Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, đại diện Công ty Đông Nam Á xác nhận chưa bao giờ ra quyết định tạo điều kiện cho ông Hoàng Văn Quang đi học Đại học vào thời gian trên. Và ông Quang cũng chưa bao giờ có đề xuất xin phép Công ty đi học giai đoạn 2006-2009.
Xác minh của Báo PLVN cho thấy bằng Đại học của ông Quang được cấp vào tháng 8/2009 với thời gian học chỉ 1,5 năm (số hiệu bằng A364530, do Giáo sư - Tiến sỹ Ngô Thế Chi, Giám đốc hoc viện Tài chính ký cấp). Điều này là bất thường và dấy lên nhiều nghi vấn về tấm bằng.
Nghi vấn bằng thật, học giả?
Như PLVN đã phản ánh ở bài viết “Liên quan “vụ kiện thập kỷ” tại Lào Cai: Lộ diện những hành vi khuất tất của Phó Chủ tịch huyện Văn Bàn” đã chỉ ra những những khuất tất trong hạch toán, quản lý tài chính của ông Hoàng Văn Quang trong thời kỳ làm kế toán trưởng Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai, là nguyên nhân dẫn đến vụ kiện kéo dài 10 năm giữa đơn vị này và Công ty Bao Bì (đều ở khu công nghệp Tằng Loỏng, Bảo Thắng, Lào Cai).
Tiếp tục điều tra thì PV còn phát hiện quá trình thăng tiến trong sự nghiệp của ông Quang có nhiều bất thường, có liên quan chặt chẽ đến thời kỳ ông này còn làm kế toán ở Công ty Đông Nam Á, đặc biệt là những khuất tất đến bằng cấp.
Cụ thể, tại sơ yếu lý lịch cán bộ công chức của ông Quang, mục tóm tắt quá trình công tác thể hiện từ 04/2006 - 06/2009 làm kế toán cho Cty Đông Nam Á. Từ 12/2007 - 06/2009, hồ sơ ghi “ông Quang được được Công ty Đông Nám Á tạo điều kiện cho đi học liên thông tại Học viện Tài Chính (Hà Nội và có được tấm bằng chính quy.
Xác minh tại Học viện Tài chính thể hiện, ông Quang học khoá 10, lớp liên thông đại học, chuyên ngành kế toán (khoá 2007 - 2009) tại Hà Nội, học tập trung toàn thời gian, liên tục 18 tháng. Ngoài ra, cán bộ Phòng Đào tạo - Học viện Hành Chính khẳng định với phóng viên, khóa học của ông Quang học vào tất cả các buổi tối trong tuần.
Song, Công ty Đông Nam Á khẳng định trong giai đoạn 2007 - 2009, ông Quang thường xuyên làm việc tại Công ty, sinh sống ở TP Lào Cai. Các chứng từ, sổ sách kế toán có chữ ký của ông Quang thể hiện ông này không vắng mặt trong giờ hành chính. Vậy khoảng cách 350km từ Lào Cai về Hà Nội (khi đó chưa có cao tốc Nội Bài - Lào Cai), thì ông Quang “chỉ có thể di chuyển hằng ngày từ Lào Cai về Hà Nội bằng máy bay trực thăng để kịp giờ học các buổi tối ở Học viện Tài chính”! - ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Công ty Đông Nam Á nói. Và điều này là vô lý.
Tấm bằng đại học dấy lên nhiều nghi vấn bằng thật, học giả của ông Hoàng Văn Quang |
Vậy trong suốt 18 tháng học tập trung liên tục, không lẽ ngày nào ông Quang cũng di chuyển “thần tốc” để ngày làm việc tại Công ty Đông Nam Á, tối lên giảng đường tại Hà Nội?!
Nghi vấn “bằng thật nhưng học giả” của ông Quang là có cơ sở, và Công ty Đông Nam Á cho biết đã gửi đơn tố cáo bổ sung đến Cơ quan điều tra hình sự của Viện KSND Tối cao - đơn vị đang vào cuộc điều tra làm rõ những hoạt động xâm phạm tư pháp xảy ra tại các cấp toà Lào Cai trong “vụ kiện thập kỷ” giữa Công ty Đông Nam Á và Công ty Bao bì Lào Cai.
Trao đổi với ông Hoàng Văn Quang về những khuất tất liên quan đến tấm bằng đại học, ông này cho biết Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai đã vào cuộc xác minh việc đó, đề nghị PV liên hệ với Học viện Tài chính để tìm hiểu thêm.
Thoái thác trách nhiệm
Đại diện Công ty Đông Nam Á khẳng định, ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Công ty Đông Nam Á thời kỳ đó xác nhận đã ký sẵn nhiều văn bản, công văn, giấy tờ cho ông Quang tiện trong công việc giao dịch khi ông này thường xuyên phải đi công tác xa.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, nhân viên kế toán Công ty Đông Nam Á (từ thời đó đến nay), cũng xác nhận ông Quang đã nhiều lần sử dụng văn bản khống chỉ để “phù hợp hóa” công tác tài chính của Công ty. Bà khẳng định ông Quang đã chiếm giữ nhiều giấy tờ quan trọng về kế toán và tài chính khi rời khỏi Công ty này, không bàn giao.
Theo đó, đây có thể chính là kẽ hở để cho ông Quang tự tung tự tác và dẫn đến một loạt những khuất tất về tài chính, trong đó có dấu hiệu biển thủ hơn 1 tỷ đồng, đặc biệt là việc bị kẻ xấu lợi dụng chế tác văn bản khống chỉ, cùng sự biến mất của một số giấy tờ quan trọng khác gây bất lợi cho Công ty Đông Nam Á trong vụ kiện sau này.
Những khuất tất trong nghiệp vụ tài chính do ông Quang gây ra trong thời kỳ làm kế toán tại Công ty Đông Nam Á là nguyên nhân trực diện dẫn tới “vụ kiện thập kỷ” giữa đơn vị này và Công ty Bao Bì, đến nay đã qua 8 lần xét xử, “điệp khúc” huỷ án được lặp đi lặp lại với hàng loạt sai phạm từ nghiêm trọng, đến rất nghiêm trọng của các cấp tố tụng tỉnh Lào Cai.
Trước sự việc liên quan đến hành vi và trách nhiệm của mình, ông Quang thể hiện thái độ bàng quang, thoái thác “không biết, không liên quan”, dù nhiều lần Công ty Đông Nam Á đề nghị ông này tới làm rõ những khuất tất về tài chính còn tồn đọng.
Hành vi đó phần nào phác hoạ chân dung một cán bộ công chức Hoàng Văn Quang thiếu minh bạch và trung thực với chính những trách nhiệm và hậu quả do mình gây ra.
Một ví dụ khác, khi Báo PLVN đăng tải bài viết thẳng thắn chỉ ra những điểm bất thường trong hành trình thăng tiến, và những sai phạm tài chính trong thời kỳ làm kế toán tại Công ty Đông Nam Á, ông Quang đã liên hệ đề nghị được làm việc với Ban Biên tập Báo PLVN để được giải trình. Nhưng sau đó, ông Quang liên tục thay đổi ngày, giờ và cuối cùng vẫn thất hứa.
Về những dấu hiệu bất bình thường đó, cùng với con đường quan lộ thăng tiến “thần tốc” từ một nhân viên thử việc tại Sở Tài chính Lào Cai năm 2011, trở thành Phó Chủ tịch huyện Văn Bàn năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai đã vào cuộc tiến hành xác minh theo công văn đề nghị của Báo PLVN mới đây.