Nơi sinh ra đô vật vô địch triều Nguyễn
Người Làng Sình bây giờ biết về lai lịch của môn võ này ít lắm, chỉ đếm trên đầu ngón tay, những bậc cao niên biết rõ thì phần lớn đã qua đời.
Chúng tôi đến gặp cụ Nguyễn Văn Huệ (80 tuổi), vào những ngày đầu tháng giêng, cụ là một trong số ít người còn lại của làng Sình biết rõ gốc gác của hội vật.
Cụ Huệ kể rằng, Làng Sình ngày xưa vốn là một bãi bồi do ba nhánh sông hợp lại mà thành, do có bải đất rộng nên được chúa Nguyễn dùng để huấn luyện binh lính. Bấy giờ, làng Sình có chàng thanh niên vì say mê các bài quyền của binh lính tập hằng ngày nên đã xin tòng quân.
Chiến tranh kết thúc, thiếu niên kia trở lại làng Sình và lập gia đình. Rồi sau này bày ra hình thức đấu vật cho con cháu trong nhà cùng luyện tập nâng cao sức khoẻ.
Người này sau được làng tôn làm ông tổ môn vật.
Cụ Huệ kể lại những thăng trầm của vật làng Sình |
Do là nơi hợp lưu của 3 nhánh sông Hương nên đất đai ở đây màu mỡ phì nhiêu nên người dân tứ xứ bắt đầu kéo đến sinh cơ lập nghiệp. Tại đây, các họ tộc bắt đầu hình thành, các ngành nghề tiểu thương, thủ công nghiệp theo chân họ cũng bắt đầu manh nha phát triển.
Làm ăn thuận lợi, thế nên khi tết đến xuân về, các Hội chủ trong làng mới tự bỏ tiền túi đứng ra tổ chức lễ hội vui chơi giải trí, môn đấu vật cũng được đưa vào trong phần lễ hội với mục đích thư giản và nâng cao sức khoẻ. Và rồi nó trở thành truyền thống, cứ mỗi độ xuân về, lễ hội đấu vật làng Sình lại được ấn định vào ngày mùng 10 Tết.
Đúng ngày mồng 10 tháng Giêng dân làng khắp nơi kéo về xem hội vật |
Vật làng Sình có một điển tích mà người làng ai cũng biết. Trước kia, thời nhà Nguyễn, trong một lần vua tổ chức thi đấu giải vật quy tụ các đô vật khắp cả nước, đến trận chung kết, sới vật chỉ còn lại 2 đô vật giỏi nhất là người làng Sình và làng Thủ Lễ (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, TT Huế).
Hai đô vật sắp sửa vào đấu trận cuối cùng thì bất ngờ em trai của đô vật làng Sình mặc dù người nhỏ con, lại không giỏi võ, không biết nhiều thế miếng vật hơn người anh đã nhảy vào dành thi đấu trận cuối cùng.
Trước đó, vì đã quan sát theo dõi kỹ lối đánh của đô vật Thủ Lễ nên người này đã biết được điểm mạnh yếu của đối thủ. Vào trận, sau khi vờn nhau vài giây, đô vật Thủ Lễ nhảy xổm vào định bốc đô vật làng Sình quăng xuống, nhưng ông này nhanh như cắt đã lùi lại vào chụp luôn vào tay thuận thế kéo ngược đẩy văng đối thủ đi rồi áp sát tì đè xuống đất.
Đô vật Thủ Lễ không cựa quậy được và đánh chấp nhận thua cuộc. Đô vật làng Sình vô địch, và từ đó danh tiếng vật làng Sình cũng như vật Thủ Lễ lan xa khắp cả nước.
Vật cho “lấm lưng trắng bụng”
Hội vật làng Sình có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra tại đình làng, vào sáng tinh mơ, đông đảo người dân và các phụ lão đã tề tựu đông đủ ở đình làng.
Tại đây, để bắt đầu cho ngày hội vật, các cụ cao niên trong làng sẽ dâng mâm lên với các lễ vật xôi, gà, hoa quả…lên bàn thờ đình tổ (bậc khai canh ra làng Sình) để báo cáo về tình hình làm ăn kinh tế một năm qua của dân làng, cũng như cầu xin cho năm mới sẽ được làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi, và cũng là để xin phép cho làng được tổ chức lễ hội đấu vật.
Tiếng trồng khai hội |
Sau đó, các cụ cao niên trong làng đại diện sẽ ra bắt cặp thi đấu biểu diễn vài keo vật cho bà con dân làng xem thưởng lãm. Sang giờ Thìn, phần thi đấu chính thức sẽ được bắt đầu.
Cụ Huệ cho biết, sới vật trước đây là một vạt đất được đổ đầy cát, xung quanh sới được quây lại bằng các sợi dây thừng. Vài năm trở lại đây, hội vật được chuyển từ trong đình ra bên ngoài bải đất của làng để khách thập phương về xem đông hơn.
Các đô vật tranh tài |
Các đô vật để được tham gia thi đấu chỉ cần đến ghi danh trực tiếp với ban tổ chức tại đó, rồi lên sới đấu ngay. Luật đấu ngày xưa cũng có nhiều nét khác biệt so với bây giờ. Thời bấy giờ, đấu vật gọi là “vật bợ giải cạn”, các tay đô không phân biệt hạng cân lứa tuổi, chỉ cần đô vật nào còn trụ lại đến giây phút cuối cùng trong ngày hội thì sẽ được xem là nhà vô địch.
Các đô vật sẽ dùng sức, dùng tất cả những gì có được để làm cho đối thủ “lấm lưng trắng bụng” thì chiến thắng và tuyệt đối không được dùng kỹ thuật quyền cước.
Người thắng cuộc |
Sau năm 1990, khi hội vật bắt đầu được các cơ quan chức năng quản lý thì thể thức thi đấu cũng bắt đầu thay đổi. Các đô vật sẽ được phân thành các nhóm lứa tuổi, và cứ đô vật nào thắng 3 trận sẽ được vào vòng bán kết và bốc thăm phân cặp đấu chung kết, điều hành các trận đấu là các trọng tài môn vật của sở Thể dục thể thao tỉnh.
Về luật đấu, có một điều đặc biệt đó là trước khi vào thi đấu chính thức, các đô vật sẽ không thực hiện nghi thức xe đài (chào đài) như các đô vật phía Bắc hay trong thi đấu võ cổ truyền Việt Nam. Thay vào đó, các đô vật sẽ hướng vào tổ đình và quỳ xuống vái lạy 3 lạy theo hiệu lệnh của tiếng trống.
Đây cũng là nét khác biệt của vật làng Sình và hội vật các nơi trên cả nước. Và khi các đô vật bắt đầu áp sát vào nhau thi đấu thì trống xung quanh đài trống sẽ đánh liên hồi để cổ động tin thần cho 2 đô vật.
Vật làng Sình thời kinh tế vĩ mô
Cụ Huệ kể lại rằng, thuở sơ khai của hội vật làng Sình vốn đơn giản chỉ là thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ để lao động nên tiêu chí chiến thắng khá đơn giản, ai khoẻ hơn thì người đó thắng.
“Bữa nay đấu vật pha tạp nhiều, con em có đào tạo luyện tập võ nghệ nên vật cũng khác nhiều chứ hồi xưa là vật khan rứa thôi, ai khoẻ thì thắng chứ hoàn toàn không có miếng mảng chi hết” - cụ Huệ cho biết.
Cũng vì sự hội nhập phát triển kinh tế, hội vật làng Sình dần được xem là một lễ hội cấp quốc gia, qua hàng năm, người tham gia sới vật đông hơn, từ những làng, những xã gần đó cho đến các đoàn vật từ phía Bắc vào tham gia thi đấu tại lễ hội.
Ông Kỳ Hữu Hưng cho biết: “Bên Quảng An, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Thủ Lễ (xã Quảng Lợi), Hương Phong, Hương Vinh (huyện Phong Điền)… hàng năm đều có đô vật sang đăng ký tham gia hội cả.
Có năm các làng họ còn cử VĐV thi đấu chuyên nghiệp trên Sở về tham gia, rồi thậm chí năm ngoái còn có cả đội vật Hà Nam Ninh, Judo Hà Tây từ ngoài bắc vô đấu. Vật bữa nay pha tạp nhiều, thiên về kỹ thuật hơn là sức mạnh, và gần như đấu vật bữa nay không còn giữ được truyền thống nguyên sơ như trước”.
Vật làng Sình thể hiện trong tranh xưa |
Bởi cũng nguyên nhân đề cao tính danh dự, nặng về thành tích nên những năm gần đây các làng lân cận đã cắt cử rất nhiều con em là các vận động viên chuyên nghiệp đã qua đào tạo thi đấu tham gia hội vật.
Mặc dù chất lượng các trận đấu ngày càng cao, nhưng ngược lại, các giá trị truyền thống của hội vật ngày càng dần mất đi, hội vật không còn là nơi để tất cả mọi người đều có thể lên sới tham gia vài keo giải trí “cho vui”.
Đây cũng là một điều trăn trở của những cao niên làng Sình vốn bao năm đã gắn bó với lễ hội này.