Đam mê nhạc cụ dân tộc
Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Đình Túc (SN 1956), ở thôn 7, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) những cây đàn tính, đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt… được treo trang trọng trên tường. Với ông, những chiếc đàn dân tộc này như báu vật của cuộc đời mình.
“Tôi vẫn còn nhớ, 10 tuổi mình đã làm quen với cây sáo; 12 tuổi chơi thuần thục đàn nhị, măng-đô-lin và ắc-mô-ni-ca. Lớn thêm chút nữa học chơi đàn bầu và chẳng mấy chốc đã thành thạo, rồi trở thành “nhạc công” của đội văn nghệ lớp, trường, thôn, xã và huyện. Cũng từ đó, những chiếc đàn trở thành những người bạn, theo bước chân quân ngũ và hành trình mưu sinh giữa cuộc sống đời thường”, ông Nguyễn Đình Túc mở đầu cuộc chuyện trò.
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Bùng thơ mộng, tuổi thơ gắn với những ngày tháng chơi đùa và tắm mát giữa dòng sông, có lẽ vì thế mà tâm hồn ông luôn rộng mở để đón nhận những thanh âm của thiên nhiên và cuộc sống làng quê thôn dã. Yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc nên cứ thấy ai chơi đàn, thổi sáo là ông chỉ muốn lắng nghe hay ngắm nghía nhạc cụ không biết chán.
May mắn hơn nữa, ông được sinh ra trong một gia đình yêu văn nghệ, mẹ là một người hát dân ca nổi tiếng trong vùng, cậu ruột lại là người thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Được trời phú cho khả năng cảm thụ và đam mê âm nhạc, ông Túc học cách sử dụng các loại nhạc cụ một cách thuần thục chỉ trong một thời gian ngắn.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc bên những loại nhạc cụ mà ông tự tìm tòi chơi thành thục, điêu luyện. |
Chính những yếu tố đó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu đối với âm nhạc trong ông. Và không biết từ lúc nào, những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của những nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào người, trở thành đam mê, sở thích của người đàn ông này.
Đam mê âm nhạc dân tộc nên khi ngồi trên ghế nhà trường, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc luôn là một trong những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của trường. Đến khi vào quân ngũ, trở thành lính đặc công (năm 1974), ông thường lấy cây sáo, cây đàn làm bạn.
Cũng vì đam mê tiếng đàn, nhất là đàn bầu nên ông đã tìm các vật dụng trong rừng tự mày mò nghiên cứu, chế tác đàn bầu. Tranh thủ những phút nghỉ ngơi ít ỏi sau những trận chiến ác liệt, chàng trai trẻ lại đưa cây sáo, cây đàn bầu cất lên những giai điệu thiết tha, sâu lắng, để tạm quên đi những hiểm nguy đang rình rập.
Năm 1981, ông Nguyễn Đình Túc rời quân ngũ, về quê làm nghề thợ hàn và sửa chữa xe đạp. Bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng sau những buổi tất bật kiếm sống, ôg vẫn mang đàn bầu ra bờ sông gửi nỗi niềm với con nước và ngọn gió. Tiếng đàn được ông Túc gảy lên trong những đêm thanh bình ở làng quê, làm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Rồi những đêm sinh hoạt văn nghệ tại địa phương, ông được mời biểu diễn cho bà con gần xa thưởng thức. Qua đó, tài năng của ông ngày một vang xa.
Món nợ với cuộc đời
Dẫu cuộc đời lúc thăng, lúc trầm, việc mưu sinh lúc thuận lợi, lúc khó khăn nhưng với ông Túc tình yêu với cây đàn, cây sáo không bao giờ thay đổi. Không có điều kiện học hành chính quy và bài bản, ông dành thời gian tự học qua sách báo, ti vi và tìm đến những nghệ nhân ở khắp các làng quê. Mỗi khi chương trình truyền hình có tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc thể nào ông cũng đón xem bằng được.
Với tư chất thông minh bẩm sinh, khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và sự tập luyện miệt mài, ông Túc đã chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc, trong đó thành thạo 5 loại đàn, gồm: đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn tứ. Đàn bầu và đàn nhị là hai loại nhạc cụ mà ông chơi điêu luyện về mặt kĩ thuật, sâu lắng về mặt cảm xúc nhất.
Tuy nhiên, ông vẫn luôn giữ vị trí số một cho đàn bầu, nhạc cụ dân tộc đặc trưng, thuần túy của người Việt. “Có người ví khi chơi đàn bầu, đàn nhị thì tay phải cầm que gẩy, cầm vĩ là “Cha sinh” ra âm thanh, tay trái cầm đàn là “Mẹ dưỡng” âm thanh, quả không sai”, ông Túc tâm sự.
Đặc biệt với lòng yêu thích và đam mê hai cây đàn này, gần 50 năm qua, ông đã không ngừng tập luyện, học hỏi để khi gảy đàn, kéo vĩ, âm thanh phát ra nghe êm gọn, mượt mà, bàn tay trái nắn vuốt cần, rung nhấn, luyến láy sao cho tiếng đàn ngọt ngào, chuẩn xác.
Với niềm đam mê và tâm huyết, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc tập luyện miệt mài không quản ngày đêm trên những ngón đàn để trau dồi kỹ năng. Vợ ông, bà Phan Thị Quán, chia sẻ: “Ông đánh đàn cả đêm nên người dân quanh vùng thường tới để nghe, có khi đông kín cả nhà. Gần đây, sợ ảnh hưởng tới các cháu nhỏ đang học, ông phải đưa đàn đi nơi khác để đánh”.
Ông cho biết: “Có khi đang làm việc mà nghe trên đài hay ti vi có một bản nhạc hay là thả việc đó đi để xem, để nghe và lấy giấy bút ghi lại”. Lâu dần, ông Túc đã trở thành nghệ nhân đàn bầu nổi tiếng với các ngón đàn điêu luyện. Hiện tại, ngoài tham gia dàn nhạc tế lễ phục vụ ngày giỗ các dòng họ, tang lễ - những việc ông cho là nghề kiếm gạo để nuôi đam mê, ông luôn có mặt trong các cuộc thi, hội diễn với các tiết mục độc tấu đàn bầu hoặc đệm đàn cho các tiết mục trong các cuộc thi, hội diễn.
Điều đáng trân quý ở ông là luôn mong muốn nhiều người biết đến các nhạc cụ dân tộc. Trong bối cảnh lên ngôi của nhạc hiện đại, nhạc dân tộc đang bị mai một theo thời gian, số người đam mê nhạc cụ dân tộc ngày càng hiếm. Điều đó làm ông luôn trăn trở, canh cánh trong lòng, thôi thúc ông truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, khi có ai xin học đàn, ông luôn sẵn sàng, thậm chí ông đến tận nhà để truyền dạy.
Đến nay, ông đã truyền dạy cho 15 người, cả người lớn và các cháu nhỏ tuổi. Quý nhất là có cháu còn nhỏ tuổi mà đã yêu nhạc cụ dân tộc, đánh thành thạo, điêu luyện và đạt nhiều giải cao như Ngô Hoàng Anh (sinh năm 2005) đạt giải A độc tấu đàn bầu tại Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2011. Với ông, việc truyền dạy và biểu diễn nhạc cụ dân tộc không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm đối với việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của quê hương, dân tộc.
Với tình yêu, lòng nhiệt tình và những đóng góp trong việc bảo tồn dụng cụ âm nhạc dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc đã được trao tặng giải A tại Hội diễn Tiếng hát Làng Sen năm 2006; Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang toàn tỉnh năm 2006; Huy chương Bạc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu 4 năm 2007; giải A tại Hội diễn Công đoàn tỉnh. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú.
Bằng tình yêu và tâm huyết, những “thanh âm dân tộc” đã theo ông đi qua chiến trường lửa đạn, qua những gian nan của cuộc sống. Cho đến hôm nay, khi tóc đã ngả màu hoa râm, ông vẫn ngày đêm miệt mài với các nhạc cụ dân tộc với mong muốn góp phần giữ gìn, phát huy, và trao truyền những giai điệu bản sắc dân tộc để những thanh âm đó được mãi ngân xa.