Số người chết gồm: Hoàng Văn Từ (SN 1976; quê Lâu Thượng, Võ Nhai, Thái Nguyên) và Phạm Văn Tự (SN 1977; quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa), cả hai làm việc tại Công ty CP Nhẫn; Bàn Văn Nhung (SN 1966; quê Bảo Yên, Lào Cai), Bàn Văn Lợi (SN 1999; quê Bảo Yên, Lào Cai), Bàn Văn Ngân (SN 1999; quê Bảo Yên, Lào Cai), Triệu Văn Bách (SN 1982; quê Cam Cọn, Bảo Yên, Lào Cai), Trương Văn Nhất (SN 1996; quê Cam Cọn, Bảo Yên, Lào Cai, Chu Đình Ngao (SN 1965; quê Ngân Sơn, Bắc Cạn) và Hà Văn Thực (SN 1992; quê Bảo Thắng, Lào Cai). 7 người xấu số này là lao động tự do.
Người mất tích gồm: 1. Lục Thị Chiến (SN 1965; quê Ngân Sơn, Bắc Cạn) và Phạm Văn Huynh (SN 1983; quê Thường Tín, Hà Nội), cả hai là lao động tự do.
Người bị thương gồm: Phạm Văn Dương (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa), Phạm Văn Thực (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa), Phạm Văn Hà (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa), Bùi Văn Hà (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa). 4 người này làm tại Công ty CP Nhẫn; Bàn Văn Chí (SN 1989; quê Bảo Yên, Lào Cai), Trương Văn Sơn (SN 1993; quê Bảo Yên, Lào Cai) và Lý Văn Mão (quê Bảo Yên, Lào Cai), là những lao động tự do.
Dân trí đưa tin theo văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, ngày 25/8, ông Đặng Xuân Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - đã chủ trì buổi đi kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn. Tham dự buổi kiểm tra có đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Văn Bàn, UBND xã Nậm Xây và công ty cổ phần Nhẫn.
Ông Phong yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Công thương, LĐ-TB&XH và UBND huyện Văn Bàn thành lập tổ công tác vào kiểm tra toàn diện các hoạt động của Công ty cổ phần Nhẫn, báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh trước ngày 5/9.
Yêu cầu Công ty CP Nhẫn rà soát thường xuyên cập nhật báo cáo hàng ngày với UBND huyện và UBND tỉnh về thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra; chủ động phối hợp với tổ công tác của tỉnh trong quá trình kiểm tra đảm bảo tiến độ, thời gian báo cáo UBND tỉnh theo yêu cầu; việc sử dụng lao động, thực hiện khai thác khoáng sản theo giấy phép; ĐTM đã duyệt; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh.
Trước đó, thông tin trên báo Lào Cai, do ảnh hưởng của bão số 3, đêm 19/8, trên địa bàn thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây có mưa lớn gây lũ quét và sạt lở đất. Đến rạng sáng 20/8, khu vực mỏ khai thác vàng của Công ty Cổ phần Nhẫn đã xảy ra sạt lở đất khiến một số lán trại của công nhân bị vùi lấp.
Trong ngày 20/8, lực lượng chức năng huyện Văn Bàn đã phát hiện 2 nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Trước thông tin có thêm một số người dân bị tử vong trong vụ sạt lở đất, UBND huyện đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc xác minh làm rõ. Đến chiều 23/8, cơ quan chức năng huyện Văn Bàn đã xác minh được thêm 5 người nữa bị tử vong do sạt lở đất ở khu vực mỏ vàng, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn.
Ngày 25/8, Đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại Văn Bàn. Trước thông tin vẫn còn người bị nạn bị vùi lấp do sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Văn Bàn, lực lượng công an phối hợp với Công ty Cổ phần Nhẫn tiếp tục tổ chức rà soát, xác minh chính xác số người chết và mất tích.
Ông Đỗ Văn Duy, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết, sau khi tổ chức rà soát, tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện thêm 2 người chết là Hà Văn Thực (sinh năm 1992), trú tại thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng và Chu Đình Ngao (sinh năm 1965), trú tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn.
Như vậy, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết, tính đến ngày 29/8, tại thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn có 9 người chết, 2 người mất tích và 7 người bị thương như trên.
Liên quan đến vụ việc, Báo Gia đình & Xã hội thông tin thêm, theo tìm hiểu và xác minh của PV thì còn ít nhất 2 nạn nhân là: Phạm Văn Chức (19 tuổi, quê Thanh Hoá) và Hoàng Văn Hưng (28 tuổi, quê Bắc Cạn) tử vong trong trận lũ lịch sử tối 19/8 tại bãi vàng Mà Sa Phìn.