“Trộm” tượng phật ngay trước mặt chủ nhà
Vị nữ chủ nhà bị tên trộm kéo lê phía sau xe máy một đoạn dài cũng là nạn nhân trong vụ việc trên chính là bà Võ Thị Đàm (SN 1973, ngụ số nhà 48, đường Hai Bà Trưng, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).
Theo tìm hiểu, thời gian gần đây, tại địa bàn phía Bắc thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp tài sản vô cùng táo tợn. Những vụ trộm cắp này diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm và đặc biệt ngay cả khi trong nhà có người.
Theo lời kể lại của các nhân chứng có mặt tại hiện trường vào thời điểm khoảng gần 19h, ngày 26/11/2015, đối tượng gây án là một nam thanh niên. Nhân lúc trời chạng vạng tối, đối tượng để ý thấy cánh cửa chính ra sân của nhà bà Đàm đang mở nên đã liều lĩnh trèo qua tường rào để vào khu vực sân phía trước nhà.
Khi thực hiện hành vi này đối tượng đã dựng sẵn chiếc xe máy màu ghi xám trong tình trạng vẫn nổ máy ngay trước cổng chính của ngôi nhà. Vào được sân nhà, y mở sẵn cánh cổng chính (cánh cổng này chỉ có thể mở được từ bên trong – PV) rồi lén lút đi vào gian buồng một cách rất chuyên nghiệp.
Đột nhập được vào trong, tên trộm đã nhanh chóng bê một bức tượng Phật Quan Âm bằng gỗ đổi màu rồi hiên ngang đi ra ngoài đường bằng cổng chính. Bà Đàm khi đó đang xem tivi cùng con trai (13 tuổi) ở gian nhà phía sau.
Thấy bóng người lướt qua vách, bà Đàm tá hỏa chạy lên thì thấy tên trộm ôm bức tượng đang loay hoay dùng chân gạt cửa cổng đi ra. Bà Đàm chạy thật nhanh ra cổng, nhanh trí vừa truy hô vừa giật lại bức tượng. Nhưng lúc này tên trộm đã nhảy lên được xe máy, một tay ôm chặt “chiến lợi phẩm” tay kia rồ ga phóng đi.
Trong tích tắc, bà Đàm nắm được cả hai tay vào đuôi xe máy của tên trộm, rồi lắc mạnh xe với mục đích ép tên trộm dừng lại và trả lại tài sản nhà mình. Mặc dù rất cố gắng nhưng bà Đàm đã bị kéo lê một đoạn đường khoảng từ 3-5m thì bị rớt lại phía sau.
Bà Đàm với vết chân thương ở đầu gối |
Trong lúc bị xe máy của tên trộm kéo đi, bà Đàm đã bị thương nhẹ. Chỉ khi mấy người hàng xóm chạy ra, bà Đàm mới được đưa đi trạm y tế gần nhất để sơ cứu.
Cũng ngay buổi tối đó, bà Đàm đã lên trình báo lên công an phường An Lạc, vụ việc cũng đã được cơ quan điều tra Công an Thị xã Buôn Hồ vào cuộc điều tra, làm rõ. Kết quả giám định ban đầu cho thấy chị Đàm chỉ bị chấn thương phần mềm, chủ yếu ở đầu gối chân trái.
Qua quá trình điều tra, xác minh của phóng viên cho thấy đối tượng đã nắm rất rõ địa điểm gây án và bức tượng Phật Quan Âm bằng gỗ. Cách thức trộm cắp không chỉ tinh vi, chuyên nghiệp mà còn rất táo tợn, liều lĩnh. Mặt khác, đối tượng đã nắm bắt thời cơ hành động là lúc chồng bà Đàm đi làm rẫy không có mặt ở nhà.
Gia chủ hoang mang, dư luận bức xúc
Được biết, vợ chồng bà Đàm chưa xây được nhà nên các đồ gỗ của gia đình không bày biện ra bên ngoài mà cất rất cẩn thận vào gian buồng phía sau.
Theo đó, bức tượng Phật Quan Âm bị đánh cắp cao khoảng 80 cm, bằng gỗ đổi màu, vào năm 2012, chồng bà Đàm kiếm được gỗ rồi thuê người chạm khắc đúng theo ý thích. Cách đây không lâu, có vị khách đến chơi nhà tỏ ra vô cùng thích thú với bức tượng rồi đề nghị mua lại với giá hơn 40 triệu đồng nhưng chồng chị Đàm đắn đo không bán.
Trao đổi với phóng viên, bà Đàm cho biết: Gia đình thuộc dạng không mấy khá giả ở địa phương, bà Đàm là giáo viên mầm non được hơn 20 năm, còn chồng ở nhà làm rẫy.
Bà Đàm có hai đứa con, cô con gái đầu cũng theo nghề sư phạm, ở trọ dưới thành phố Buôn Ma Thuột, còn đứa con trai út đang học lớp 7.
Chồng bà Đàm thường xuyên đi rẫy, thời gian chủ yếu bà dạy học ở trường mầm non, chỉ buổi tối mới có mặt ở nhà. Khi đi dạy học, bà Đàm đã cẩn thận khóa cửa rất kỹ, khi ở nhà cũng không dám mở cửa cổng. Chiếc cổng sắt được thiết kế dùng để khóa ngoài, chốt trong nên chỉ người nhà mới có thể mở được.
Hiện trường xảy ra vụ án |
“Thật đáng tiếc vì trước hành vi táo tợn của tên trộm tôi không hề nhận được sự trợ giúp nào của người dân trong khu vực. Lúc phát hiện ra tên trộm tôi cũng liều lĩnh xông lên ngăn cản nhưng là đàn bà, chân yếu tay mềm nên đành bất lực nhìn hắn biến mất trước mắt. Sau này nghĩ lại, tôi mới giật mình nếu tên trộm manh động hơn cầm dao quay lại đâm vài nhát chắc giờ này tôi đã về tây thiên rồi!”, bà Đàm chia sẻ thêm.
Phản ảnh của người dân địa phương cũng cho biết thêm về những vụ trộm cắp với lối hành động tương tự đã từng xảy ra trước đó ở quanh vùng. Trong đó, đặc biệt có trường hợp một gia đình nhà giáo ở phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã bị trộm lấy mất lần lượt 5 bức tượng gỗ quý bằng nhiều lần chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng. Những vụ trộm cắp manh động nêu trên đang khiến cho dân các gia đình bị hại hoang mang, lo lắng, còn dư luận ở phường An Lạc vô cùng bức xúc.
Trước đây, người dân khắp thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng và Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã đổ xô vào rừng đào tận gốc, trốc tận rễ để lấy gỗ cây đổi màu. Đây là tên mà người dân tự đặt do đặc tính đổi màu theo ánh sáng và nhiệt độ của loại cây này. Bởi lúc đưa gỗ ra ánh sáng thì chuyển sang màu hồng, tím, khi để trong tối lại có màu xanh bích, nâu đậm, đen sẫm. Vân gỗ này đẹp như thủy tùng, láng bóng như trắc, lại không hề bị nứt nẻ.
Trong giới kinh doanh gỗ, cây đổi màu còn có nhiều tên gọi như: trắc xanh, trắc tía, bách xanh, tắc kè, kỳ đà. Do có đặc tính đổi màu nên loại gỗ trên được khách hàng yêu thích sử dụng và săn đón bằng mọi giá. Cũng bởi xuất phát nhu cầu cao từ thị trường và sự quản lý bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng kiểm lâm nên sản phẩm làm từ loại cây đổi màu này vô cùng khan hiếm.
Thực tế nhận thấy, sau khi xảy ra các vụ trộm cắp, người dân đều đã trình báo với cơ quan công an và chính quyền sở tại. Mặc dù các vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra nhưng thực tế này đòi hỏi cơ quan công an cần kịp thời vào cuộc, tăng cường tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn và sớm tìm ra thủ phạm, trả lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân.
Hơn nữa, các địa phương cũng cần có biện pháp tuyên truyền pháp luật và phổ biến các vụ trộm cắp tới từng hộ dân để mỗi gia đình đề cao tinh thần cảnh giác, cũng như có biện pháp phòng ngừa trộm cắp hiệu quả nhất.