Bày trò hoang đường để lừa người
Người đứng ra lập và điều hành nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” này là Nguyễn Thị Thương (SN 1975, ngụ đường Lê Thị Pha, phường 1, TP Bảo Lộc).
Sau khi tuyên bố mình là “ngôn sứ” của chúa cha trong “thời đại mới”, có thể chữa được bách bệnh, Thương đã lập nhóm “bầu khấn” lôi kéo nhiều người hiếm muộn tham gia; chữa bệnh hiếm muộn bằng các phương pháp sặc mùi mê tín dị đoan, đánh đập bệnh nhân một cách bạo lực để “trừ quỷ”.
Nguy hiểm hơn, từ năm 2016 tới nay, Thương đã nâng cấp nhóm “bầu khấn” lên thành nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, vươn vòi bạch tuộc ra nhiều lĩnh vực liên quan đến khám, chữa bệnh, hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Cách chữa bệnh của nhóm này cũng hết sức cực đoan, bệnh nhân sẽ bị nhóm này vây quanh, đánh hội đồng vào mặt, đầu, bụng... một cách đầy bạo lực, phản cảm và cho uống nước lã nhưng được gọi là “nước thánh”.
Cái gọi là "nguồn thánh thiên" mà các đối tượng cho rằng dùng để chữa COVID - 19 |
Chỉ cần bằng mắt thường, không khó để bất cứ ai cũng có thể nhận ra đây là trò ma mị, lừa bịp. Mặc dù có những hành động hoang đường, vi phạm pháp luật như vậy nhưng vẫn có rất nhiều “bệnh nhân” mù quáng tìm tới cách chữa bệnh cực đoan và phản khoa học này. Những chiêu trò như vậy có thể che mắt được người bệnh đang mắc bệnh hiểm nghèo, chứ không thể qua mắt được quần chúng nhân dân, chính quyền, ngành chức năng.
Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 45 triệu đồng, đình chỉ hoạt động tụ điểm chữa bệnh mê tín dị đoan này nhưng Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật và coi thường tính mạng của người bệnh.
Đây là tổ chức bất hợp pháp, lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, chữa bệnh phản khoa học, đã bị Tòa Giám mục Đà Lạt ra thông cáo khẳng định đây không phải là tổ chức tôn giáo, đồng thời kêu gọi các tín hữu Công giáo không được đến, không tham gia việc “trừ quỷ” và không lan truyền các clip của nhóm này.
Nghiêm trị những hành vi sai trái
Theo Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners) nhận định, mặc dù Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về khái niệm mê tín dị đoan, tuy nhiên, dựa trên thực tế, có thể hiểu mê tín dị đoan là tin mù quáng vào những điều duy tâm không có căn cứ khoa học; tin vào ma quỷ, thánh thần, định mệnh, dẫn đến mất lý trí, hành động trái lẽ thường, gây hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, xã hội.
Pháp luật cũng có các chế tài xử phạt đối với hành vi này, từ những hoạt động của nhóm đối tượng trên, có thể khẳng định đây là hành vi có dấu hiệu của việc lợi dụng mê tín dị đoan để thu lợi bất chính. Theo quy định hiện hành, đối với hành vi lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi thì tùy theo tính chất, hậu quả của hành vi và các đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 15.000.000 đến 20.000.000 theo quy định tại điểm đ khoản 7 điều 14 Nghị định 38/2021/ NĐCP về xử phạt hành chính trong lĩnh lực văn hóa, quảng cáo.
Tuy nhiên, do nhóm này đã bị phạt hành chính và đình chỉ hoạt động một lần, nên các cá nhân trong hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo khoản 1 điều này, đối với những cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội này mà vẫn tiếp tục vi phạm thì phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng. Đối những trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp như làm chết người, thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng hoặc gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị xử phạt với mức chế tài có thể lên đến 10 năm tù. Phạt bổ sung từ 10 đến 50 triệu đồng.
Nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” còn tụ tập đông người để thực hiện hành vi “chữa bệnh gây mất trật tự xã hội tại địa phương, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Căn cứ quy định tại điểm i khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nhóm này có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt lên đến 7 năm.
Ngoài ra, các đối tượng thuộc nhóm này còn có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 do có hành vi đánh người đến “khám bệnh”. Tùy vào tỷ lệ tổn thương cơ thể và phương thức thực hiện tội phạm mà các đối tượng trên có thể bị phạt tù từ ít nhất 6 tháng đến 20 năm, thậm chí tù chung thân. Mặt khác, nhóm của Thương còn có thể bị truy cứu về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 do khám chữa bệnh gian dối, thu tiền để trục lợi. Đi kèm với trách nhiệm dân sự do tội phạm của mình gây ra (căn cứ theo điều 584 Bộ luật Dân sự 2015).
Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners. |
Hơn thế, trong quá trình “chữa bệnh”, một số đối tượng trong nhóm hỗ trợ thực hiện bằng cách diễn cơn co giật, trợn mắt, nói nhảm như động kinh. Căn cứ tại điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tất cả các thành viên của “nhóm” tham gia “trừ quỷ” đều sẽ bị coi là đồng phạm cũng như phải chịu các chế tài tương ứng.
Một lần nữa cần khẳng định, dù là tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng đều hướng con người ta đến cái thiện, cái tốt đẹp. Hành vi lợi dụng, mê hoặc đức tin của người khác, lợi dụng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của những người mang bệnh tật để lừa đảo, trục lợi, vi phạm pháp luật là không thể tha thứ. Với khung chế tài rõ ràng như trên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải vào cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ để tình trạng này có thể chấm dứt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cần tích cực nghiên cứu, quảng bá các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện của mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu những vụ việc như thế này xảy ra, do đó, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mọi người dân cũng phải nâng cao hiểu biết và tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, mê hoặc của các đối tượng xấu để tự bảo vệ mình. Ðồng thời cần xác định việc ngăn chặn, bài trừ mê tín dị đoan là việc làm cần thiết và thường xuyên của mọi chế độ xã hội văn minh, để xã hội ngày càng phát triển, bảo đảm những giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị nhân văn.