Nhưng cũng cần biết rằng hầu hết đòn roi đánh con đều xuất phát từ sự giận dữ chứ không thể nguỵ biện là “thương”. Đây cũng là nhận định của nhà xã hội học PGS.TS Trần Hòa Bình.
Từ ngày 1/1/2022, Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nghị định đưa ra chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm như cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; bạo hành, xé sách vở của trẻ, doạ nạt trẻ bằng âm thanh, hình ảnh; rủ rê, ép buộc trẻ đi ăn xin...
Đặc biệt, Nghị định có một nội dung quan trọng mà các quốc gia đều thực hiện là tố cáo bắt buộc liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Nói về hai chữ “tố cáo” được quy định trong Nghị định, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm riêng đối với trẻ con, với bất kỳ hành vi nào, kể cả nghi ngờ, hay thành viên trong gia đình đều phải tố cáo như bố đánh con thì bà phải tố cáo, hàng xóm nghi ngờ cũng phải tố cáo.
Điểm này khác với tố cáo đối tượng khác, nếu tố cáo không đúng sự thật thì người tố cáo bị xử lý. Nhưng với các vụ việc liên quan đến trẻ em thì chỉ cần nghi ngờ là phải tố cáo, còn có đúng xâm hại, bạo hành trẻ em hay không, phân định mức độ nguy hiểm là thuộc về cơ quan chức năng. Sau khi xem xét, nếu có kết luận không phải bạo hành thì người thông báo, tố cáo không mắc quy định cung cấp thông tin sai sự thật.
Cũng theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vì trẻ không có khả năng tự bảo vệ được nên mọi nghi ngờ cần được phát hiện ngay nhưng từ trước đến nay, bố đánh con thì vợ khó có thể tố cáo; con trai, con dâu đánh cháu, ông bà cũng khó tố cáo vì không có quy định bắt buộc. Do đó, Nghị định 130 ra đời sẽ chấm dứt sự không tố cáo, che giấu này.
“Nghị định 130 là sự tiến bộ của pháp luật, là công cụ pháp lý rất quan trọng trong bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, không chỉ đưa vào quy định tố cáo bắt buộc mà hành vi không tố cáo, ngăn cản, che giấu cũng bị xử lý. Nếu người tiếp nhận không can thiệp kịp thời, chậm trễ xử lý thì bị xử phạt nặng hơn người không tố cáo”, ông Nam nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay cho thấy, trách nhiệm công dân trong việc tố cáo bạo lực gia đình trong cộng đồng còn yếu dù các quy định pháp luật hiện hành đã có đủ các công cụ, phương tiện để tiếp nhận. Có nhiều cơ chế, công cụ sẵn sàng tiếp nhận thông tin, các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cũng được tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân dường như ít quan tâm.
Không thể nói không biết về Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 vì đường dây được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, riêng tại TP HCM có hơn 3.000 điểm trường tiểu học, THCS và hơn 2.000 điểm trường tại Hà Nội có dán pano về Đường dây 111 tại cổng trường.
Thế nên, phía sau mỗi vụ việc, vụ án liên quan đến trẻ em đều tác động đến thẳm sâu trong lương tri của mỗi người trong cộng đồng. Như quan điểm của bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA): “Tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta, bên cạnh sự bức xúc, xót xa thì đã tự vấn lương tâm, rằng mình đã từng thờ ơ khi thấy những dấu hiệu trẻ em gặp hiểm nguy mà mình từng gặp chưa. Bảo vệ trẻ em, phụ nữ, người yếu thế không chỉ trước nạn bạo hành mà còn là hành động của chúng ta vì một môi trường an toàn. Đó là việc trẻ em được giáo dục đầy đủ về quyền và cách ứng phó.
Tổng đài 111 quảng cáo ở mọi nơi, nhưng làm sao để các em biết được thế nào là bị bạo hành để cầu cứu? Đó còn là kiến thức tiền hôn nhân để nam, nữ trước khi kết hôn biết trước các tình huống để xử lý, kể cả xử lý về ly hôn. Đó là việc đối diện và xử lý những tổn thương của chính mình, cơn tức giận cuồng nộ của chính mình. Đó là việc nhận diện và dám tố cáo khi thấy các dấu hiệu có thể trẻ em hay người lớn bị bạo hành. Đó là việc cần có các hướng dẫn cụ thể cho bảo vệ các toà chung cư, các trưởng thôn, khái niệm về bạo hành gia đình và các cách hỗ trợ…”.