Tại đây, nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội BĐS và các chuyên gia kinh tế, tài chính... sẽ cùng thảo luận lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành về các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS.
Ngành BĐS đã từng có một “mùa hoa” tươi đẹp, nhưng sau quãng thời gian phát triển quá “nóng”, “ăn xổi ở thì”; mùa hoa ấy đã tàn. Hiện BĐS đối mặt với 3 vấn đề nguy nan: Một số dự án còn vướng mắc pháp lý; khó tiếp cận vốn vay ngân hàng; và người dân không còn mặn mà với BĐS.
Vấn đề thứ nhất, pháp lý, là chuyện “đau đầu” với không ít DN BĐS. Theo Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), chỉ riêng tại TP này, đã có ít nhất 149 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đô thị có vướng mắc về pháp lý, chưa thể trở thành dự án “sạch” hoàn toàn.
Về khách quan, đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh BĐS; dù các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa nhưng vẫn chưa theo kịp thực tế, gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Một số loại hình như BĐS nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nhà ở... thì chưa có khung pháp lý rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình phát triển dự án, chào bán cũng như bàn giao sản phẩm, cấp giấy chứng nhận sở hữu hay quyền sử dụng cho người mua.
Bên cạnh đó, ngữ nghĩa của một số thuật ngữ pháp lý chưa rõ ràng, gây khó hiểu, thậm chí mỗi luật dùng một từ ngữ khác nhau khiến khâu thực thi pháp luật thiếu hiệu quả. Thậm chí, một số cán bộ hiện nay còn có tâm lý ngại phê duyệt bởi "tai nạn quản lý" trong BĐS rất dễ xảy ra.
Thế nhưng, sòng phẳng mà nói, còn có yếu tố chủ quan từ chính các DN BĐS dẫn đến thực tế này. Trong một thời gian dài, lợi dụng tình trạng “tranh tối, tranh sáng”, lợi dụng một số kẽ hở pháp luật, một số dự án đã mọc lên mà không đầy đủ cơ sở pháp lý, sử dụng cả đất công, ảnh hưởng quyền lợi của người sử dụng đất khác, dẫn đến những khiếu tố kiện tụng…
Vấn đề thứ hai, là sau quãng thời gian “nhà nhà, người người đi buôn đất”, thì trào lưu này nay đã thoái trào, giá nhà đất không còn bị “thổi lên trời” mà đã “hạ nhiệt” trở về giá trị thực. Trong cuộc chơi này, nhiều người đổi đời nay “ôm” khối tài sản lớn, nhưng cũng không ít cá nhân DN “ôm” đất giá cao, nay khốn khổ vì đẩy “hàng” đi mà không được, kiệt quệ dòng tiền.
Vấn đề thứ ba, liên quan trực tiếp tới vấn đề thứ nhất và thứ hai. Vì dự án pháp lý “tù mù”, lại bị định giá “ảo”, nên cá nhân và DN ôm đất sẽ gặp khó trong huy động vốn, khó thế chấp ngân hàng, các khoản vay không được giải ngân, hoặc nếu có, lãi suất cũng ở mức cao; tính thanh khoản của các sản phẩm BĐS trên đã èo uột, lại càng giảm sâu.
Còn có thể kể thêm một vấn đề khác với một số “ông lớn” BĐS, là sau thời gian dài phát hành trái phiếu, hút tiền để “chôn” vào đất, đã đang “khô máu” dòng tiền, nay lại sắp đến thời hạn phải trả tiền cho nhà đầu tư; rồi không biết lấy tiền đâu ra?
Thị trường BĐS sau một thời gian bùng nổ loạn lạc, đến nay thực sự rất cần sự điều tiết của Chính phủ với một chính sách tổng thể để thực sự lành mạnh và bền vững.