trấn ải vùng biên cương
Đối với người dân nơi đây, từ khi có chùa, đời sống tâm linh ngày càng được chứng minh, nhất là việc đoàn kết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc cũng là địa chỉ giao thoa, thể hiện tình hữu nghị giữa hai nền văn hóa tâm linh Việt – Trung.
Cô giáo Nông Thị Vượt (trú tại xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: “Chùa Bản Giốc tuy mới được xây dựng, nhưng du khách tham quan, chiêm bái ngày một đông, trong đó có nhiều khách quốc tế. Từ ngày tỉnh tăng cường tuyến xe buýt từ thành phố Cao Bằng về chùa, việc đi lại cũng thuận tiện, dễ dàng hơn nên lượng khách tham quan cũng nhiều hơn”.
Cô giáo Nông Thị Vượt chụp ảnh cạnh "đại hồng chung" của chùa |
Điều cô giáo Nông Thị Vượt thấy vui và tự hào là ngày càng nhiều các bạn trẻ, thanh niên, học sinh tham quan vãng cảnh chùa và thác Bản Giốc. Họ tỏ ra say mê, thích thú tìm hiểu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc và tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông.
Theo cô Vượt, chùa Trúc Lâm chính là đòn bẩy giúp người dân sống có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Cô Vượt chỉ tay sang vành đai biên giới và nói: “Ở bên kia, gần một cái chợ nhỏ là cột mốc 835, đó chính là nơi giao lưu văn hóa và hoạt động giao thương giữa người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc”.